Chuyện ít ai biết về Bluetooth và triết lý sáng tạo của Ericsson

Huy Hoàng (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:36 - 24.04.2023

Hiện nay, Bluetooth là công nghệ kết nối quen thuộc với chúng ta, nó đang được ứng dụng trên hầu hết các sản phẩm điện tử. Nhưng ít người biết Ericsson chính là công ty phát minh ra công nghệ này.

Cách Bluetooth được tạo ra

Trước Bluetooth ra đời, hồng ngoại là phương thức kết nối không dây phổ biến nhất giữa các thiết bị di động. Khi sử dụng hồng ngoại để truyền dữ liệu, 2 thiết bị di động cần chĩa phần thu phát sóng vào nhau (cách nhau dưới 1m để đạt hiệu quả cao nhất). Dù vậy, tốc độ truyền chỉ đặt khoảng 300Kbps và dễ đứt kết nối, tỏa ra nhiệt lượng lớn (1,2W) khi sử dụng.

Trước bối cảnh ấy, Ericsson đã lên ý tưởng cho một công nghệ kết nối không dây mới từ đầu những năm 1990. Đến năm 1996, những kỹ sư của Ericsson Mobile đã thử nghiệm thành công một công nghệ kết nối ở khoảng cách ngắn trên băng tần 2.4GHz - tiền thân của Bluetooth. Công nghệ này cho phép kết nối ở khoảng cách lên đến 10m, tốc độc 721Kbps và chỉ tiêu thụ 0.05W. Đây là bước tiến lớn so với các phương thức kết nối không dây khoảng cách ngắn trước đây, tiệm cận tốc độ của phương thức kết nối có dây là USB 1.0 được ra mắt cùng năm.

Bluetooth_headset
Chiếc tai nghe Bluetooth được sản xuất đầu những năm 2000.

Đến năm 1997, 5 nhà sản xuất thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới là Ericsson, Intel, Nokia, Toshiba và IBM đã cùng nhau thống nhất áp dụng công nghệ mới này vào các sản phẩm của mình. Cái tên Bluetooth được đặt dựa theo tên vị vua Harald Bluetooth của người Viking, với mong muốn sẽ thống nhất phương thức kết nối trên các thiết bị di động trong tương lai. Một năm sau đó, tháng 9 năm 1998, Bluetooth Special Interest Group (SIG) được 5 nhà sản xuất trên thành lập với mục tiêu quản lý, nghiên cứu, phát triển công nghệ Bluetooth.

Sự phổ biến của Bluetooth

Ngay từ khi thành lập, SIG chủ trương miễn phí sử dụng toàn bộ công nghệ Bluetooth để mọi thiết bị có thể sử dụng công nghệ này. Đây là bước đi bất ngờ của Ericsson vì ngay từ trước khi chính thức ra mắt, công nghệ Bluetooth được định giá hàng chục tỷ đô. 

Năm 2001, Ericsson T39, chiếc điện thoại di động đầu tiên có kết nối Bluetooth, đã được giới thiệu sau nhiều thử nghiệm trên các sản phẩm trước đó. Đây là phát súng mở đầu cho sự bùng nổ tăng trưởng của số lượng các thiết bị có kết nối Bluetooth cho đến tận ngày hôm nay. Theo ước tính của GSMA, trong năm 2022, thế giới có thêm hơn 5 tỷ thiết bị có kết nối Bluetooth được bán ra và con số này tăng khoảng 12%-15% mỗi năm.

T39ljusstake
Ericsson T39 - chiếc điện thoại di động đầu tiên có kết nối Bluetooth.

Đi cùng với bùng nổ số lượng, SIG, với lực lượng chủ chốt là các kỹ sư Ericsson, liên tục đưa ra các phiên bản nâng cấp mới, cải thiện khả năng kết nối cho Bluetooth. Phiên bản mới nhất Bluetooth 5.3 cho tốc độ kết nối đã tăng lên 70 lần, bán kính kết nối gấp 10 lần so với phiên bản đầu tiên. Việc tiêu thụ điện rất thấp là tiền đề để chúng ta có thể dùng Bluetooth để kết nối liên tục với các thiết bị ngoại vi như đồng hồ, tai nghe, loa không dây,…

Ngày nay, hầu hết các thiết bị điện tử xung quanh chúng ta đều có thể kết nối Bluetooth. Bluetooth mang đến khả năng kết nối thuận tiện, tốc độ ổn định, độ trễ thấp. Ưu điểm nổi bật nhất của Bluetooth để nó có thể phổ biến như ngày hôm nay chính là không gây ảnh hưởng đến các sóng không dây khác, cũng như không gây hại cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, khả năng tiết kiệm năng lượng khiến Bluetooth trở thành lựa chọn tốt nhất dành cho các thiết bị yêu cầu kết nối liên tục như: tai nghe, loa, điều khiển,…

Sự tương đồng của Ericsson và Viettel

Sự ra đời của Bluetooth cùng loạt công nghệ khác cũng minh chứng cho sứ mệnh của Ericsson. Trong 147 năm lịch sử của mình, Ericsson luôn ghi dấu ấn với những nghiên cứu, sáng chế thúc đẩy sự phát triển ngành viễn thông và công nghệ thế giới, tạo ra tiện ích cho con người. Bên cạnh Bluetooth, chúng ta có thể thấy những đóng góp to lớn của Ericsson trong quá trình phát triển của mạng di động từ 2G, 3G, 4G ở 2 thập kỷ trước đến nay là 5G. Nền tảng cho các công cụ chat - gửi tin nhắn trên mạng cũng được phát triển nhờ Ericsson.

“Bằng sự kết nối không giới hạn, chúng tôi góp phần định hình một viễn cảnh đầy hứng khởi: cuộc sống của con người sễ tốt hơn, tái định nghĩa lại hoạt động kinh doanh và kiến tạo tương lai bền vững”, Ericsson tuyên bố sứ mệnh của mình.

Hành trình phát triển của Ericsson có nhiều câu chuyện tương đồng với tầm nhìn của Viettel khi chúng ta đang trong quá trình chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số.

b9837ceb5ecfc08f_org-2Từ khi thành lập, Viettel luôn trung thành với lời hứa "Sáng tạo vì con người", mang công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất để phục vụ cuộc sống của con người, làm xã hội tốt hơn. Năm 2023, thông qua Hội nghị di động thế giới (MWC 2023), Viettel mang tới bạn bè quốc tế thông điệp “Technology with heart”, như để khẳng định tầm nhìn của Tập đoàn trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngày 25/2, người đứng đầu Tập đoàn Ericsson, Chủ tịch kiêm TGĐ Börje Ekholm, sẽ đến thăm và có buổi nói chuyện với CBNV Tập đoàn. Với thông điệp “Technology with heart”, trong buổi nói chuyện, người đứng đầu Ericsson sẽ chia sẻ với CBNV Viettel về xu thế, tầm nhìn, dự báo về công nghệ mới. Bên cạnh đó, qua các câu chuyện của thương hiệu Ericsson, ngài Börje Ekholm sẽ chia sẻ kinh nghiệp quản trị doanh nghiệp toàn cầu và trường tồn.

CBNV có nhu cầu đặt câu hỏi cho Chủ tịch kiêm TGĐ Börje Ekholm, vui lòng liên hệ qua đầu mối: Đ/c Nguyễn Phương Linh, email: linhnp9@viettel.com.vn

Theo thống kê sơ bộ của Statista, năm 2022, Ericsson là nhà cung cấp thiết bị viễn thông thứ 2 toàn cầu với thị phần khoảng 24%. Nếu không tính thị trường Trung Quốc, Ericsson đang dẫn đầu với thị phần xấp xỉ 40%.

Năm 2019, Viettel và Ericsson đã cùng hợp tác triển thành công cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G tại Việt Nam.

  • 2701
  • 3

Đồng chí Nguyễn Thị Hải Lý nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Đầu tư Tài chính

  • 6363
  • 11

Natcom - chú bé tí hon hoá khổng lồ

  • 44

Công ty 'hưởng lợi nhiều nhất từ AI' hợp tác Viettel

  • 62

Chủ tịch Tập đoàn biểu dương nỗ lực ứng dụng công nghệ của VTPost

  • 437

Natcom tiếp tục chinh phục nhiều dấu mốc mới quan trọng

  • 169
  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua