Anh bếp trưởng tận tâm của Telemor

Phương Việt - Rachel (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 14:58 - 03.10.2023

Những ai đi công tác ở Telemor chắc đều không quên được những bữa ăn ngon, đầy hương vị Việt do anh Tâm bếp chuẩn bị. Câu chuyện anh đến với Telemor là một cái duyên và anh có nhiều trải nghiệm ở đây.

Đến với Telemor là một cái duyên

5 năm trước khi đến với Telemor, anh đang làm việc tại một nhà hàng. Công việc khá ổn định, thu nhập đủ chi tiêu và gần gia đình. Vào năm 2019, một người bạn giới thiệu anh về cơ hội làm bếp trưởng tại Telemor. Lúc đó anh nghĩ hàng chục năm trong nghề mà vẫn chưa biết nước ngoài như thế nào, đây là cơ hội để trải nghiệm nó. Nghĩ là làm, anh về bàn với vợ và thông báo cho chủ nhà hàng nơi anh làm việc. Tuy nhiên, mọi thứ ban đầu không suôn sẻ. Vợ anh không đồng ý với việc anh bỏ công việc đang ổn định, gần nhà để đi một nơi xa gia đình và chủ nhà hàng thì đề nghị tăng lương gấp 1,5 lần để giữ chân anh (nhưng không thành). Tâm tìm mọi cách để thuyết phục vợ với mong muốn trải nghiệm đi nước ngoài một lần trong đời và cuối cùng chị đã đồng ý.

Suýt nhập cảnh nhầm vào Singapore và dùng bữa trưa vào 11h đêm

Sau khi qua phỏng vấn, Tâm lên đường sang Đông Timor. Lần đầu tiên đi nước ngoài lại không biết ngoại ngữ nên xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười trong lần đầu tiên “làm chuyện ấy”. Trên chuyến bay sang Singapore, Tâm nhờ một bạn tiếp viên viết cho vài dòng bằng tiếng Anh: “Tôi là người Việt Nam. Tôi không biết tiếng Anh, làm ơn hướng dẫn tôi đi Đông Timor”. Xuống sân bay vào lúc 12h trưa, theo đoàn người, Tâm suýt nhập cảnh nhầm vào Singapore nhưng thầm nhủ ai chả có lần đầu tiên. Sau đó, anh đưa tờ giấy cho 1,2 người để nhờ hỗ trợ nhưng họ lắc đầu khiến anh bắt đầu lo lắng. Trong lúc hoảng hốt không biết nhờ ai, Tâm bỗng thấy một người kiểu tình nguyện viên làm trong sân bay (anh đoán vậy qua trang phục) và anh đưa tờ giấy cho người này. May mắn cho anh là người này lại có một người bạn Việt Nam đang sinh sống tại Singapore và đã gọi cho người bạn Việt Nam này để hướng dẫn anh. Đến đúng cửa chờ, anh thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu yên tâm nghỉ ngơi, đợi thêm đồng đội Telemor đến Singapore từ chuyến bay khác để cùng sang Đông Timor.

Đến chập tối, bắt đầu cảm thấy đói và khát, cầm tiền đô Mỹ (USD) trong tay nhưng Tâm không biết mua như thế nào vì nghĩ là phải đổi sang đô Sing (SGD) mới mua được và anh không biết chỗ nào đổi tiền. Đói thì anh cố gắng chịu nhưng khát thì không. Anh đi vòng quanh thấy một số du khách uống nước ở vòi công cộng trong sân bay nên anh cũng giải tỏa cơn khát theo hình thức đó. Ngồi chờ đến 11h đêm, một bạn Telemor (bay từ tỉnh khác sang Singapore) cũng đến để chờ bay sang Đông Timor cùng chuyến. Bữa trưa mà anh được dùng rơi vào khoảng 11h đêm. “Khổ thế, đúng có tiền trong tay mà cũng không tiêu được, kỷ niệm đáng nhớ khi lần đầu tiên đi nước ngoài”, Tâm chia sẻ.

Không ngoại ngữ - “Body language” lên ngôi

Đặt chân tới Đông Timor, bên cạnh việc đi khảo sát một số địa điểm như chợ, siêu thị cho quen đường, Tâm cũng học đếm số bằng tiếng Tetun (tiếng bản địa của người dân Đông Timor) để thuận tiện cho công việc. Đi chợ anh lựa chọn kỹ càng rồi chỉ tay vào các món đồ cần mua sau đó nghe con số và trả tiền. Dần dần anh học được thêm những câu giao tiếp cơ bản và luôn mạnh dạn chào hỏi các bà con tiểu thương mưu sinh ở chợ. Thấy Tâm dễ mến nên về sau mỗi lần thấy Tâm xuất hiện ở chợ là họ luôn chào to và nở nụ cười với anh người nước ngoài kỹ tính trong mua bán này. Một điều đặc biệt ở Timor, tại các chợ nông nghiệp thì bà con tiểu thương bán hàng theo đĩa hoặc theo mớ chứ không cân như ở Việt Nam. Bán theo cân thì bạn chỉ gặp trong siêu thị.

Hay đối với hai người sở tại hỗ trợ anh trong việc bếp núc thì anh giao việc theo cách chỉ trỏ. Muốn họ lau nhà ăn thì Tâm chỉ tay vào chổi và cây lau nhà sau đó chỉ xuống sàn do chưa đủ vốn từ để giải thích. Đôi lúc anh làm mẫu luôn để họ dễ hiểu hơn.

Làm việc theo đúng cái tên của mình – Làm có tâm

Tại Đông Timor, đất nước non trẻ nhất Đông Nam Á, thực phẩm và gia vị nấu nướng không đa dạng như ở Việt Nam. Ở đây, đôi lúc hôm nay ra chợ thấy bán thực phẩm này nhưng mai ra lại không có nữa. Một điều khác lạ nữa là thịt lợn đắt hơn cả thịt bò, gà hay dê. Điều này ảnh hưởng tương đối nhiều tới công việc của Tâm. Nhiều khi lên thực đơn nhưng ra chợ lại không có để mua. Tuy vậy, là một người lo xa nên Tâm vẫn khắc phục được những bất cập này. Anh thường mua dư ra và để tủ cấp đông một số thực phẩm khan hiếm. Bếp và nhà ăn luôn được anh giữ gìn sạch sẽ. Tâm bảo các cụ đã có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” nên anh yêu cầu 2 bạn sở tại lau chùi dọn dẹp thường xuyên.

Rồi dịch Covid bùng phát, hầu như tất cả anh em người Việt ở Telemor đều bị mắc trừ Tâm. Đây cũng là điều may mắn. Hàng ngày Tâm chuẩn bị cơm nước và đưa đến 3 căn nhà nơi CBNV người Việt sinh sống. Anh luôn cố gắng dùng thực phẩm tươi, thay đổi món liên tục và bảo quản thức ăn cho nóng nhất để anh em ăn uống ngon miệng. Bên cạnh đó, anh luôn tự động viên và tự chủ các biện pháp phòng dịch. Anh nghĩ nếu mình ốm ra đây thì ai sẽ chăm sóc anh em. Luôn đặt điều đó lên hàng đầu nên ở Telemor đã sang năm thứ 5 nhưng Tâm mới về Việt Nam có hai lần, một lần gia đình anh có chuyện và một lần chính thức anh được về phép.

Tâm cho biết “Món ăn không chỉ là ẩm thực. Tại Telemor nó còn là niềm vui và khơi gợi những cuộc trò chuyện vui vẻ sau giờ làm". Mọi người thường vui vẻ trò chuyện và rất hài hước khi ăn cơm. anh hiểu điều mâm cơm Việt mang lại là cảm giác sum vầy và gắn kết sau những giờ làm căng thẳng trên công ty. Công việc của một người đầu bếp không chỉ là việc nấu ăn ngon, mà còn tạo không khí đầm ấm cho anh em đi công tác xa nhà. Anh Nguyễn Cao Lợi, Phó Tổng Giám đốc của Viettel Global trong một chuyến công tác sang đây rất khen những món Tâm nấu “vừa ngon miệng, vừa đúng vị Việt Nam”. Tâm yêu quý mọi người ở đây vì anh cảm thấy họ thật sự thân thiết như anh em ruột thịt vậy.

Thiệt thòi của người đi nước ngoài

Câu chuyện đi nước ngoài không về kịp khi gia đình có việc là điều có thể xảy ra với các CBNV đi thị trường. Một buổi tối năm 2022, gia đình Tâm có chuyện buồn. Anh nhận được cuộc gọi từ gia đình báo con trai lớn học lớp 7 đi bơi và mất do đuối nước (chưa tìm thấy). Đó là một điểm rơi! Nỗi đau đã làm người đàn ông mạnh mẽ bật khóc. Hình ảnh một người đàn ông đã ngoài U40, quằn quại gào khóc dưới nền nhà chắc không bao giờ phai trong tâm trí những người Việt tại Telemor. Anh đã không được nghe hai tiếng “Bố ơi” từ cậu con trai nữa rồi. Biết chuyện của anh, Ban Tổng Giám đốc Telemor đã yêu cầu mua vé về Việt Nam cho anh ngay sáng ngày hôm sau. Bên cạnh đó để yên tâm, lãnh đạo Telemor cũng cử một CBNV người Việt đi cùng anh về tận quê anh ở Thanh Hóa để cùng lo việc gia đình và tạo điều kiện cho anh ở Việt Nam một tháng để ổn định tinh thần. Qua các mối quan hệ cá nhân, Telemor cũng yêu cầu Công an huyện nơi Tâm sinh sống hỗ trợ tìm kiếm cháu bé. Đồng thời, Telemor cũng trích từ quỹ và anh em người Việt cũng đóng góp để hỗ trợ công việc cho gia đình Tâm. Điều này làm anh vô cùng cảm động.

Sau khi thu xếp xong chuyện gia đình, Tâm quay trở lại Telemor. Anh có vẻ trầm hơn nhưng vẫn mạnh mẽ, đầy năng lượng và chuẩn bị những món ăn như cách mà chính anh làm mới lại cuộc sống. Cũng đã một năm trôi qua dưới sự động viên, quan tâm thường xuyên của ban Tổng Giám đốc cũng như các anh em người Việt ở Telemor, anh đã lấy lại được tinh thần. Anh đã vui vẻ hơn và luôn giữ được sự nhiệt tình, chu đáo chăm sóc cho từng CBNV bữa ăn hay những lúc ốm đau. Tất cả CBNV người Việt tại Telemor đều thương anh, người mà có cặp mặt nâu sâu thẳm được vây quanh bởi những vết hằn quanh kẽ mắt theo năm tháng. Anh cảm thấy ngôi nhà Telemor thật trân quý. Tiếng gọi “anh Tâm ơi" đầy cảm xúc của anh em người Việt có lẽ vậy là đủ đối với anh.

  • 2142
  • 4
  • 1

'Cảm ơn Telemor vì tất cả'

  • 2472
  • 2

Người Viettel an toàn: Phòng ngừa nguy cơ cháy tại nhà riêng

  • 86

[TRỰC TIẾP] Lễ tôn vinh và trao giải Innovative-me 2024

  • 2073
  • 118

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 780

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 546
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua