Vì sao các bố mẹ cần đọc cuốn 'Làm đĩ'?

Hà Thành (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 04:57 - 20.09.2022

Vũ Trọng Phụng viết "Làm đĩ" xuất phát từ một ý thức trách nhiệm. Đứng trước tình thế thấy xã hội loạn dâm mà chỉ khoanh tay kêu “Ôi văn hóa suy đồi” thì nào có ích gì cho ai? Tìm luân lý giáo hóa cho thiếu niên, biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay. Vì lẽ ấy mà Làm đĩ ra đời.

Làm đĩ không tả lối sống của gái giang hồ mà chỉ vạch lại cảnh ngộ đã làm Huyền – cô con gái nhà tử tế xinh đẹp, có học, thông minh phải sa chân, lỡ bước vào cuộc đời trụy lạc. Vũ Trọng Phụng đã đặt ra một vấn đề: Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi mà rồi đến nỗi … trụy lạc?

Thế nào là hư?

Một người con gái làm đĩ, dư luận chung của xã hội khi ấy thường cho rằng “Tại nó hư”. Nhưng Vũ Trọng Phụng hỏi lại ngay, “Thế nào là hư?”, “Tại sao mà hư?”  

Và gần 200 trang sách tiếp theo là để thuật lại cho ta biết, những ai đã đưa Huyền, một người con nhà tử tế, xinh đẹp, có học, thông minh, nết na đến chỗ trụy lạc. Huyền đã tóm lược lại “Tuổi dậy thì, hoàn cảnh xấu, bạn hữu xấu, một nền giáo dục sai lầm, ngần ấy cái đã làm cho em hóa ra đến nỗi như ngày nay”.

Là một cô bé thông minh, lên mười, Huyền thấy mẹ đẻ hết em này đến em khác, muốn biết em từ bụng mẹ mà ra theo đường nào thì cô bảo ra ở nách, u già thì bảo ở đít, và chị thì bảo ở bụng; hỏi vì sao mà đẻ thì họ bảo là ăn no thì khắc đẻ; mỗi người trả lời một phách, chỉ càng làm tăng tính tò mò của cô bé.

Bọn học trò, con trai thì nói chuyện vợ chồng tỏ ra mình cái gì cũng biết. Thằng Ngôn mới chục tuổi ranh đã chứng minh bố mẹ nó ăn nằm với nhau như thế nào vì nó đã được thấy bố mẹ ngủ với nhau chẳng cần tắt đèn, họ không quan tâm đến tính nghịch ngợm, hay bắt chước của trẻ con.

Những trẻ biết suy nghĩ thì cứ phải nghe người lớn chửi nhau, dùng toàn những chữ gọi các bộ phận sinh dục và chỉ sự nam nữ giao hợp; mẹ Huyền mà nựng con trai bé cứ mó máy bộ phận sinh dục của nó.

Đến lúc dậy thì, khủng hoảng, hoang mang, “có bao nhiêu nỗi khổ tâm mà không được đem ra nói với ai”, Huyền hoảng hốt nhất là lúc thấy kinh lần đầu tiên. Hỏi mẹ về vấn đề nam nữ thì mẹ chỉ đáp “bao giờ lấy chồng con sẽ biết”. Trong khi đó, chị em bạn gái, bọn trẻ con, đám tôi tớ cứ hễ động đến vấn đề ấy là cứ như nói cho sướng mồm, như để khiêu khích tình dục vậy.

Vì người lớn không dạy những điều mà con em đến tuổi dậy thì cần phải biết nên mới có những đứa trẻ nghịch đùa cơ quan sinh dục, thủ dâm, có thể hiếp dâm nữa.

Huyền có người anh họ xa là Lưu ở nhờ nhà mình để đi học và họ đã yêu nhau. Một đêm thức giấc do những âm thanh  giữa ông bố và cô vợ bé gây ra, Huyền rón rén xuống nhà và gặp Lưu không ngủ được, cũng xuống nhà. Và đã xảy ra “cái sự không thể không xảy ra được”.

Đoạn đường sa chân lỡ bước của Huyền bắt đầu từ lúc lấy chồng. Trước tiên là không tự do trong hôn nhân. Kim, một viên tham tá, công chức hành chính trung cấp thời Pháp thuộc, hỏi Huyền làm vợ. Huyền chưa kịp mở miệng, ông bố đã nổi cơn thịnh nộ, đàn áp: “Ông là bố mày, bắt mày ngồi đâu thì mày phải ngồi đấy”. Chẳng có cách nào bảo vệ được tình yêu, Lưu tự tử, mấy hôm sau thì Huyền về nhà chồng.

Ngoài ảnh hưởng của gia đình, Vũ Trọng Phụng còn cho thấy vai trò nguy hiểm của xã hội, qua những phương tiện truyền thông, những loại hình nghệ thuật, nhất là phim ảnh. Vì nó tác động mạnh mẽ và tức thời bằng hình ảnh cụ thể, lời nói kích động và âm thanh quyến rũ. Vũ Trọng Phụng để cho Huyền nói khá nhiều về phim ảnh. Huyền tự nhận định “đã nhiễm phải ảnh hưởng của mấy tờ báo mà ngày nào người ta cũng bàn bạc om sòm về các ngôi sao chớp bóng … mà người ta cứ viết thẳng một cách ngây thơ chẳng ngượng ngòi bút”.

Cảnh vợ chồng Huyền với Kim lại thật oái oăm. Tối tân hôn, lang quân rất mực lịch sự, chằng nài ép mây mưa gì cả, rồi cả tuần cũng cứ như thế, thì ra anh chàng đang mắc bệnh giang mai và đã thanh minh: “Đàn ông bây giờ mà mắc bệnh phong tình, đó có là sự quái gở gì đâu! Mà họ còn năm lần bảy lượt. Đàn ông như tôi là đã ngoan lắm, mợ biết chưa?”. Phải kiêng nhưng không đêm nào Kim không quấy rầy vợ bằng những cách “nửa đời nửa đoạn” làm cho Huyền bị khiêu khích dữ dội. Huyền được chồng đem đi dự các trò tiêu khiển của xã hội trưởng giả: xem phim, ăn hiệu, chợ phiên, nhảy đầm, đánh cá ngựa, nơi mà bọn ăn chơi “hiện nguyên hình là một tụi bợm đĩ dưới những hình thức choáng lộn, và tiến bộ, và văn minh … lẫn lộn. Bọn nam nhi đánh phấn, bôi môi gần như đàn bà. Và bọn đàn bà thì mặc y phục tôi tân kỳ lạ, nó phô phang cả đùi lẫn ngực ra dưới làn voan mỏng một cách rất lịch sự. Và chính ở giữa đám người ấy, Huyền đã gặp Tân.

Câu chuyện của Huyền và vai trò của bố mẹ với con

Tân là thần tượng của Kim. Anh ta tự hào, đắc chí có một người bạn sang giàu như thế đưa ô tô mình về đến tận nhà, Kim mắng vợ: “Mợ tiếp đãi người ta nhạt nhẽo như thế, cứ tiếp đãi cho mặn mà hơn nữa thì đã sao? Mợ là nhà quê đấy à? Mợ ngu đần xưa nay đấy à?”.

Ít lâu sau, thấy Huyền bạo dạn tiếp Tân thân mật, Kim tỏ vẻ sung sướng lắm, khen: “Mình đã thành ra một phu nhân của giới thượng lưu rồi đấy”.

Tân kiếm cớ mời Huyền đi chơi Lạng Sơn, Huyền tỏ ý ngại, liền bị Kim mắng xối xả: “Sống cuộc đời mới, theo Âu hóa thì không được nghi ngờ như người cổ hủ … Thôi đi, mợ cũng hủ bại vừa chứ. Đồ ngu”.

Thái độ của Kim đã đẩy vợ vào tay bạn, mở đường cho Huyền và Tân cùng nhau ngoại tình. Đến khi việc vỡ lở Huyền mới thấy những người đàn ông ấy tàn ác đến thế nào. Kim bắt Huyền viết theo bản nháp của mình thỏa ra “lời thú tội” đã ngoại tình và xin cam đoan là “chịu thôi không đòi hỏi những quyền lợi của một người vợ chính thất. Tôi đã đem nhiều tiền của chồng ra cùng nhân tình tiêu hoang”. Rồi từ đó, Huyền từ chức chủ nhà hạ xuống thân phận tôi đòi, chỉ được ăn ở với u già.

lam-di-vu-trong-phung-trenkesach
Làm đĩ là cuốn sách nên có trong kệ sách gia đình, bên cạnh các tiểu thuyết bất hủ khác của Vũ Trọng Phụng.

Không chịu nổi cảnh ấy, Huyền đến cầu cứu Tân thì được Tân nhắc lại cái quan niệm về tình yêu của y: “Tôi sợ hôn nhân lắm … Tôi tin hôn nhân làm hại ái tình cũng như kẻ mộ đạo tin có Thượng đế vậy”.

Và Tân báo cho Huyền là y lại sắp sang Pháp, y lấy hai chiếc nhẫn kim cương đưa cho Huyền. Căm thù bốc lên trong lòng người đàn bà bị đối xử như một gái điếm được trả tiền công, Huyền ném hai chiếc nhẫn vào mặt y rồi bỏ về. Ít lâu sau, báo chụp ảnh Tân đang ngồi ngắm một cuộc thi hoa hậu ở Sài Gòn, biết y chưa sang Pháp, Huyền bỏ nhà, quyết vào giết chết cái tên lừa đảo, đều cáng. Không tìm được Tân, túi cạn tiền không mà để trả tiền phòng, Huyền đành nghe lão chủ khách sạn dụ dỗ tiếp khách làng chơi, thế là bắt đầu sa xuống cuộc đời trụy lạc.

Kết thúc "Làm đĩ", Vũ Trọng Phụng tả Huyền trao cho mình quyển vở ghi chép lại quãng đời trụy lạc của Huyền, hy vọng được “đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ”. Và tác giả đã nghĩ ngay là nhờ tập bút ký ấy, có lẽ mà cái đời bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đàn bà con gái khác.

Có lẽ, cũng không cần viết thêm gì cho các bậc làm cha, làm mẹ bởi câu chuyện đời Huyền đã cho chúng ta thấy quá rõ vai trò của gia đình, của cha mẹ với con cái rồi.

'Một đời thương thuyết' của PTGĐ VTG Nguyễn Thị Hoa

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua