Nguyễn Thị Lan Hương (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 21:14 - 26.02.2023
PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu là một chuyên gia tim mạch đầu ngành đã có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, một người thầy mẫu mực trong sự nghiệp giáo dục, một nhà quản lý với vai trò Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một đại biểu quốc hội trăn trở với nhiều vấn đề xã hội. Ông còn được biết đến là tác giả của cuốn sách "Câu chuyện từ trái tim'', tác phẩm ra đời trong những năm Covid còn nóng bỏng.
Cuốn sách gồm 4 phần: Bác sĩ cũng chỉ là con người; Giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu; Đừng yêu bệnh viện; và Những trăn trở của một đại biểu Quốc hội. Mặc dù có tiêu đề ''Câu chuyện từ trái tim'' nhưng có lẽ tên đầy đủ của nó phải là Câu chuyện từ trái tim bác sĩ Hiếu, bởi vì độc giả sẽ có cảm giác như đọc một cuốn nhật ký có ngày tháng, có sự việc, tình huống và những suy tư rất đỗi đời thường
Từ câu chuyện của người bác sĩ
“Những bức tường ở bệnh viện nghe được nhiều lời cầu nguyện hơn cả nhà thờ”, câu nói nổi tiếng này nhắc nhở chúng ta một sự thật, bệnh viện là môi trường làm việc vô cùng đặc biệt. Ông kể, năm 1989, cậu học sinh Nguyễn Lân hiểu thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn vừa đói ngủ. Học xong đại học như bao sinh viên khác, ông đăng ký thi bác sĩ nội trú và lựa chọn ngành tim mạch bởi tim mạch theo ông là một ngành rất logic và lựa chọn tiếp chuyên ngành can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em trong thời gian du học tại Pháp
Dành cả cuộc đời cho y học, đắm chìm trong công việc, bác sĩ Hiếu nói nhiều về những được mất của chính mình. Có thể nói, hiếm có nghề nghiệp nào áp lực khủng khiếp như nghề y với đồng lương “còm cõi”, những mối quan hệ chồng chéo với đồng nghiệp và bệnh nhân, những bài học không có ở nhà trường “ma cũ bắt nạt ma mới”, “chủ nghĩa kinh nghiệm”… luôn là một phần của cuộc sống đã từng khiến ông phải nản lòng và có phần chua xót khi viết: “Tôi không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần 10 năm đèn sách và sợ bố mẹ buồn”. Dòng tâm sự được viết đúng vào ngày 27/2/2019, ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Thế nhưng nếu vượt qua những khủng hoảng của buổi ban đầu, bạn sẽ chính thức trở thành một bác sĩ chuyên nghiệp. Bạn sẽ không còn quan tâm đến được hay mất khi làm bác sĩ nữa. “Những niềm vui nho nhỏ sau một ca mổ khó thành công, hay chẩn đoán được một bệnh hiếm gặp cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề”. Có lẽ vì luôn đối mặt với cái đau đớn của thể xác và sự mất mát tột cùng có thể đến bất cứ lúc nào nên sự bình lặng của ông vẫn không giấu được nỗi buồn đang hiện hữu.
Bức tranh cuộc sống dưới lăng kính của một bác sĩ tiếp tục mở rộng hơn với rất nhiều câu chuyện đời. Đó là cảm xúc của ông khi lần đầu tiên chứng kiến cái chết của bệnh nhân hay việc chính các bác sĩ lại bỏ bê sức khỏe của mình để chăm lo sức khỏe cho người khác. Nghiêm trọng hơn là vấn đề bạo hành tại các cơ sở y tế đã được báo chí nhiều lần nhắc đến như một vấn nạn của xã hội, làm sao để đảm bảo cho nhân viên y tế yên tâm công tác.
Mỗi chủ đề được mở ra đều là cuộc đối thoại giữa tác giả với bạn đọc. Bác sĩ Hiếu sẵn sàng chia sẻ và bộc lộ nhân sinh quan của mình một cách thẳng thắn và có phần gai góc để cho thấy đó thực sự là câu chuyện từ trái tim của chính ông.
Đến hệ thống Telehealth trong những ngày Covid
Đầu tiên phải nói bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một người cấp tiến. Có thể do quá trình học tập và làm việc tại những bệnh viện lớn trong nước và quốc tế, được tiếp xúc môi trường công nghệ cao nên ông rất quan tâm việc cập nhật tri thức và phương pháp mới chứ không chỉ dừng lại ở chủ nghĩa kinh nghiệm.
Một ví dụ tiêu biểu nhất là chương trình khám chữa bệnh từ xa Telehealth được triển khai đầu tiên tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/04/2020 cho thấy hướng đi do bệnh viện khởi xướng đến nay đã được cả xã hội ghi nhận là thành tựu y khoa nổi bật của Việt Nam. Mỗi buổi Telehealth là một buổi học lâm sàng quý báu với hàng nghìn người theo dõi, là cơ hội học tập cho các ý bác sĩ, sinh viên Y khoa một cách đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm.
Không dừng lại ở đấy, các video được cắt ra từ chương trình sẽ được sắp xếp theo bệnh lý, tập hợp lại thành tài liệu giảng dạy tại Trường Đại học Y, làm phong phú nguồn dữ liệu bài giảng gắn với hình thức học tập mới, gần gũi với thực tế và rẻ nhất trên thế giới. Mặc dù Telehealth chỉ là công cụ hỗ trợ chẩn đoán chỉ định theo dõi điều trị nhưng đây vẫn là bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam.
Theo ông, ngành y hôm nay đã được đặt trong bối cảnh mới. Y học thế giới đã sang trang. Tư duy và khẩu hiệu của ngành ngoài thông điệp yêu thương người bệnh còn phải nhấn mạnh tính chuyên nghiệp. Bởi sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà y học hiện đại luôn không ngừng bước tới. Nền y học kinh nghiệm đã đến lúc cần bổ sung giá trị mới để hòa nhập và vươn lên rào cản lớn nhất đang ở trong chính bản thân mỗi y bác sĩ.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện nhỏ như những bài blog mà ngày tháng viết không theo trật tự của thời gian giúp mọi người có cơ hội đi sâu hơn vào những bề bộn của ngành y, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn và tri ân nỗ lực của người thầy thuốc. Tất cả, được tác giả kết nối với nhau tạo thành bức tranh đa sắc của cuộc sống, trong hơn 300 trang giấy của cuốn sách bìa xanh đơn sắc giống màu áo của các bác sĩ trong phòng phẫu thuật.
Đó cũng là màu xanh của hi vọng, của sự sống, mộc mạc, giản dị.