Trần Thị Cẩm Tú đã đăng lúc 14:29 - 15.06.2023
Đã bao giờ bạn tự hỏi, “tại sao điều này lại xảy ra tại quốc gia này mà không phải các quốc gia khác?”, “tại sao lại có những sự kiện lịch sử này?” hay “tại sao quốc gia ấy lại đưa ra những quyết định như vậy?”. Thực chất, Mẹ thiên nhiên đã trao cho chúng ta một hành tinh với những cấu tạo địa lý vô cùng phức tạp, và những nguyên tố địa lý ấy đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của thế giới này từ quá khứ cho đến tương lai. Qua cuốn sách “Những tù nhân của địa lý”, Tim Marshall đã cho chúng ta thấy hai yếu tố địa lý và chính trị không bao giờ tách rời trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của các quốc gia.
Cuốn sách “Những tù nhân của địa lý” đã khẳng định một quan điểm vững chắc qua bao năm: địa lý là định mệnh của các dân tộc. Chúng ta cũng có thể hiểu rằng như cái tên của cuốn sách đã tiết lộ, mỗi đất nước đều bị cầm tù, kiềm hãm trong vị trí địa lý của chính đất nước mình.
Có thể ví dụ như sau: Khi ta phải sống cạnh, ở cạnh nhà một ông hàng xóm xấu chơi chẳng hạn, chúng ta có thể chuyển nhà đi nơi khác. Nhưng nếu hàng xóm của chúng ta là một đất nước xấu chơi, thì phương án chuyển nhà là bất khả thi, ta chỉ có thể phải chấp nhận định mệnh và cái số phận địa lý của mình. Thật khó có thể giãy giụa để thay đổi bất cứ gì được. Đấy là sự liên tưởng tất nhiên khi chúng ta đọc và suy ngẫm và nội dung của quyển sách này.
Một ví dụ khác là về nước Nga: Một đất có diện tích quá rộng lớn, trải qua 11 múi giờ. Trong khi dân số tương đối ít, chỉ hơn 140 triệu người. Ngoài những xung đột nhỏ thì dãy Himalaya khiến khó xảy ra chiến tranh lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhật Bản là một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng điều đó không ngăn cản được Nhật Bản vươn dậy sau chỉ ba thập kỷ sau chiến tranh. Sách cũng đã đề cập đến nhiều khu vực khác trên thế giới, nhừ khu vực Tây Âu và Trung Đông, hoặc châu Phi và Mỹ Latin. Một nội dung tiêu biểu trong cuốn sách này là vị trí địa lý quyết định màu sắc chính trị của mỗi đất nước, mỗi khu vực, mỗi lục địa.
Một nội dung viết riêng một chương cho vùng địa lý ít được nhắc đến là Bắc Cực. Ở nơi tưởng như không có dân cư và chỉ toàn băng giá, hầu như không có người ở ấy, hóa ra đang rất sôi sục bởi sự tranh giành ảnh hưởng và phân chia lãnh thổ giữa những quốc gia có liên quan, là “cuộc cạnh tranh chính yếu về tài nguyên” - những mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn.
Cuốn sách “Những Tù Nhân Của Địa Lý” là một cuốn sách cần đọc và đáng đọc đối với những người quan tâm đến quan hệ quốc tế trong thời điểm hiện tại với nhiều cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới. Sách cũng thực sự nóng hổi thời sự khi cập nhật đến tận việc Nga đang thu hồi Crimea về cho mình từ tay Ukraine hoặc cuộc chiến Mỹ - Syria, cũng như xung đột chưa bao giờ dứt giữa Israel và khối Arab từ lịch sử xa xưa không có hồi kết…Bạn hãy cùng mình trải nghiệm cuốn sách này nhé.