Anh Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 03:30 - 26.12.2024
Sự ra đời của Open RAN (mạng truy cập vô tuyến mở) đã tạo ra bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cách thức xây dựng và triển khai các mạng 5G - vốn là sân chơi đóng kín, được triển khai bởi số ít nhà cung cấp viễn thông lớn. Về cơ bản, một trạm 5G có được tạo thành từ nhiều thành phần như RAN, RU, DU, CU. Thay vì phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp duy nhất, Open RAN cho phép nhiều đối tác tham gia vào việc nghiên cứu, phát triển và cung cấp các giải pháp mạng linh hoạt, dễ dàng tích hợp và tối ưu hóa chi phí.
Cái bắt tay hứa hẹn
Từ năm 2019, Viettel đã nghiên cứu về 5G và hợp tác với các đối tác như AMD, Intel, Analog Devices để mua giải pháp phần mềm, chipset cho việc thiết kế, phát triển sản phẩm 5G. Thời điểm đó, các sản phẩm chipset của những hãng này đã được thương mại hóa cho 5G và các đối thủ khác cũng bắt đầu tiếp cận công nghệ này.
Đến năm 2021, Viettel nắm được thông tin Qualcomm sẵn sàng cung cấp sản phẩm chipset cho giai đoạn tiền thương mại vào năm 2022. Nếu hợp tác từ giai đoạn này, Viettel sẽ nắm lợi thế về thời gian trước các đối thủ do tiếp cận công nghệ sớm, qua đó hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường nhanh hơn. Chipset của Qualcomm hướng đến Open RAN và từ khi bắt đầu nghiên cứu 5G, Viettel cũng luôn hướng xây dựng sản phẩm trên nền tảng chuẩn Open RAN.
Tháng 5/2022, Viettel và Qualcomm công bố hợp tác phát triển các giải pháp hạ tầng 5G (RU và DU) sử dụng công nghệ Massive MIMO tiên tiến. Sự kết hợp giữa cả hai đã mở ra cơ hội thay đổi nền công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông bằng việc giảm giá thành và xóa bỏ sự độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị truyền thống. Kỳ vọng không phải thiếu cơ sở khi Qualcomm là đơn vị dẫn đầu về chipset còn Viettel có nhiều kinh nghiệm thiết kế hệ thống, sở hữu lợi thế vừa là nhà mạng, vừa là đơn vị nghiên cứu, chế tạo.
Hợp tác cởi mở để vượt chông gai
Các kỹ sư VHT đảm nhiệm việc thiết kế hệ thống, phát triển phần mềm, phần cứng. Phía Qualcomm đảm nhiệm các hạng mục về chipset 5G. Theo anh Bùi Việt Hùng, Phó phòng Phát triển phần mềm của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, trong giai đoạn đầu, quá trình tích hợp sản phẩm 5G của Qualcomm gặp rất nhiều khó khăn, không màu hồng như tưởng tượng.
Các sản phẩm thử nghiệm liên tục gặp lỗi do chưa hoàn thiện. Mặc dù phía Viettel đã tiến hành thử nghiệm cuộc gọi 5G trong phòng lab từ tháng 9/2022, nhưng kết quả không đạt yêu cầu. Chất lượng cuộc gọi kém xa so với tiêu chuẩn, với tốc độ downlink (truyền dữ liệu từ trạm tới thiết bị người dùng) rất chậm và việc dò sóng của thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 1 lần thành công trong 10 lần thử.
Phải đến tháng 3/2023, cuộc gọi 5G đầu tiên trong môi trường phòng thí nghiệm mới đạt được một số thành công ban đầu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đến cuối năm 2023, khoảng một năm sau khi công bố hợp tác, hệ thống mới dần ổn định để thử nghiệm trong môi trường thực tế.
Lúc đó, đội ngũ của Viettel, với 3 năm nghiên cứu về 5G, tính toán chỉ mất khoảng 2-3 tháng để hoàn thành quá trình tích hợp. Anh Hùng chia sẻ việc thử và sai là điều thường gặp trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhưng giai đoạn này thực sự gây ra nhiều căng thẳng cho nhóm vì kết quả không đạt được kỳ vọng. Trong quá trình sửa lỗi, ban đầu, Qualcomm vẫn theo quy trình chuẩn, tung các bản vá lỗi đầy đủ sau vài tháng, điều này làm cho tiến trình đôi khi bị chậm trễ hơn.
Dù tồn đọng nhiều vấn đề, sự hợp tác cởi mở và tinh thần học hỏi lẫn nhau giữa Viettel và Qualcomm đã giúp tháo gỡ dần các nút thắt. Một trong những thay đổi quan trọng là Qualcomm đã điều chỉnh quy trình hỗ trợ. Thay vì chỉ tung bản vá lỗi sau vài tháng, họ bắt đầu cung cấp các bản vá liên tục để hai bên có thể cùng tiếp tục và khắc phục các lỗi ngay lập tức.
Kinh nghiệm phát triển các sản phẩm 5G với Intel và NXP trước đó đã giúp đội ngũ Viettel chủ động đưa ra những yêu cầu chính xác, chỉ lỗi sớm để đẩy nhanh tiến trình. Ví dụ, khi đối diện với yêu cầu kỹ thuật về hiệu năng của trạm 5G, nhóm của Viettel đã đưa ra các chỉ số cụ thể như số lượng người dùng/trạm có thể hỗ trợ. Những chỉ số này giúp Qualcomm hiểu rõ hơn về những gì cần cải thiện để đáp ứng yêu cầu mạng của Viettel.
Về phần mình, Qualcomm mang đến cho Viettel những kiến thức và kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực công nghệ và mạng viễn thông, vốn là thế mạnh của họ. Trước đây, Qualcomm chủ yếu tập trung vào phát triển nền tảng chip điện thoại và cung cấp thông tin về thiết bị đầu cuối. Những thông tin này đã giúp Viettel cải thiện và tối ưu hóa hệ thống mạng của mình.
Qualcomm còn hỗ trợ Viettel trong việc xác định và tối ưu hóa các cấu hình mạng, đặc biệt là với các vấn đề như "beampattern" (mô hình chùm sóng), giúp so sánh và điều chỉnh các mô hình sử dụng để đưa ra phương án tối ưu cho mạng của Viettel. Đồng thời, Qualcomm cũng cung cấp các công cụ và thiết bị đo kiểm cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trái ngược với các đối tác trước đây của Viettel, thường chỉ gặp mặt qua các cuộc họp trực tuyến, lần hợp tác với Qualcomm đã tạo ra một cơ hội quý báu cho đội ngũ Viettel. Các kỹ sư của Viettel được làm việc trực tiếp với các chuyên gia của Qualcomm, chia sẻ kinh nghiệm và đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn tích hợp ban đầu. Hai bên cũng thay đổi từ các cuộc họp không định kỳ thành các cuộc họp định kỳ, với sự tham gia của các trưởng nhóm từ Qualcomm, đặc biệt là những người đến từ Mỹ. Điều này đã cho thấy sự nghiêm túc và cam kết của Qualcomm đối với hợp tác này.
Liên tục học hỏi từ đối tác để hoàn thiện
Được làm việc với đối tác như Qualcomm đem đến cho đội ngũ Viettel nhiều bài học đáng giá. Một trong những điều anh Hùng ấn tượng nhất là quy trình phân tích lỗi của các chuyên gia Qualcomm. Họ chia nhỏ dữ liệu và phân tích các khối dữ liệu này qua các module nhỏ, giúp nhanh chóng nhận diện các bất thường trong hệ thống.
Trong khi đó, ở Viettel, do giới hạn về công nghệ và nguồn lực, quy trình phân tích có phần thủ công hơn và không thể phân tích dữ liệu chi tiết như Qualcomm. Thông thường, Viettel phải kiểm tra các lớp dữ liệu, sau đó loại bỏ dần các nguyên nhân có thể gây ra lỗi. Điều này làm cho quá trình phân tích và phát hiện lỗi mất nhiều thời gian hơn.
Không chỉ Viettel học Qualcomm mà ngược lại, “ông lớn” trong ngành công nghệ thế giới cũng mở mang thêm sau lần hợp tác này. Góc nhìn của Qualcomm chủ yếu từ góc độ của một người dùng cuối nên không hiểu rõ các yếu tố vận hành mạng lưới như yêu cầu về lắp đặt thiết bị, quản lý, tự động chạy hay xử lý sự cố.
Trong khi đó, Viettel với kinh nghiệm trong việc triển khai mạng lưới và vận hành thiết bị 5G có kiến thức sâu rộng về các yếu tố này. Khi triển khai mạng, ngoài yếu tố công nghệ, các yêu cầu về phần cứng, phần mềm, bảo trì, vận hành hay các KPI (chỉ số hiệu suất) cần thiết để đảm bảo mạng lưới hoạt động ổn định cũng phải quan tâm. Sự hợp tác với Viettel giúp họ cải thiện các sản phẩm của mình và phát triển các thiết bị phù hợp hơn với nhu cầu vận hành của các nhà cung cấp mạng, thay vì chỉ tập trung vào thiết bị cho người dùng cuối.
“Cả hai đều học hỏi lẫn nhau từng ngày để đạt thành quả cuối cùng”, anh Hùng nói.
Nhờ sự hợp tác chặt chẽ và tinh thần học hỏi, cả Viettel và Qualcomm đã cùng nhau khắc phục các vấn đề, từ đó đưa sản phẩm đến giai đoạn hoàn thiện.
Vào ngày 13/11, Viettel đã chính thức công bố việc triển khai trạm phát sóng 5G Open RAN 'Make in Vietnam, Made by Viettel'. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Viettel dự kiến sẽ triển khai hơn 300 trạm 5G từ đầu năm 2025. Đây là minh chứng cho sự kiên trì và tầm nhìn chiến lược của Viettel trong việc phát triển công nghệ 5G và khẳng định vị thế của Việt Nam trong xu hướng Open RAN toàn cầu.
Theo anh Hùng, hợp tác giữa Viettel và Qualcomm không chỉ dừng lại ở mạng 5G mà còn mở rộng sang các công nghệ mới như 5G+ và 6G. Cả hai bên đều có thêm tri thức, sự tự tin, đều nhìn thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển công nghệ trong tương lai và cam kết tiếp tục hợp tác để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.