Hà Thương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:31 - 08.03.2023
Chuyển từ màng tế bào sang vật liệu hàng không
9 năm học tập và làm việc tại Mỹ, nghiên cứu cơ học ứng dụng, chuyên ngành hẹp về màng tế bào, về nước, tiến sĩ Giang Thanh Hà chuyển hẳn sang nghiên cứu kết cấu của các sản phẩm bay. Cú lượn hiểm hóc này ban đầu khiến không ít người thót tim giùm chị.
“Kiến thức mà tôi được học và công việc hiện giờ nhìn có vẻ xa nhau, nhưng thực chất nó vẫn có cùng một gốc. Tôi hiện phụ trách việc nghiên cứu kết cấu vật liệu của sản phẩm, đảm bảo cho sản phẩm hoạt động an toàn trong cả quãng đời (5-10 năm) của nó. Trước đây tôi làm nghiên cứu thuần túy. Bây giờ là nghiên cứu ứng dụng. Việc thay đổi tính chất công việc cũng tạo ra một số cảm hứng, nhất là khi những nghiên cứu của mình thành hiện thực, được ứng dụng”, chị Hà - cho biết.
Thời điểm quyết định về nước, chị Hà mới sinh em bé. Con hơn một tuổi, mẹ bắt đầu đi làm. Đó là những năm đầu tiên Viettel đầu tư phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ và bắt đầu quá trình xây dựng Viện hàng không vũ trụ Viettel (VTX). Môi trường mới, công việc mới, đủ thứ sức ép dồn nén. “Tôi biết đến cơ hội làm việc tại Viettel thông qua một người bạn. Thú thật, trong những cơ hội được tiếp cận thời điểm đó, Viettel là cái tên thú vị nhất. Ban đầu đi làm tôi cũng lo lắng nhưng rất may, đồng đội mới hầu hết đều từng học tập và làm việc ở nước ngoài, môi trường làm việc cũng rất cởi mở, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều hiện đại, nên tôi thích nghi tương đối nhanh”.
Lịch sử nghiên cứu phát triển ngành hàng không vũ trụ ở Việt Nam tương đối mỏng, cho nên thời gian đầu, chị Hà và cộng sự phải dò dẫm đi dần từng bước trong điều kiện không có tiền lệ để tham khảo. Đây là ngành công nghệ cao, chi phí đắt đỏ nên rất khó tiếp cận các công nghệ mới vì tất cả các nước đều có chế độ bảo mật nghiêm ngặt, hầu như không chuyển giao.
“Chúng tôi cứ vừa làm vừa chỉnh sửa bổ sung. Ngoài áp lực phải tạo ra sản phẩm, còn phải tìm cách để kéo gần khoảng cách công nghệ của mình với thế giới. Trước làm nghiên cứu cơ bản thời gian thoải mái hơn, giờ làm ứng dụng, deadline đúng là “hạn chót”, đúng ngày ấy giờ ấy là phải có sản phẩm, không thể du di co giãn”.
Khi được hỏi phụ nữ làm công việc đặc thù này vất vả bằng mấy bình thường? Chị cười bảo: “Công việc nào cũng có cái khó của nó, ngành y chẳng hạn, áp lực kinh khủng chứ. Nhưng rồi ai cũng phải tự tìm ra cách để vực mình lên. Nhiều khi stress căng thẳng tôi sẽ tìm đến người thân, bạn bè để nói chuyện, chia sẻ. Rồi cũng có khi chỉ cần chăm sóc cho mình khỏe lên thế là tinh thần cũng được cải thiện. Công việc nào cũng không tránh khỏi quy trình vận hành theo hình sin, có lúc lên cao, lúc xuống thấp. Cứ kiên trì là được rồi”!
Vừa kiên trì vừa phải sáng tạo
Việc nghiên cứu không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Có những lúc, có những bài toán làm mãi không ra, thử nghiệm cách nào cũng không như ý. Đó là những khoảnh khắc mà theo chị Hà là dễ nản nhất. Nhưng sự nản ấy gần như trôi qua rất nhanh.
“Nhiều lúc biết là mình đang húc đầu vào đá, thì lại phải bình tĩnh, xoay chuyển tìm cách khác. Công việc này vừa cần sự kiên trì, vừa đòi hỏi khả năng sáng tạo. Tôi đặt mục tiêu là ngoài giờ làm phải dành hết thời gian cho con, nhưng có khi cũng không làm được. Khi nghiên cứu mãi không có tiến triển, thì đầu óc mình cứ bị lẩn quẩn với nó suốt. Xong hạng mục này lại đến hạng mục khác, cứ liên tục bất tận như thế”, chị Hà kể.
“Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều là do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình", Thomas Edison.
Phụ nữ làm khoa học, lại theo đuổi một chuyên ngành hẹp, Tiến sĩ Giang Thanh Hà kể rằng, không phải chị chưa từng gặp định kiến “phụ nữ sao lại làm công việc này?” “Nhưng điều đó tác động đến tôi không nhiều. Tôi biết là tôi thích công việc của mình, nhiều lúc có thể vui rất lâu chỉ vì một tiến triển nhỏ trong nghiên cứu. Đây là lĩnh vực phải cập nhật liên tục, cho nên ngoài thời gian dành cho công việc, thì thời gian dành để học tập, bổ sung kiến thức cũng rất cần thiết. Bước qua giai đoạn coi học tập như một áp lực, thì chính những yêu cầu này khiến chúng tôi luôn được truyền cảm hứng từ cái mới, được cọ xát và từng bước nâng cao năng lực của bản thân”.
Ở VTX bây giờ, số lượng phụ nữ làm công việc “hiếm và khó” như Tiến sĩ Giang Thanh Hà không ít. Ngoài thời gian nghỉ sinh theo chế độ, họ gần như không bị “phân biệt đối xử” so với nam giới. Họ được trao quyền (Viettel nằm trong số ít các doanh nghiệp có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao, với tỷ lệ 40% các “tư lệnh ngành” là nữ), trao việc, tạo điều kiện và được công nhận đúng với khả năng của mình. Đây cũng là lý do khiến chị Hà nói vui là nhờ nó mà chị “không sốc văn hóa ngược” khi quay trở lại làm việc tại Việt Nam.
Hiện VTX đã đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định, những người như Tiến sĩ Giang Thanh Hà có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung vào những mục tiêu dài hạn thay vì liên tục đuổi theo deadline như trước. Mục tiêu càng khó áp lực càng nhiều, nhưng đồng thời động lực cũng càng lớn. Bởi chinh phục được một mục tiêu lớn, ngoài việc khẳng định được nấc thang nghề nghiệp của bản thân, nó còn mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam mà VTX đang theo đuổi.
Tiến sĩ Giang Thanh Hà chia sẻ, chị chẳng có bí quyết thành công nào ngoài làm việc, làm việc, làm việc và không được từ bỏ! Những ngày một thân một mình học tập nơi đất khách quê người là vậy, mà giờ, từng bước từng bước góp phần xây dựng ngành hàng không vũ trụ Việt Nam cũng là như vậy!