Nguyễn Đắc Huấn (Ban Đầu tư Tài chính Tập đoàn) đã đăng lúc 17:40 - 27.10.2022
Và em tin suy nghĩ đó là điều anh muốn bất cứ người Viettel nào được bày tỏ với anh khi đứng trước anh, trò chuyện với anh, được anh lắng nghe, chia sẻ, giãi bày 1 cách tự nhiên và giản dị. Vì vậy hẳn nhiều CBCNV sẽ cảm giác dù anh ở vị trí cao nhất nhưng Chủ tịch lại ở ngay bên cạnh mình bất cứ lúc nào, và được là chính mình nhất khi nghĩ tới anh.
Vậy vì sao em lại “cay cú” khi nhắc đến Chủ tịch? Cảm giác đó đến thời điểm viết thư cho anh, em lại càng thấy rõ hơn. Nó bắt đầu từ 1 cuộc họp báo cáo anh về cơ hội tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà cụ thể là phương án tài chính của việc tham gia sản xuất điện gió mà em là người trực tiếp xây dựng và báo cáo anh.
Lúc đó, khi nghe em báo cáo doanh thu 1 năm của dự án là hơn 2 tỷ USD, anh đã giật mình và phản hồi lại: “Có đúng hay không? Em xem lại số đi, không cẩn thận anh Việt Dũng (Trưởng ban Chiến lược) lại ngất ra vì sung sướng”.
Cảm giác đó giống như sau khi làm 1 bài toán khó mình dày công ngày đêm xây dựng bị “question”. Thường khi 1 cơ hội kinh doanh mà doanh thu cao như vậy thì người lãnh đạo sẽ cảm thấy vui mừng và đồng ý. Tuy nhiên, dự án đó đã chưa được thông qua bởi nhiều lý do, trong đó có 1 phần là từ kết quả tính toán chưa tạo sự tin tưởng, thuyết phục cho anh.
Ngay sau buổi họp đó, bản thân em đã nhiều đêm trăn trở và cay cú. Có lẽ 1 phần em gốc chuyên toán nên luôn muốn giải đến cùng 1 bài toán, nếu không tìm được đáp số hoặc kết quả chưa thuyết phục thì sẽ thấy cay cú và bực mình. Ngoài ra, 1 phần cay cú nữa là vì nếu xét về sự rủi ro, lĩnh vực sản xuất điện gió đó được nhiều tổ chức tài chính hàng đầu đánh giá có rủi ro thấp hơn lĩnh vực sản xuất thiết bị điện gió vì dòng tiền, doanh thu ổn định (điện thì ai cũng có nhu cầu), chi phí sản xuất thấp vì không có chi phí nguyên vật liệu đầu vào, không thâm dụng lao động. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất thiết bị rủi ro vì yếu tố công nghệ, quy mô lớn, thời gian triển khai dài, tốn kém chi phí nguyên vật liệu và nhân công sản xuất.
Thực tế khi kiểm tra lại kết quả tính toán, cho đến ngày hôm nay em vẫn đánh giá kết quả của mình đúng vì nếu so với 1 nhà máy của EVN về sản xuất điện than với công suất thiết kế và hiệu suất khai thác chỉ bằng ½ dự án của Viettel mà 1 năm doanh thu đã cỡ 11 nghìn tỷ thì kết quả 42 nghìn tỷ là 1 con số trong tầm với. Lĩnh vực điện gió không đòi hỏi các công ty có thế mạnh tham gia, thực tế nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có gốc từ bất động sản đã tham gia lĩnh vực này trong khi tiềm lực tài chính của các đơn vị tư nhân trong nước không bằng 1/10 của Viettel.
Nếu so sánh với các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Viettel càng có nền tảng vững chắc hơn để tham gia dự án. Lĩnh vực cốt lõi của chúng ta là viễn thông vẫn duy trì dòng tiền ổn định gần 2 tỷ USD/năm, các lĩnh vực CNTT bước đầu có lãi và tạo ra lợi nhuận tốt trong khi đó cả PVN, EVN và Tập đoàn Than khoáng Sản Việt Nam (TKV) đều không có tiềm lực như chúng ta.
Theo em điều quan trọng của dự án điện gió một phần là vì lợi nhuận nhưng ý chính là tạo ra dòng tiền ổn định, quy mô lớn để Tập đoàn có thể dùng để đầu tư các lĩnh vực mới, đặc biệt là nghiên cứu chế tạo vũ khí, sản phẩm công nghệ cao, chất bán dẫn. Thực tế các Tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc như Mitsui, Mitsubishi, SK thì sự lớn mạnh của các lĩnh vực công nghệ là từ dòng tiền ổn định từ các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, dầu khí và ngân hàng tài trợ.
Nói đến đây, em đã từng nghĩ phải chăng người lãnh đạo Viettel quá lo lắng nên đắn đo trước 1 quyết định táo bạo?
Suy nghĩ đó của em đã có nhiều sự thay đổi theo thời gian.
Ngày 15/10/2022 đánh dấu năm thứ 5 em ở Viettel và may mắn làm việc tại 1 đơn vị trọng yếu, quản lý vốn đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn và tham gia phân tích tài chính hầu hết các dự án đầu tư lớn, lĩnh vực mới của Tập đoàn. Ở vị trí này, em ít nhiều chứng kiến rất nhiều thách thức, yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của người lãnh đạo Viettel.
Anh nhận trọng trách dẫn dắt Viettel ở 1 thời điểm có thể nói là thách thức chưa từng có. Dịch bệnh hoành hành, xung đột leo thang giữa các quốc gia, còn trong nước cũng nhiều vấn đề như Chính phủ kiểm soát chặt hoạt động đầu tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý sai phạm, thị trường tài chính hỗn loạn vì sự bắt bớ, thanh tra nhiều ông chủ lớn.
Bản thân nội tại Viettel cũng thách thức, chúng ta đang mòn mỏi tìm kiếm hướng đi mới ngoài viễn thông-CNTT để bứt phá. Chúng ta hàng ngày thức dậy trong nỗi lo làm sao tuân thủ pháp lý tại các thị trường,... Những yếu tố như vậy phần nào ảnh hưởng tới quyết định của người lãnh đạo là cẩn trọng hơn, an toàn hơn. Mà thực sự, ở vị trí 1 người phải nghĩ cho hơn 70 nghìn con người thì 1 chuyên viên chỉ lo cho 3 người như em hẳn khó có thể hình dung hết những gánh nặng, tư duy anh phải suy nghĩ khi ra quyết định.
Em đến giờ tin rằng: Quyết định ngày hôm đó của anh về lĩnh vực năng lượng tái tạo không phải là do người Viettel không dám mơ lớn, sợ rủi ro mà là người Viettel cần suy nghĩ những thứ lớn hơn cả 1 doanh nghiệp đang nghĩ (doanh thu, lợi nhuận, tiền lương) mà là những thứ 1 quốc gia phải suy nghĩ.
Viettel là giấc mơ, là khát khao của dân tộc Việt Nam về sự độc lập, tư chủ, tự cường, được hiên ngang sánh vai với năm châu, bốn biển. Viettel là giấc mơ nắm giữ công nghệ, vũ khí mang tầm chiến lược để chúng ta phụng sự quân đội, phụng sự Tổ quốc, để người Việt Nam có thể tự tin, kiên cường trước mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Viettel cần tham gia lĩnh vực sản xuất chế tạo để từ đó hình thành nên những thế hệ, lớp lớp người tài, nhân tài cho đất nước, để hiện thực hóa giấc mơ 1 ngày nào đó chúng ta làm chủ công nghệ chiến lược, sở hữu “nỏ thần” bảo vệ Tổ quốc. Em từng được làm cùng với nhiều anh em giỏi kỹ thuật ở VHT, VTX, VTNet. Tất cả đều mơ 1 ngày Viettel sẽ trở thành lá chắn giúp tất cả các quốc gia khác không dám manh động đến Việt Nam, thậm chí sẽ trân quý đất nước của chúng ta.
Làm ở Viettel 5 năm, nhiều người từng hỏi em “Vì sao chú vào Viettel? Vì sao chú làm cho Nhà nước?”. Đó tưởng như là 1 câu hỏi bắt buộc trả lời được trước khi phỏng vấn Viettel nhưng em xin thành thật với anh là 1 lần nữa em cay cú vì chưa tìm được 1 câu trả lời thực sự thuyết phục với anh và bản thân em.
Viettel có những thứ mà không doanh nghiệp Nhà nước nào có được, không nơi nào có thể thu hút được. Có những anh em làm code từng nói với em: “Có công ty nước ngoài trả anh gấp đôi lương Viettel nhưng anh vẫn chọn Viettel vì ở đây anh được cống hiến, anh thấy được giá trị của mình tạo ra cho xã hội, cho đất nước và thấy mình không hề nhỏ bé so với bọn nước ngoài”.
Đến giờ em vẫn luôn yêu thích câu nói đó. Em là 1 người đã ở nước ngoài gần 8 năm và đã luôn mơ mộng được ngồi làm việc trong những tòa nhà chọc trời ở New York, London, Tokyo cho những Tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhưng ngày hôm nay, tại lúc em đang viết cho anh, suy nghĩ của em là: “Tôi là người Viettel dám ưỡn ngực với Amazon, Microsoft, Apple, IBM, Intel, Qualcomm,… là tôi làm ở Việt Nam mà kiến thức và suy nghĩ được trang bị tốt hơn những bạn người Việt đang làm ở nước ngoài”.
Viettel đã tạo nên em của ngày hôm nay. Ở Viettel, người nhân viên được trang bị kỹ năng “Làm nhiều hơn nói”, “Đưa ra giải pháp lên trên vấn đề, thay vì càu nhàu”, và “Tự dò đá qua sông, tự tạo ra cuộc chơi cho riêng mình”. Ở Viettel luôn là tinh thần việc phải luôn chạy, không có khái niệm việc không làm được là đẩy lên cấp trên quyết, là tinh thần 1 chuyên viên bình thường có khi kiến thức còn tốt hơn 1 giáo sư nghiên cứu nhưng không có thực tế, thực tiễn.
Viettel là nơi mà Chủ tịch Tập đoàn đi cùng thang máy với nhân viên là 1 điều hàng ngày không như các tập đoàn, ngân hàng khác là lãnh đạo có lối đi riêng. Ở Viettel cũng có những vấn đề nhiều tổ chức gặp phải là 1 bộ phận CBCNV quan liêu, trễ nải công việc; 1 số cơ quan mang nặng tư duy bảo thủ, áp đặt, cửa trên với đơn vị và đưa ra nhiều ý kiến thẩm định không chính xác, làm chậm tiến độ công việc, gây tâm lý chán nản CBCNV.
Một số chính sách nội bộ áp dụng chưa có phương án truyền thông hợp lý hoặc chưa đúng với mong muốn của số đông do đó gặp sự phản ứng có phần gay gắt. Công tác đầu tư của chúng ta chịu nhiều sự gò bó và có phần rườm rà, nhiều dự án đến 4-5 tháng mới được phê duyệt, thậm chí có dự án đến 2-3 năm mà chưa triển khai được gì làm mất cơ hội kinh doanh.
Tất những điều trên người lãnh đạo Viettel luôn biết và nắm, luôn trăn trở tìm giải pháp để giải quyết chúng. Dù là điểm mạnh hay điểm yếu thì điều đó luôn thể hiện 1 phần là mỗi CBCNV luôn muốn làm tốt nhiệm vụ của mình để đóng góp cho tổ chức. Vì vậy nhiều lúc, quan điểm “conflict” và công việc chậm trễ, đau đáu nỗi lo không hoàn thành nhiệm vụ hay làm sai gây hậu quả lớn cho tổ chức.
Đọc nhiều bài viết của anh chị em khác đều thấy mang nặng tình cảm, lời cảm ơn tới người lãnh đạo Viettel thông qua các kỷ niệm, sự kiện đã trải qua. Em cũng là 1 người trong số đó, tình cảm dành cho người lãnh đạo, tổ chức lớn dần lên từ những sự kiện, kỉ niệm có thể chỉ là nhỏ bé nhất. Nhưng những gì em viết cho anh xuất phát từ suy nghĩ là Người Viettel không bao giờ nhỏ bé trong mắt lãnh đạo của họ, trong mắt bất kỳ ai trên dải đất hình chữ S và bất kỳ người nào trên quả địa cầu.