Viettel eKYC: Bứt tốc và tiên phong bằng công nghệ

Minh Hải đã đăng lúc 08:26 - 29.08.2024

Giai đoạn 2019-2020, nhiều đơn vị công nghệ ở Việt Nam bắt đầu manh nha nghiên cứu phát triển giải pháp eKYC, tuy nhiên vẫn dừng lại ở phiên bản “thô sơ”.

Nhận thấy bất cập, Viettel lựa chọn nỗ lực bắt kịp rồi bứt tốc, tiên phong nhờ ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính tiên tiến nhất. Mục tiêu tạo ra một giải pháp eKYC đảm bảo an toàn bảo mật, mang tới trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Viettel Family có cuộc trao đổi với chị Vũ Thị Hạnh, kỹ sư trưởng của nhóm phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo đằng sau giải pháp eKYC (Viettel AI), để hiểu thêm về hành trình xây dựng giải pháp eKYC và nền tảng công nghệ đằng sau sản phẩm. 

- Trên thế giới, thuật ngữ eKYC đã xuất hiện từ năm 2015 nhưng phải 5 năm sau, Viettel AI mới lựa chọn phát triển công nghệ này, khi đó tại Việt Nam cũng đã có một số bên hoàn thiện đóng gói giải pháp, cung cấp ra thị trường. Là kỹ sư trưởng của Viettel eKYC, chị có thể chia sẻ cho VTF biết câu chuyện đằng sau?

Năm 2020, công nghệ phát hiện giả mạo nói chung ở Việt Nam vẫn rất đơn sơ, yêu cầu người dùng phải cười, chớp mắt, quay trái quay phải… mục đích để thu thập được nhiều dữ liệu nhất có thể, giúp cho việc xác thực dễ dàng hơn và xem họ có làm theo mệnh lệnh của mình hay không. Thậm chí đến bây giờ đây vẫn là cách làm của nhiều bên. Với giải pháp này, phản ứng từ người dùng khá tiêu cực vì họ không thích phải làm nhiều thao tác như thế. 

eKYC của Viettel lúc bấy giờ mới là một bản demo trên web, mô hình đơn giản chỉ lấy ảnh rồi trích xuất đặc trưng và so khớp. 

Thời điểm đó, đã có rất nhiều bên cung cấp các hệ thống xác thực điện tử, nhưng công nghệ đằng sau là một cuộc đua lớn. Hacker luôn cố gắng tìm lỗ hổng mới, các hình thức giả mạo mới ngày càng tinh vi. Là người làm công nghệ, chúng tôi hiểu rõ một giải pháp có thể tốt nhất ở thời điểm này, nhưng năm sau có thể bị vượt qua bởi các dạng giả mạo mới. 

Bên cạnh đó, nhận thấy xu hướng các dịch vụ ngày càng trực tuyến thì nhu cầu xác thực càng tăng, lãnh đạo Viettel chỉ đạo tập trung phát triển các công nghệ thị giác máy tính - các thành phần công nghệ xây dựng nên giải pháp eKYC sau này.

TTH_8208
Nữ kỹ sư Vũ Thị Hạnh gắn bó với quá trình phát triển giải pháp eKYC tại Viettel AI từ những ngày đầu. 

- Theo chị, một giải pháp có thể tốt nhất ở thời điểm này, nhưng năm sau có thể bị vượt qua bởi các dạng giả mạo mới. Vậy đội ngũ kỹ sư Viettel AI đã làm gì để đưa một sản phẩm đi sau lại đạt được những kết quả cao về chất lượng công nghệ, sản phẩm? 

Có rất nhiều yếu tố làm nên một hệ thống eKYC toàn diện: nền tảng công nghệ, khả năng đóng gói sản phẩm và tích hợp vào ứng dụng của khách hàng, tính năng nghiệp vụ, mức độ tối ưu trải nghiệm người dùng…

Nhưng về mặt công nghệ, mấu chốt là đảm bảo độ chính xác cao đồng thời vẫn đảm bảo tốc độ xử lý khi triển khai thực tế. Cho dù xây dựng bằng phương pháp gì, mô hình gì thì đây là yếu tố đánh giá một hệ thống eKYC thành công về mặt công nghệ.

Trong AI, dữ liệu và mô hình càng lớn thì độ chính xác càng cao. Nhưng nếu mô hình lớn quá thì lại khó triển khai cho khách hàng. Có nghĩa là sản phẩm phải làm tốt ở hai lĩnh vực khác nhau: đào tạo mô hình (training) và tối ưu hoá (optimization). Training đặt ra mục đích là mô hình phải đạt được độ chính xác cao, trong khi đó optimization đặt mục tiêu tối ưu hoá để mô hình trở nên “nhỏ” nhất có thể khi triển khai trong khi không hy sinh hiệu năng.

Ví dụ với công nghệ chống giả mạo, để phát triển công nghệ này, nhóm sẽ mở đề tài nghiên cứu khoa học, tìm hiểu các đặc trưng của từng hình thức giả mạo để xây dựng các mô hình đạt độ chính xác cao nhất có thể trên các bộ dữ liệu mẫu. Ví dụ, với chống giả mạo deepfake, mô hình sẽ phát hiện các khung liên tục trong video có khung nào bị lỗi – không thực sự là phân phối điểm ảnh ngẫu nhiên – hay không. Với các hình thức giả mạo bằng khuôn mặt 3D, điểm mấu chốt là kết cấu khuôn mặt, da sẽ có những điểm khác biệt so với khuôn mặt thật. Đến nay, Viettel AI đã có 3 đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.

Với dữ liệu giả mạo để đào tạo mô hình, thực tế dữ liệu do mình tự tạo ra sẽ không đủ đa dạng. Lý do Viettel AI có mô hình với độ chính xác vượt trội so với các giải pháp trên thị trường hiện nay là nhờ dữ liệu lớn. Lượng dữ liệu này có được nhờ một cách làm đột phá, tự động thu thập được dữ liệu giả mạo trong hàng trăm nghìn lần xác thực mỗi ngày trong môi trường sử dụng thực tế để đưa vào đào tạo mô hình. Cách làm này cũng giúp Viettel AI đón đầu các hình thức giả mạo mới. Đây là một bí quyết công nghệ của Viettel eKYC.

- Chị có nhắc đến “hệ thống eKYC toàn diện”. Hiện tại eKYC do Viettel AI phát triển có đáp ứng được yêu cầu này? 

Về cơ bản eKYC là giải pháp giúp các tổ chức xác định người đang thực hiện các giao dịch hoặc tác vụ trực tuyến đúng là chủ sở hữu của tài khoản. Có 3 công nghệ trí tuệ nhân tạo cốt lõi đằng sau. Thứ nhất là nhận dạng ký tự quang học (OCR) đọc thông tin trên giấy tờ tuỳ thân, thứ hai là đối sánh nhận diện ảnh khuôn mặt (Face Matching), và thứ ba, quan trọng nhất, là chống giả mạo.

TTH_8573 (2)-1

Sau 4 năm phát triển, công nghệ lõi sử dụng trong Viettel eKYC càng ngày càng cải tiến theo thời gian, hội tụ được các ưu điểm vượt trội như: Công nghệ nhận diện ký tự với độ chính xác trên 99%, hỗ trợ đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân; Thời gian xử lý nhanh đạt 0.6 - 0.8 giây/ảnh khuôn mặt; Nhận diện ký tự quang học OCR đạt gần 1 giây/ảnh…

Với Viettel eKYC, 3 công nghệ trên đều đạt độ chính xác cao. OCR đạt độ chính xác gần như tuyệt đối với các loại giấy tờ tuỳ thân của Việt Nam, trong cả các trường hợp giấy tờ cũ, mờ, cách biệt về thời gian. Về nhận diện khuôn mặt, nhiều tính năng của Viettel eKYC nằm trong top 10 thế giới do NIST đánh giá, chẳng hạn như nhận diện góc nghiêng, nhận diện khuôn mặt trên ảnh hộ chiếu, ảnh nhỏ…  

Về chống giả mạo, Viettel eKYC gần đây đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 cấp độ 2. Với cấp độ 1, mô hình sẽ phát hiện được ảnh chụp hoặc ảnh in, còn với cấp độ 2 có thể phát hiện cả các hình thức giả mạo 3D như sử dụng mặt nạ silicon, deepfake... Không nhiều bên sở hữu chứng chỉ này, cho thấy giải pháp của Viettel đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất.

Bước tối ưu hoá cũng được làm tốt, các nhu cầu xác thực xử lý nhanh, tạo trải nghiệm tốt cho người dùng. Theo phản hồi của VDS, một trong những đơn vị đang sử dụng Viettel eKYC, sau Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về giao dịch trực tuyến trên Internet có hiệu lực từ ngày 1/7, tỷ lệ xác thực thành công của các ứng dụng tài chính số khác chỉ vào khoảng 52-56% còn Viettel Money đạt trên 90%.

Tốc độ xử lý hiện tại của hệ thống luôn sẵn sàng cho mọi nhu cầu, nghiệp vụ trên các ứng dụng của khách hàng với quy mô khoảng 10 triệu người dùng cuối. Hệ thống của Viettel cũng được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây, do đó sẽ dễ dàng mở rộng khi cần.

- Với những nỗ lực như vậy, Viettel eKYC có khả năng cạnh tranh với các giải pháp khác vốn đã chiếm thị trường và các khách hàng lớn không?

Cuộc cạnh tranh về eKYC là khốc liệt, không chỉ giữa những công ty lớn mà có cả sự tham gia của các công ty nhỏ. Lý do là sản phẩm này chủ yếu hướng tới người dùng cuối, việc phát triển cũng không đòi hỏi hạ tầng quá lớn mà đòi hỏi các hiểu biết về công nghệ, nghiệp vụ. Các đối thủ quốc tế có thể đã đi trước, nhưng đến bây giờ khi giải pháp “make in Việt Nam” đã bắt kịp, đạt được chất lượng quốc tế thì chắc chắn sẽ có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện rất quan tâm đến nguy cơ chảy dữ liệu ra nước ngoài và khả năng tuân thủ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu người dùng tại các máy chủ trong nước. 

Tất nhiên để thuyết phục khách hàng thì đầu tiên phải chứng minh được nền tảng công nghệ tốt, bảo mật, sản phẩm mượt mà, dễ sử dụng. Chúng tôi tin tưởng Viettel eKYC là sản phẩm toàn diện, đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ và sẽ còn đi xa hơn nữa.

- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện! Chúc Viettel eKYC thành công!

  • 3

Viettel ra mắt dịch vụ xem phim 4K cho mạng 5G

  • 253

Xử lý 'không vùng cấm, không ngoại lệ' CBNV vi phạm pháp luật về ATGT

  • 1133

Bước ngoặt với công nghệ eKYC của Viettel AI

  • 402

Viettel ra mắt dịch vụ xem phim 4K cho mạng 5G

  • 253

Bước tiến mới cho 'bộ não số' của Viettel tại Đà Nẵng

  • 282

Viettel eKYC: Bứt tốc và tiên phong bằng công nghệ

  • 3

Chuyên gia Viettel AI chia sẻ gì với tài năng Việt ở Thung lũng Silicon?

  • 375
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua