Những người Viettel vượt qua nỗi sợ trước ‘băng tần vàng’

Minh Anh - Nhật Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:32 - 07.04.2024

Để có được "băng tần vàng" 2600 MHz, ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân sự chuyên trách của Tập đoàn đã trải qua những ngày tháng chuẩn bị hồ sơ, tham gia đấu giá vô cùng căng thẳng.

2h chiều ngày 8/3, tại Trụ sở Cục tần số Vô tuyến điện, phiên đấu giá tần số 2500 - 2600 MHz chính thức bắt đầu. Trong khi đại diện của Tập đoàn (là các anh, chị lãnh đạo Tập đoàn, các Ban, Tổng Công ty) đã vào phòng đấu giá, chị Phan Thị Loan - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách viễn thông của TCT Viễn thông Viettel (VTT), lại túc trực bên ngoài chờ đợi. Chị là tổ trưởng tổ giúp việc tổng hợp với nhiệm vụ đảm bảo toàn bộ các hồ sơ, thủ tục của Tập đoàn gửi các cơ quan quản lý theo quy định trước, trong và sau mỗi đợt tổ chức đấu giá băng tần.

Tuy không trực tiếp tham gia trong phòng đấu giá, chị Loan vẫn dõi theo diễn biến cuộc đấu giá và đối diện với nỗi lo sợ vô hình. Chị tính nhẩm: “14h phiên đấu giá bắt đầu, thêm 30 phút để phổ biến quy chế, sau đó đến vòng trả giá đầu tiên. Nếu 15h chiều, Tập đoàn mình chưa ra khỏi phòng, tức đã qua được vòng đầu". 

Với chị Loan, vòng trả giá đầu tiên mang lại căng thẳng và nhiều nỗi lo nhất. Một loạt câu hỏi nảy ra trong đầu chị từ khi bắt đầu nộp hồ sơ tham gia đấu giá (5/3) đến ngày tổ chức đấu giá (8/3): Nhỡ Viettel phải đấu giá một mình, nhỡ không có nhà mạng khác tham gia thì sao? Cuộc đấu giá bị huỷ thì sao? Nhỡ vòng trả giá đầu tiên mà chỉ có Viettel trả giá thì sao?

Sợ cuộc đấu giá không thành, sợ hồ sơ không được duyệt, sợ bị cơ quan từ chối… Có rất nhiều nỗi sợ chị Loan và tổ chuyên gia của Viettel phải đối mặt và tìm cách hoá giải trong suốt quá trình theo đuổi cuộc đấu giá tần số 2500 - 2600 MHz, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến trực tiếp tham gia đấu giá.

anhlanhdao
Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng, Phó TGĐ Đỗ Minh Phương, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ và lãnh đạo các Ban, Tổng Công ty của Viettel tại buổi đấu giá quyết định băng tần vàng.

“Bị từ chối hồ sơ thì… chết”

Theo quy định, doanh nghiệp cần lập hồ sơ xin cấp đủ điều kiện, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy xác nhận mới được nộp hồ sơ tham gia đấu giá trong vòng 30 ngày sau khi có thông báo (từ ngày 17/1 đến ngày 15/2/2023 - mùng 6 tết). Các tổ giúp việc bao gồm các nhân sự chủ chốt của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong Tập đoàn được thành lập theo Quyết định 7655/QĐ-CNVTQĐ đã thực hiện xây dựng 3 bộ hồ sơ cho cuộc đấu giá 3 khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz), C2 (3700-3800MHz) và C3 (3800-3900Mz) trong thời gian 15 ngày để đảm bảo nộp hồ sơ sớm hơn 1 tuần trước ngày nghỉ Tết nguyên đán, tránh các vấn đề có thể xảy ra trong dịp nghỉ lễ. 

Trọng trách phải đảm bảo các hồ sơ, thủ tục của Tập đoàn phải hoàn hảo nhất, chị Phan Thị Loan - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách viễn thông của VTT chia sẻ: “Chúng tôi rất sợ hồ sơ của Viettel mình không đủ điều kiện tham gia đấu giá, lo lắng đâu đó trong hồ sơ chẳng may có điểm chưa đúng hoặc bị các cơ quan chuyên ngành từ chối”.

Theo chị Phan Thị Loan, Cục Viễn thông có thời hạn 1 ngày để kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và và 15 ngày để chuyển các cơ quan chuyên ngành như Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học & Công nghệ, Cục Tần số Vô tuyến điện, Trung tâm Internet Việt Nam, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ và các phòng, trung tâm thuộc Cục Viễn thông cho ý kiến thẩm định về hồ sơ của doanh nghiệp. 

anh2
Đội chuyên gia được thành lập và hoạt động hết công suất với mục tiêu có bằng được băng tần cho mạng 4G, 5G.

Đặc biệt, theo Nghị định số 63/2023/NĐ-CP, hồ sơ chỉ cần chưa đạt yêu cầu từ một trong số các cơ quan trên, sẽ không đảm bảo đủ điều kiện ngay lập tức và doanh nghiệp có nguy cơ mất quyền tham gia đấu giá. Áp lực “không được lỗi ngay từ lần đầu tiên”, “phải gửi lên hồ sơ đẹp nhất” khiến nỗi lo lắng của tổ chuyên gia càng dâng cao hơn nữa. 

Áp lực đè nặng trên vai từng người trong tổ chuyên gia Tập đoàn, vừa bởi tần số 2500 - 2600 MHz rất quan trọng với Viettel, vừa bởi Viettel mang danh tập đoàn lớn, có kinh nghiệm dày dặn hàng đầu. Trong trường hợp mất quyền đấu giá, cả mục tiêu kinh tế và uy tín, danh tiếng của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng. 

Chị Loan bộc bạch: “Doanh nghiệp lớn như Viettel mất quyền đấu giá chắc kinh khủng lắm. Để lập ra được hồ sơ với chất lượng cao nhất phải nhờ đến trí tuệ tập thể. Tuy đã có nhiều lần làm hồ sơ “tập dượt”, nhưng mỗi thành viên đều rất thận trọng. Những buổi họp như thế luôn rất căng thẳng”. 

Sự căng thẳng ấy đến từ từng chi tiết của hồ sơ đấu giá. Thứ nhất, câu chữ trong yêu cầu chưa thống nhất về cách hiểu. Đội tổng hợp phải trao đổi trực tiếp với bên soạn thảo văn bản, làm rõ cách hiểu, khái niệm đặc thù, xác định rõ quy trình nhằm đảm bảo tính chính xác của hồ sơ.

Thứ hai, để hoàn thành các đầu mục, tổ chuyên gia cần kết hợp trí tuệ từ tất cả lĩnh vực: kinh doanh, kỹ thuật, đầu tư, tài chính, pháp chế của Tập đoàn. Nhưng khi đó, mỗi người lại đứng trên một quan điểm khác nhau. Chị Loan và đồng đội đã mất nhiều thời gian, công sức, chất xám để tính toán độ phù hợp và đảm bảo tính logic của các số liệu thu về. Tất cả nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho Tập đoàn trong quá trình nộp hồ sơ đấu giá. 

“Với nhiều góc nhìn khác nhau, đương nhiên có sự tranh luận. Tuy nhiên, chúng tôi tranh luận để tìm ra những giải pháp tốt nhất, nhằm thực hiện mục tiêu lớn của Tập đoàn”, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách viễn thông của VTT khẳng định. 

Nhiều hôm, tổ chuyên gia phải họp liên tục từ 4h chiều đến 12h đêm tại Trụ sở Tập đoàn để bàn bạc hồ sơ, rà soát từng chi tiết nhỏ. Chị Loan kể lại: “Việc họp đêm muộn không hiếm với chúng tôi. Họp muộn có mệt, nhưng người Viettel và đặc biệt những nhân sự lâu năm như chúng tôi đã quen với áp lực. Ai cũng hiểu đây là việc lớn của Tập đoàn, là trọng trách của mỗi thành viên dự án”. 

Được cho phép 30 ngày để xây dựng hồ sơ nhưng tổ chuyên gia của Viettel chỉ mất hơn 10 ngày để hoàn thành xong tất cả. Đánh đổi lại, nhiều ngày liên tiếp, ai ai cũng sáng làm việc cơ quan, đêm thức họp bàn đấu giá tần số, không kể ngày thường hay ngày nghỉ. 

Qua những buổi tập trung toàn lực, hồ sơ của Viettel chỉ mất một lần nộp lên và một lần gửi văn bản làm rõ nội dung. Đồng thời, Viettel có ít câu hỏi cần làm rõ nhất trong tổng số các nhà mạng tham gia nộp hồ sơ. 

Chị Loan khẳng định: “Những bộ hồ sơ xin cấp phép của Viettel rất chuẩn chỉnh, thường xuyên được đưa ra làm mẫu, tất cả các anh chị làm việc trên Bộ đều công nhận. Với cùng hạng mục đề xuất, hồ sơ của Viettel luôn kỹ càng và phân tích chi tiết các tình huống, trong khi hồ sơ của doanh nghiệp khác chỉ viết vài dòng. Bộ Thông tin và Truyền thông không có sự thiên vị vì thực tế, hồ sơ của chúng ta rất chỉn chu”.

Mỗi cuộc đấu giá luôn có khả năng phát sinh biến số ngoài dự tính. Ngay cả khi đã hội tụ đội ngũ nhân sự có năng lực, kinh nghiệm nhất Tập đoàn, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định, tổ chuyên gia vẫn không khỏi hồi hộp, nín thở chờ đợi kết quả hồ sơ từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, do tính chất quan trọng của cuộc đấu giá này mà thời gian thẩm định, ra quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng “dài” hơn so với quy định (gần 30 ngày kể từ khi doanh nghiêp nộp hồ sơ so với 15 ngày theo quy định). 

5/3 là hạn cuối các doanh nghiệp nộp Hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá với tổ chức đấu giá. Nhưng mãi đến 9h tối ngày 4/3, Tập đoàn mới nhận được thông tin đồng chí Thứ trưởng Bộ TTTT vừa ký duyệt văn bản xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá băng tần. 10h đêm, hai đồng chí trong tổ tổng hợp lại cùng nhau lên Bộ lấy Giấy xác nhận đáp ứng điều kiện về để sáng hôm sau kịp nộp sớm nhất trong ngày cuối cùng của hạn. 

3 ngày trước khi diễn ra cuộc đấu giá (từ sáng thứ 6 đến hết tối chủ nhật), chị Loan cùng anh Lê Bá Tân - Trưởng Ban Kỹ Thuật Tập đoàn, anh Hoàng Đức Thanh - PGĐ TT Kỹ thuật toàn cầu của VTNet và nhiều thành viên khác vẫn tiếp tục họp online để trao đổi, bàn  tính về các kịch bản có thể  xảy ra để kịp thời báo cáo các anh trong Ban chỉ đạo sớm có phương án dự trù. 

Chiến thắng hoá giải mọi nỗi sợ

Sáng 8/3, ngày diễn ra đấu giá, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng gọi các thành viên tham gia đấu giá và cả tổ chuyên gia lên cùng ăn sáng và động viên tinh thần. Trả lời Chủ tịch, chị Phạm Kim Anh, thành viên tổ giúp việc tổng hợp khẳng định: “Em rất tự tin vì chúng ta đã chuẩn bị rất đầy đủ các thông tin, kịch bản và mục tiêu. Mình chẳng có gì phải sợ cả!”.

Song, suốt khoảng thời gian đứng ngay tại địa điểm tổ chức đấu giá, trong lòng mỗi thành viên vẫn không hết những nỗi sợ. Nỗi lo lắng về hồ sơ qua đi, các đồng chí lại băn khoăn về diễn biến của cuộc đấu giá. Chị Loan kể: “Khi cuộc đấu giá diễn ra, tôi chỉ mong mỏi qua được vòng trả giá đầu tiên. Chỉ cần qua được vòng đầu tiên, áp lực của tôi đã giảm được đến 70%, Viettel chắc sẽ chiến thắng”. 

Trong Luật Đấu giá, nếu vòng đấu đầu tiên chỉ có một đơn vị tham gia trả giá, tài sản sẽ không được đấu giá, cuộc đấu giá coi như không thành. Sớm nhất phải chờ hơn 3 tháng mới mở đấu giá lại. Như vậy, Tập đoàn sẽ lỡ mất cơ hội kinh doanh theo kế hoạch đã đề ra. 

anh3
Những thành viên Viettel trong khoảnh khắc chiến thắng lịch sử

Cuộc đấu giá thành công hội tụ bởi 2 yếu tố: Số lượng nhà mạng tham gia và nguồn chi phí nhà mạng có thể đáp ứng. Tập đoàn tự tin về mặt chi phí, song điều tổ chuyên gia lo ngại nhất nằm ở yếu tố khách quan còn lại. 30 phút đầu tiên quyết định thành bại của cả phiên đấu giá. Nếu 30 phút ấy không thành, công sức ròng rã chuẩn bị hồ sơ của tổ chuyên gia cũng đổ sông đổ biển. 

“Tôi và các đồng nghiệp ở bên ngoài áp lực 1, các đồng chí bên trong phòng đấu giá phải áp lực 10. Chúng tôi ở ngoài còn có bối cảnh xung quanh để phân tán tâm lý, các anh ở bên trong không có gì cả. Nhưng tôi tin trong mọi kịch bản, các anh đều nhận diện được ngưỡng để đi tiếp”, chị Loan nhớ lại.

30 phút đầu tiên trôi qua, mọi người đều ngầm hiểu vòng đấu đã thuận lợi. Nỗi lo lắng của chị Loan cũng vơi đi gần hết, chỉ còn băn khoăn về mức giá cuối cùng.

Từ 2h chiều đến 7h35 tối, 24 vòng đấu giá căng thẳng và quyết liệt đã diễn ra liên tục. Viettel giành được quyền sử dụng tần số với mức giá hơn 7.533 tỷ đồng. 

Chiến thắng đã về tay, nhưng cảm xúc đầu tiên của chị Loan không phải sự tự hào của người chiến thắng. Chị chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy áp lực dai dẳng suốt bao lâu đã dừng lại, không tiếp tục đẩy lên cao trào nữa”. 

Với tổ chuyên gia “đánh chắc, thắng chắc” của Viettel, đây không phải cuộc đánh cược để chiến thắng. Họ thận trọng trong mỗi bước đi, và trong mỗi bước đi ấy đều có áp lực đè nặng vì mục tiêu “sống còn”. Người Viettel không thể trắng tay ra về, đã đánh phải thắng. Đến cuối cùng, khi đã mang về thành tựu, họ mới dám thở phào nhẹ nhõm.

“Công sức tất cả mọi người đã bỏ ra trong cả chặng đường rất dài dòng dã trong gần 5 năm (kể từ khi Bộ TTTT quy hoạch và xây dựng các khung pháp lý liên quan đến việc tổ chức đấu giá băng tần) đã có thành quả. Viettel rất mong muốn có được băng tần 2500 - 2600 MHz và chúng ta đã làm được. Cuối cùng chiến thắng nằm trong tay chúng ta với mức giá hoàn toàn hợp lý”, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách viễn thông của VTT tự hào nhớ lại.

Băng tần khối B1 (2500 - 2600 MHz) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để Viettel triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng 4G hiện nay và cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).

Việc Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G.

Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

‘Tần số vàng’ 2600 MHz của Viettel đắt hay rẻ?

Ý nghĩa chiến lược của 'băng tần vàng' với Viettel

Trúng đấu giá 'băng tần vàng' có ý nghĩa như thế nào với Viettel?

Viettel chính thức có 'băng tần vàng' cho 4G và 5G

  • 1

Thể Công - Viettel quyết tâm tiến vào bán kết Cúp Quốc gia

Thể Công - Viettel bổ sung lực lượng trước thềm tứ kết Cúp Quốc gia

Nền tảng học máy Viettel qua lời kể của chính tác giả

  • 1

CBNV Viettel tri ân Anh hùng Liệt sỹ nhân ngày thống nhất đất nước

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua