Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:06 - 30.09.2024
Hàng nghìn suất ăn từ sớm tới đêm
Khi những đoàn tiền phương chia về các ngả để điều phối ứng cứu thông tin trước, trong và sau bão Yagi, cũng là lúc Ban Hành chính chuẩn bị hành trang lên đường.
Nhận được lệnh, Ban Hành chính Tập đoàn chia thành 2 đội tiến về Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong lúc đó, 90 chiếc giò lụa, 30 chiếc giò bò, 60 con gà, 60kg thịt lợn và 120kg rau củ quả… cũng được chuẩn bị. Tất cả đã sẵn sàng để tiếp sức mùa bão cho đội ngũ kỹ thuật.
Đến nơi đã là 7h tối, nhưng chị Lê Thị Ngà, Đầu bếp của Ban Hành chính cùng 3 chị em khác không nghỉ ngơi mà vào “thay ca" luôn cho hai chị hậu cần tại Viettel Quảng Ninh. 2 ngày sau đó, các chị phụ trách toàn bộ công việc nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn cho lãnh đạo và đội ngũ kỹ thuật tại đây.
Chị Lê Thị Ngà nhớ lại: “Nhìn hai chị hậu cần tất tả mấy ngày liền không nghỉ, chưa được về nhà hôm nào, chúng tôi rất thương. Tôi thấy rất may mắn vì chúng tôi đã đến kịp thời để hỗ trợ, tiếp sức cho hai chị em”.
Theo chị Ngà, tuy gọi là ngày 3 bữa đầy đủ, nhưng những đầu bếp ở đây phục vụ không đếm xuể bao nhiêu bữa. Bởi dù là bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối, mỗi đội đi ứng cứu lại có thời gian ăn khác nhau tùy thuộc vào kế hoạch, vị trí làm việc. Nhiệm vụ của các chị là luôn luôn túc trực để bất kể giờ nào về tới nơi, anh em cũng có cơm canh nóng hổi, ngon lành, đầy đủ dinh dưỡng để lấy lại sức. Mỗi bữa, các chị em chuẩn bị đến 400 suất, trung bình mỗi ngày 1.200 suất ăn và có những bữa tối phục vụ đến 22-23h00 đêm.
“Mệt nhưng chị em nào cũng phấn khởi, sau khi về rồi các chị em bảo nhau nếu có đơn vị nào cần là chúng tôi lại sẵn sàng lên đường ngay. Nhưng ai cũng thầm mong là sẽ không còn đơn vị nào cần hỗ trợ nữa, bão sẽ sớm qua và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại”, Đầu bếp Lê Thị Ngà bộc bạch.
Bông, băng, cồn, gạc... và quân y dọn bùn đất
Cơn cuồng phong quét qua Quảng Ninh, Hải Phòng để lại tổn thất nặng nề nhưng cơn lũ lụt do hoàn lưu bão cũng khiến các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái chìm trong biển nước. Đặc biệt, khi nước rút, công tác dọn dẹp sau lũ lụt càng bộn bề hơn.
Trong 3 ngày đầu khi cơn nước vừa rút, đội ngũ Quân y của Tập đoàn, trong đó có anh Bùi Viết Hải, Nhân viên Quân y của VTT đã đến tận nơi hỗ trợ.
Đến giờ anh Hải vẫn không thể quên được khung cảnh tòa nhà trụ sở chi nhánh Viettel Yên Bái hôm đó, nước còn ngập kín cả tầng hầm và tầng 1, đâu đâu cũng toàn bùn nhầy nhụa.
Công tác mà đội Quân y hỗ trợ chủ yếu tại Yên Bái là vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng dịch, khử khuẩn tại các vị trí làm việc như toà nhà trụ sở, các cửa hàng Viettel trên địa bàn. Tuy vậy, gần như bất kể có công việc gì, đội ngũ quân y VTT đều xắn tay vào hỗ trợ.
“Mấy ngày đó như là ngày hội dọn dẹp, ai ai cũng xắn quần xắn áo vào giúp một tay. Đây là lần đầu tiên tôi tới chi nhánh Viettel Yên Bái, chưa quen biết ai nhưng ai cũng coi tôi như người nhà và cùng nhau dọn dẹp”, anh Hải cho biết.
Theo anh Hải, dọn bùn khó hơn rất nhiều so với quét nhà thông thường, phải phun nước cho bùn loãng ra, rồi cào và quét đến khi sạch hẳn. Càng trực tiếp dọn dẹp, anh Hải càng cảm nhận rõ ràng sự vất vả của anh chị em tại chi nhánh. Nhờ có đoàn hỗ trợ, các công việc tại chi nhánh được hoàn thành nhanh hơn gấp đôi, CBNV chi nhánh đều rất phấn khởi.
Ngoài ra, từ trước đó, đội ngũ quân y VTT đã lên ý tưởng trang bị đồng bộ hộp cứu thương tại các phương tiện di chuyển. Cũng nhờ đó, ngay khi bão ập đến, các xe đã được trang bị đủ thuốc sơ cấp cứu ban đầu như bông, băng, cồn, gạc…và các thuốc thông dụng như kháng sinh, giảm đau hạ sốt, mũi họng, dị ứng, tiêu hóa, ngoài da… để phòng trừ cho bất cứ trường hợp nào.
Nhờ chiếc hộp này, CBNV nào dù chuyên hay không chuyên đều có thể hỗ trợ đồng đội trong quá trình ứng cứu. Có trường hợp CBNV dẫm phải đinh trong quá trình khôi phục dịch vụ. Ngay lúc đó, anh Lương Ngọc Ánh, nhân viên lái xe của VTT đã lập tức sử dụng túi cứu thương trên xe tiến hành khử trùng, làm sạch và băng bó vết thương cho CBNV này.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ hậu cần, sự nhanh trí, dứt khoát và tình cảm của người Viettel, tình huống nguy hiểm này đã được xử lý nhanh chóng.
Những chuyến xe không ngại gian khó
Trong những ngày ứng cứu thông tin căng thẳng nhất, song hành cùng đội ngũ kỹ thuật trên khắp nẻo đường nhà những chiến sĩ lái xe bản lĩnh.
Tại VCC, 100% lực lượng lái xe văn phòng VCC đã lên đường cùng các đoàn công tác ngay từ khi bão còn chưa vào đất liền. Để tăng cường lực lượng, 178 lái xe và các phương tiện từ các tỉnh trên toàn quốc cũng được điều động. Đồng chí Phạm Văn Giáp, Trưởng ban xe, Văn phòng VCC đã túc trực 24/24 trong những ngày đầu tiên để điều hành xe ứng cứu và hỗ trợ anh em thủ tục thanh toán chi phí xăng xe trong điều kiện khó khăn.
Anh Hoàng Thái Sơn, Đội trưởng đội xe, chi nhánh Công trình Viettel Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng anh em gói ghém tư trang, quần áo, bảo trì bảo dưỡng, kiểm tra xe và sẵn sàng lên đường ngay trong ngày nhận lệnh đi hỗ trợ. Quãng đường từ Vũng Tàu đến Hải Phòng dài hơn 2000km, anh Sơn trực tiếp lái xe và mất 2 ngày 1 đêm mới tới nơi.
“Vừa vào đến Hải Phòng thì toàn bộ vùng đã mất sóng điện thoại. Chúng tôi chưa đến Hải Phòng bao giờ, phải hỏi người dân về đường xá để có thể đến được chi nhánh. Ngôn ngữ vùng miền khác biệt làm tôi gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng tôi không coi đó là trở ngại", anh Sơn khẳng định.
Ngay hôm sau, đội hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu được lệnh ra đảo Cát Bà hỗ trợ ứng cứu. Bão lớn làm vô số cây cối đổ rạp ngổn ngang trên đường. Ngoài những trường hợp cây quá lớn phải gọi đội hỗ trợ chuyên nghiệp, anh Sơn luôn mang sẵn dao, rựa bên mình. Cứ mỗi đoạn bị cây ngáng đường, anh trực tiếp xuống xe chặt cây, mở đường để đi tiếp.
Vào Viettel hơn 15 năm, anh Sơn đã trải qua đủ các vị trí từ kỹ thuật nhà trạm đến lái xe. Đó là lý do anh không chỉ là một CBNV lái xe thông thường. Trong cơn bão, anh kiêm nhiệm cả vị trí lái xe và vị trí kỹ thuật. Cứ có việc gì cần làm là anh xông lên không nghĩ ngợi.
“Khó khăn nhiều, vướng mắc cũng rất nhiều nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Anh em kiểu gì cũng nghĩ ra cách để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ khó khăn nhất là lần kéo đường link quan trọng tại Cát Bà, địa hình hiểm trở, rất chông chênh, một bên là núi, một bên là vực nhưng người lái xe như tôi vẫn vào cùng anh em hỗ trợ kéo cáp”, anh Sơn nhớ lại.
Khi hỏi về điều giúp anh có thể vượt qua mọi khó khăn ấy, anh chỉ cười bảo đó là cách làm của người lính Viettel. Truyền thống và cách làm của người lính là giá trị cốt lõi mà anh em Viettel đã thấm nhuần. Anh không ngại gian khổ và làm bằng chính trái tim của mình.
Đã hơn 20 ngày kể từ khi anh Hoàng Thái Sơn và đồng đội được điều động đi hỗ trợ Hải Phòng nhưng các anh vẫn chưa xác định ngày trở về đơn vị. Đến nay, các anh vẫn đang bám đảo, đi phục hồi từng nhánh sóng tại nhà dân để mạng lưới hoàn toàn ổn định.
“Vì có sóng là người dân họ khoái lắm, mà bản thân mình cũng rất mừng.
Chúng tôi luôn bảo nhau, chúng tôi là những cỗ xe tăng, luôn xác định đi đầu để chiến đấu, phải luôn tiên phong và chỗ nào khó là đến đầu tiên”, Đội trưởng đội xe VCC Bà Rịa - Vũng Tàu quả quyết.
Suốt 1 tháng qua, tại khắp các tỉnh thành ba miền Bắc - Trung - Nam, với tất cả các đơn vị như Khối cơ quan Tập đoàn, VCC, VTT, VTNet, VHT, VTK, VCM hay VTAca, tất cả các lực lượng đều chung sức đồng lòng hướng về anh em các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão bằng những hành động cụ thể.
Trong những ngày ấy, sẽ còn rất nhiều người như anh Hoàng Thái Sơn lái xe VCC, anh Bùi Viết Hải quân y VTT hay chị đầu bếp Lê Thị Ngà ở Ban Hành chính Tập đoàn. Mỗi người một việc, lực lượng văn phòng, hành chính, hậu cần của Viettel đã làm tốt nhất chuyên môn của mình, góp từng chút để cùng các lực lượng khác khôi phục dịch vụ, thiết lập lại cuộc sống.
Một số hình ảnh về những người lính hậu cần Viettel âm thầm hỗ trợ anh em trong bão lũ: