Đọc để "biết sống hạnh phúc"

Đoàn Thị Hương đã đăng lúc 10:12 - 15.06.2023

Cuốn sách là cẩm nang chính thức đầu tiên của lĩnh vực nuôi dưỡng chánh niệm trong giáo dục bao trùm toàn bộ các cấp, từ mầm non đến đại học.

Mỗi người sống trên đời đều tìm kiếm một điều gì đó, nhưng dù điều đó là gì thì cuối cùng của sự tìm kiếm chính là hạnh phúc. Con người đều khao khát được hạnh phúc và làm mọi điều để được hạnh phúc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng “tài năng lớn nhất của một người là biết sống hạnh phúc”, và “hạnh phúc là một thói quen mà mỗi người trong chúng ta đều cần phải luyện tập”.

Hạnh phúc của mỗi người mỗi khác và sẽ không có một tiêu chuẩn nào có thể đo lường được. Bạn có hạnh phúc không? Người khác không thể đánh giá được mà chính bạn mới là người có câu trả lời cho câu hỏi đó. Mình rất thích câu “hạnh phúc là một thói quen” của Thầy. Bởi là thói quen, là thứ chúng ta sẽ gặp hằng ngày, lặp đi lặp lại hằng ngày một bản năng mà không cần phải cố gắng, là thứ phát sinh từ trong chính chúng ta mà không cần dựa vào điều gì khác.

Nhưng để hình thành thói quen này thì chúng ta cần rèn luyện. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và các tăng thân tại Làng Mai ở Pháp đã thu lượm những câu chuyện, đúc kết và đưa ra phương pháp để các thầy cô thực hành chánh niệm từ đó đem lại hạnh phúc cho bản thân và lan toả những điều này đến các em học sinh. 

Cuốn sách là cẩm nang chính thức đầu tiên của lĩnh vực nuôi dưỡng chánh niệm trong giáo dục bao trùm toàn bộ các cấp, từ mầm non đến đại học. Trong đó nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục trước tiên phải thiết lập thực hành chánh niệm của riêng họ, và mọi thứ họ làm trong lớp học sẽ dựa trên nền tảng đó. Thật vậy, khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta sẽ truyền năng lượng đó cho những người xung quanh. Và giáo viên, những người đi đầu trong lĩnh vực giáo dục con người, nếu không thể hạnh phúc, thì những người học trò sao có thể hạnh phúc?

Cuốn sách bao gồm sự hướng dẫn đầy cảm hứng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và hướng dẫn dựa trên bằng chứng của chuyên gia giáo dục Katherine Weare, lồng ghép trong đó là các nhận xét từ những thầy cô giáo đã thực tế thực tập những phương pháp này trên khắp thế giới. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, cuốn sách còn đưa những hướng dẫn kỹ thuật và thực hành cho từng hành động như tập thở như thế nào, thiền như thế nào, các tư thế thiền, các kiểu thở,…

Với mình đây là một cuốn sách thực tế. Bởi nó đưa ra các chiến lược và hướng dẫn thực hiện rất cụ thể. Những điều mà mình học được từ cuốn sách này:

  • Chánh niệm là một con đường, không phải là một phương tiện
  • Chúng ta cần tu tập hạnh phúc để giảm bớt khổ đau
  • Học cách thở! Đúng vậy, học cách dành 1-2 phút để tập trung vào hơi thở, để việc thở thực sự hiệu quả
  • Chúng ta cần phát triển khả năng lắng nghe sâu
  • Học cách thư giãn
  • Học cách thực sự hiện diện
  • Học cách tập trung
  • Học cách trau dồi lòng trắc ẩn

Tác giả tuyên bố rõ ràng và lặp đi lặp lại rằng chúng ta phải hỗ trợ chánh niệm và hạnh phúc của giáo viên. Chúng ta phải bắt đầu từ chính mình, tập trung vào chính mình trước rồi mới có thể giúp đỡ người khác. Đặc biệt tại chương 7 của cuốn sách - Chăm sóc cảm xúc. Chúng ta có thể tự chế tác hạnh phúc cho chính mình mà không cần phải dựa vào cái nọ, cái kia. Và điều quan trọng là chúng ta cần đối mặt với khổ đau chứ không phải là chạy trốn chúng. Càng chạy trốn thì càng không thể vượt qua được khổ đau, điều chúng ta cần làm là nhìn sâu vào bản chất khổ đau và tìm cách thoát khỏi đó để đến với hạnh phúc. Điều này khá giống với một câu nói của Frank Herbert về nỗi sợ “Ta không được sợ hãi. Sợ hãi giết chết tâm trí. Sợ hãi là cái chết nhỏ mang đến sự phá hủy hoàn toàn. Ta sẽ đối mặt với nỗi sợ. Ta sẽ để nó đi khắp người ta và xuyên qua ta. Rồi khi nó đã đi qua, ta sẽ xoay con mắt bên trong để nhìn đường đi của nó. Ở những nơi nỗi sợ đi qua chẳng còn gì cả. Chỉ còn lại chính ta.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một giáo viên, nhà tâm linh và nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng thế giới. Sinh ra tại Việt Nam vào năm 1926, Thầy trở thành một thiền sư ở tuổi mười sáu. Với hơn bảy thập kỷ giảng dạy, Thầy đã xuất bản hơn 100 cuốn sách, và bán được hơn bốn triệu bản chỉ tính riêng tại Mỹ. Thầy đã thành lập Làng Mai tại Pháp, hiện là tu viện Phật giáo lớn nhất ở Châu Âu và là trung tâm của một cộng đồng đang phát triển gồm các trung tâm thực hành chánh niệm trên khắp thế giới. Thầy viên tịch năm 2022, hưởng thọ 95 tuổi tại chùa Từ Hiếu, Huế

  • 774
  • 1

Cuốn sách dẫn cô gái Viettel đi tìm bí mật của Xiaomi

  • 2183

Kỹ sư trẻ VMC và cuốn sách rất 'đời' về nghề code dạo

  • 4648
  • 2

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1819
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua