AI đã tạo ra bước nhảy vọt trong quản trị mạng viễn thông của Viettel ra sao?

Lan Nhi (Viettel AI) đã đăng lúc 15:14 - 12.08.2024

Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel - Viettel AI đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong việc quản trị và điều hành hạ tầng mạng viễn thông của Viettel.

Nhiều năm trước, những thắc mắc về dữ liệu di động từng là vấn đề làm “đau đầu” các tổng đài viên, những người không thể giải thích rõ cho khách hàng trước câu hỏi vì sao dung lượng tốc độ cao của họ lại “nhanh hết”. Trước năm 2016, Viettel nói riêng và hầu hết các nhà mạng khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều chưa có công cụ đo chính xác lượng data khách hàng sử dụng.

Khai sinh từ con số 0 và những thành tựu ngang tầm thế giới

Đó là lý do các kỹ sư VTCC, tiền thân của Viettel AI ngày nay, quyết tâm xây dựng Data Monitoring - Hệ thống Giám sát chất lượng mạng cho phép “nhìn thấy” việc sử dụng dữ liệu của từng người dùng trên phạm vi toàn mạng lưới. Năm 2016, đây là hệ thống đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, cũng hiếm hoi trên thế giới có thể làm được việc đó.

Được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư hoàn toàn chưa có bất cứ kinh nghiệm vì về đo đếm lượng dữ liệu của thuê bao, Data Monitoring “Made in Vietnam” có khả năng xử lý, tính toán khối lượng dữ liệu lên tới hơn 500 Gb/s. Con số này là rất ấn tượng trong bối cảnh những hệ thống lớn nhất của Viettel khi đó sinh ra chỉ vài chục Gb/ngày.

Data Monitoring của Viettel sở hữu loạt công nghệ mới như DPI - Deep Packet Inspection (phân tích sâu dữ liệu các gói tin), phần xử lý dữ liệu lớn - Big Data và chứa cả những tri thức viễn thông của một nhà mạng hàng đầu thế giới. Những công nghệ này đều đã được các kỹ sư Viettel làm chủ.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Data Monitoring đã được triển khai thành công trên toàn bộ mạng lưới 3G và 4G của Viettel. Thậm chí, ứng dụng này còn lot top 5 toàn cầu. Không chỉ tiết kiệm cho Tập đoàn Viettel hàng trăm tỷ đồng, ứng dụng cũng đưa người dùng mạng Viettel bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tự động hoá giúp mọi thứ trở nên công khai, minh bạch.

Khi nỗi lo minh bạch sử dụng dữ liệu vừa mới qua đi, Viettel lại phải đối mặt với vấn đề nan giải là chặn cuộc gọi và tin nhắn rác. Đây cũng là ứng dụng chưa từng có tại Việt Nam và cũng đang rất hiếm hoi trên toàn thế giới (chỉ AT&T của Mỹ khi đó đang thử nghiệm).

bài 2.6

Lần này, hệ thống của Viettel không chỉ phải quét tự động hàng trăm Tb với hiệu suất hàng trăm nghìn cuộc gọi mỗi giây mà còn phải nhận diện được các thuê bao nghi ngờ phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác. Có thể nói, thách thức được nâng lên “một tầm cao mới”.

Sản phẩm Antispam có tiền thân là hệ thống Antispam SMS đã triển khai trên mạng lưới từ năm 2017. Năm 2020, sau 8 tháng phát triển, Antispam bổ sung thêm phân hệ chặn lọc cuộc gọi rác. Đây là giải pháp tổng thể dựa trên 2 nền tảng công nghệ hàng đầu của kỷ nguyên 4.0 là Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) Công nghệ trí tuệ nhân tạo tối ưu 3 mô hình: mô hình nhận biết thuê bao nghi ngờ spam, mô hình tự động nhận biết cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ spam, mô hình chấm điểm độ tin cậy của khách hàng. Công nghệ xử lý dữ liệu lớn xử lý trung bình 120 TB dữ liệu trên ngày, với năng lực xử lý lớn hơn 20.000 cuộc gọi, tin nhắn trên giây.

Xuất phát điểm là con số 0, hệ thống được thử nghiệm đầu năm 2020 và trở thành “chủ lực” trong nỗ lực chặn cuộc gọi và tin nhắn rác của Tập đoàn Viettel. Hiện tại, Antispam đang giúp hơn 70 triệu thuê bao của nhà mạng lớn nhất Việt Nam được bảo vệ nhờ những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.

Bên cạnh việc khẳng định năng lực công nghệ Viettel đang bắt kịp với thế giới, Data Monitoring hay Antispam cũng đang từng bước đưa người Việt hưởng lợi từ cách mạng công nghệ 4.0 ngay cả khi phần nhiều người sử dụng thậm chí không biết tới điều đó. Thuê bao Viettel ở các thị trường nước ngoài cũng bắt đầu được thụ hưởng những tiện ích này.

AI lo để giảm “kho người làm”

Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị mạng viễn thông, Viettel AI đang đầu tư, phát triển và dự kiến đưa vào thử nghiệm sản phẩm Digital Twin, dự kiến sẽ được áp dụng cho khoảng 50.000 trạm BTS, vào cuối năm nay với kỳ vọng giải quyết vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập niên.

Digital Twin được ra đời từ thực trạng các trạm BTS chính là tài sản lớn của Viettel nhưng việc duy tu, bảo dưỡng hay kiểm tra, kiểm soát đòi hỏi nguồn lực khổng lồ. Với các trạm BTS ở những vùng xa xôi, hẻo lánh với địa hình phức tạp, các kỹ thuật viên còn phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là hiểm nguy.

Trên phương diện toàn hệ thống, việc không thể bao quát toàn bộ 50.000 trạm BTS cũng làm giảm khả năng quản lý hiệu quả và thống nhất. Việc đánh giá thực trạng, hiệu năng… dựa vào các báo cáo Exel, vốn có thể gặp sai sót vì yếu tố con người, cũng đặt ra những trở ngại, nhất là khi việc triển khai 5G sẽ tạo ra khối lượng công việc khổng lồ bởi cần nghiên cứu triển khai và lắp đặt thêm lượng lớn trạm BTS mới.

Giống nhiều giải pháp đột phá từng được Viettel AI phát triển, Digital Twin cũng là công nghệ mới mà thế giới còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Chính vì thế, những bài toán của riêng Viettel cũng đòi hỏi các kỹ sư phải tự mày mò, tìm giải pháp. Ngoài ra, dữ liệu viễn thông đặc biệt quan trọng nên Viettel cần hoàn toàn làm chủ công nghệ để tránh nguy cơ lộ, lọt.

Theo anh Trịnh Đình Hoàn, Phó Giám đốc, Khối Công nghệ mới của Viettel AI, Digital Twin mà Viettel chuẩn bị đưa vào thử nghiệm không chỉ có khả năng tự động số hóa, sao chép hạ tầng trạm BTS dưới dạng mô hình số 3D với độ chính xác rất cao, quản lý giám sát theo vòng đời từng trạm BTS và từng thiết bị trên trạm một cách trực quan. Hệ thống này còn áp dụng công nghệ AI tân tiến nhất để phân tích bóc tách các thông tin thay vì cần người trèo lên đỉnh cột thu phát sóng để đo kiểm.

Ngoài ra, khả năng cho phép người dùng thực hiện mô phỏng thử nghiệm các phương án thiết kế lắp đặt thiết bị, tính toán phương án tối ưu một các dễ ràng trực quan trong môi trường số 4D không khác gì môi trường thật giúp ích rất lớn cho công tác thiết kế lắp đặt thiết bị lên trạm. Khả năng kết nối với các thiết bị IoT (Internet vạn vật) nhằm cập nhật dữ liệu theo thời gian thực để trí tuệ nhân tạo có thể giám sát những gì đang diễn ra trên thực tế. Vấn đề có thể được phát hiện từ sớm, từ xa và tính toán nguồn lực nhằm giải quyết nhanh chóng, chính xác.

bài 2.3

Việc triển khai 5G và có thể là 6G trong tương lai sẽ đặt ra thêm nhiều thách thức trong việc quản lý, vận hành các trạm BTS. Thay vì để các kỹ thuật viên khảo sát, lắp đặt, thử nghiệm sau đó lại điều chỉnh, việc có một cái nhìn tổng thể trên môi trường bản sao số sẽ giúp tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian triển khai.

“Khi xây dựng thành công Digital Twin, chúng tôi có thể quản trị toàn bộ mạng lưới, nắm bắt chi tiết từng trạm trên mô hình 3D. Khi mạng lưới đã được số hoá, chúng tôi có thể mô phỏng lắp đặt thiết bị 5G như thế nào, độ cao bao nhiêu, góc ra sao... Các điều kiện về ứng suất cột, che chắn, các yếu tố tác động như gió, động rung lắc… cũng nằm trong tính toán”, anh Hoàn chia sẻ.

Thông qua tính toán của AI, bảng yêu cầu lắp đặt cuối cùng sẽ được đưa tới các kỹ thuật viên. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian triển khai, công sức và chi phí, qua đó cho phép 70 triệu thuê bao Viettel sớm được tận hưởng những lợi ích từ công nghệ mới. Digital Twin cũng có thể được áp dụng cho các thị trường Viettel ở nước ngoài và bán cho các đối tác.

“Khi số hoá mạng lưới, Viettel có thể quản lý hạ tầng một cách đồng bộ thay vì phân mảnh. Tự động hoá cũng giảm sức người, qua đó giúp tiết kiệm chi phí và giảm thời gian triển khai. Quản lý bằng công nghệ mới cũng làm thay đổi tư duy của chính người Viettel trong những công việc hàng ngày”, đồng chí Trịnh Đình Hoàn nói về những lợi ích Digital Twin có thể mang lại.

  • 656
  • 1
  • 2

Bước ngoặt với công nghệ eKYC của Viettel AI

  • 283

10 năm Viettel AI: Từ cuộc chiến chống tin nhắn rác đến kiến tạo tương lai số

  • 1116

Công nghệ sinh trắc giúp Viettel AI đạt giải Vàng IT World Awards

  • 969

CBNV Viettel tiếp sức giúp Viettel Money 'so tài' các ông lớn

  • 2148

Một thập kỷ vươn lên số 1 của An ninh mạng Viettel

  • 554

Viettel AI đồng hành kết nối tài năng Việt tại thung lũng Silicon

  • 599
  • 1

Nhìn lại 10 năm VCS qua những con số

  • 539
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua