Thanh Hường (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 18:32 - 24.12.2023
Lần đầu tiên Viettel Global tổ chức đoàn nhà báo đi thực tế tại thị trường. Các anh là những người uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực báo chí và truyền hình. Điểm đến không phải là Peru hoa lệ, không phải là nước bạn láng giềng Lào hay Campuchia, mà là Burundi - đất nước nằm ở khu vực Đông Phi nghèo nhất thế giới.
Vượt ngoài cả sự kỳ vọng, các nhà báo đã thu được những trải nghiệm chưa từng có. Họ được đi đến những vùng xa xôi tận cùng đất nước Burundi, được tận mắt thấy những gì mà người Viettel đã làm trên đất bạn, được trải nghiệm một ngày làm việc của những người đồng hương, được thấm nỗi nhớ nhà và cô đơn nơi đất khách. Chỉ một câu thôi: Quả là phi thường.
Ở một đất nước nghèo nhất thế giới nhưng Viettel vẫn vận hành trơn tru và mang về những lợi ích to lớn về kinh tế cho Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh doanh hơn 30%/ năm, cao gấp 10 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của viễn thông thế giới, đánh bại các ông lớn trong ngành viễn thông như Smart, Econet để chiếm lĩnh thị phần số 1 toàn diện trên tất cả các mặt trận.
Anh Phạm Trung Thành - Trưởng phòng Thể hiện hình ảnh của VTV4 chia sẻ: “Chỉ với vỏn vẹn 20 người Việt, họ đã và đang điều hành một mạng lưới khổng lồ 60.000 người sở tại. Một con số rúng động. Nếu không đi trải nghiệm thực tế, có lẽ không ai có thể tưởng tượng ra điều này. Người Việt mình giỏi thật sự”.
Tôi nghe và mỉm cười hãnh diện lắm. Người Viettel đã giúp thế giới hiểu hơn về người Việt Nam và cũng giúp đồng bào hiểu hơn về chúng tôi.
Các nhà báo được chứng kiến những “siêu nhân” Việt Nam một lúc làm đa mảng. Có người thì phụ trách pháp chế, nhân sự, hành chính, đầu tư. Có người đảm nhiệm cả kinh doanh, thương hiệu, truyền thông, marketing, chiến lược, kế hoạch… Ở một nơi mà cái gì cũng thiếu thốn, họ thậm chí còn vừa là doanh nhân, vừa là nông dân và vừa là kỹ sư. Họ trồng được cả một vườn rau với đầy đủ các loại rau từ hạt giống mang ở Việt Nam sang. Họ còn biết sửa điện, sửa nước, đóng bàn ghế, chống thấm trong nhà.
Đi trên đường phố, không chỉ thủ đô mà còn cả các tỉnh thành, sắc màu thương hiệu Lumitel nhuộm vàng Burundi lấp lánh như những tia nắng rực rỡ. Các anh nhà báo được trải nghiệm một ngày bán hàng cùng anh em tỉnh Gitega. Nắng, mệt và đói, đồ ăn mang theo là quả chuối, vậy nhưng hòa chung vào cái không khí sôi nổi được bà con vây quanh, chẳng ai thấy kiệt sức cả.
Anh Thái Khang - Trưởng ban Công nghệ Thông tin của báo Vietnamnet vừa lau mồ hôi vừa nói: “Hay em ạ! Ngày ăn hai bữa, đi lại không nghỉ, nhưng bán được cái sim hay cài được Lumipay cho bà con thì quên hết cả mệt. Giờ mới hiểu người Viettel lấy đâu ra nguồn năng lượng ngập tràn như vậy!”.
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán của Việt Nam nhưng anh em Viettel Burundi đã háo hức chuẩn bị cành đào, chăm sóc cây dong lấy lá, chuẩn bị đỗ và gạo nếp. “Tết ở trong lòng nên bung tỏa sớm em ạ!”. Đó là câu mà anh em nói với tôi. Tôi hiểu các anh nhớ nhà lắm. Các nhà báo thực sự bị chạm đến trái tim khi cảm nhận điều đó. Các anh hòa chung với không khí của người Viettel, cùng háo hức chuẩn bị cành đào được hô biến từ cây chanh khô, cùng rộn ràng treo backdrop, cùng dạy người sở tại gói bánh chưng...
Văn hóa giao thoa giữa hai dân tộc cứ thế len lỏi vào từng con người. Nó xuất phát từ tình yêu, từ niềm trân trọng lẫn nhau, như chia sẻ của PGS.TS Bùi Chí Trung - Phó viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội): “Hôm qua anh nói chuyện với rất nhiều người dân, họ đều có chung một suy nghĩ là, khi các doanh nghiệp nước ngoài đến đất nước Burundi, họ e ngại. Nhưng với người Việt Nam thì khác. Viettel đến với thương hiệu Lumitel giúp cuộc sống của họ tốt lên. Họ có việc làm, nhiều người được Lumitel hỗ trợ cho con đến trường, nhiều khu làng có nước sạch, và quan trọng, họ không phải leo lên núi để gọi điện nữa”.
Bằng những cống hiến và phụng sự của mình, Lumiel luôn nhận được sự kính trọng và yêu thương của Chính phủ và nhân dân nước sở tại. Người dân ở khắp mọi miền đất nước đều biết nói “xin chào”, “cảm ơn”, “Việt Nam”, “Hồ Chí Minh”. Người Viettel bồi đắp hiểu biết của thế giới về một đất nước và con người Việt Nam không chỉ kiên cường trong chiến tranh mà còn giỏi làm kinh tế với những phẩm chất cần cù, thông minh và tiên phong. Họ cũng nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Unicef thông qua các hoạt động đồng hành không mệt mỏi của các doanh nghiệp Viettel tại nước ngoài để giúp cho người dân nước sở tại có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được thông thương liên lạc, được kết nối internet, được tiếp cận nước sạch, được hỗ trợ về y tế - giáo dục…
Các anh trong đoàn nhà báo đã không khỏi tự hào, hãnh diện khi trực tiếp nghe bà Brigitte Mukanga Eno - Trưởng đại diện UNHCR tại Burundi nói: “Lumitel đã mang đến sự kết nối, ví như mang đến sự sống và hy vọng cho những người tị nạn. Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam về điều đó”.
Trong suốt chuyến đi, dù vất vả, dù gian nan, dù trải qua thực tế điều kiện thiếu thốn cùng người Viettel, nhưng các nhà báo thực sự cảm thấy hạnh phúc. Các anh hạnh phúc vì được sống ở đất nước hình chữ S hoà bình, hạnh phúc vì Việt Nam có những doanh nghiệp như Viettel, các anh tự hào vì dân tộc và quê hương mình.
Khi chia tay ở sân bay để trở về Việt Nam, anh Chí Trung đã nói: “Đi nhanh kẻo khóc!”. Bởi chỉ trong 7 ngày qua, đoàn nhà báo đã thực sự coi những người Viettel nơi đất khách là gia đình. Và có một thứ tình cảm gắn kết lạ kỳ cứ len lỏi và níu chân 2 đoàn người đang đứng cách nhau một cánh cửa kính của lối ra máy bay kia. Thứ tình cảm kết tinh bởi sự thấu hiểu từ tâm.