Gian nan hành trình VMC 'góp gió thành điện'

Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 17:57 - 25.12.2023

Nhằm sớm đưa ra sản phẩm về điện gió, vừa qua, các kỹ sư thuộc TCT Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) đã triển khai thử nghiệm cấp điện gió cho trạm BTS tại tỉnh Phú Yên trong điều kiện không hề dễ dàng.

Đề tài trạm điện gió mini của VMC được ra đời với mục đích sớm làm chủ công nghệ điện gió, hướng tới thương mại hóa sản phẩm về điện gió của Viettel, phục vụ người dân và Viettel trong tương lai.

Nhóm kỹ sư do anh Nguyễn Thành Nam, PGĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm của VMC dẫn đầu mong muốn thử nghiệm sản phẩm điện gió trong điều kiện thời tiết xấu, qua đó sớm phát hiện các hạn chế. Vì vậy, cả nhóm chọn vị trí trạm PY1318, cách đường chính 2km, đón nhiều gió và mưa.

Áp lực đường lên trạm

Địa hình lên trạm hiểm trở, nhiều dốc đá cao trải dài hơn 2km khiến nhóm nghiên cứu của VMC băn khoăn. Đồng thời đường xấu khiến các thiết bị cơ giới không thể hỗ trợ các kỹ sư vận chuyển thiết bị, phải dùng sức người để đưa vật liệu lên trạm. Thời điểm thử nghiệm tại Phú Yên rơi vào mùa mưa, bùn lầy khiến các dốc đá đã trơn, nay càng trơn hơn gây khó khăn cho quá trình triển khai các hạng mục công việc.

ADS_0901
Anh Nguyễn Thành Nam, người đi trước trong ảnh chia sẻ anh luôn mang theo mũ để tránh những cây gai, không cẩn thận có thể làm rách da đầu.
ADS_0942
Trong ảnh là anh Bùi Hải Anh, nhân viên kiểm thử, đang hồi sức sau lần thứ hai trong ngày lên trạm PY1318

Đường lên trạm PY1318, theo lời các kỹ sư dự án điện gió mini thường đùa nhau, là leo núi chứ không phải leo đồi. Tuy chỉ 2km, nhưng ai cũng thở gấp, ướt sũng áo khi leo lên đến trạm, bởi phải trải qua nhiều dốc đá trơn trượt. Anh Nguyễn Thành Nam cho biết: “Trạm nằm ở vị trí cao nên có nhiều cơ hội để thử nghiệm các tính năng. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển thiết bị và anh em lên làm việc”.

 

ADS_0910

Trung bình, anh em đi mất 45 phút đến 1 tiếng để leo đến trạm. Để leo lên, ai cũng phải trang bị một cây gậy “Trường Sơn” để leo núi, bởi đường đi trơn trượt, nhiều đá dăm, dễ ngã. Chính một số kỹ sư cũng thừa nhận, những ngày đầu mò đường, đa số anh em đi bằng “mông”, tức đi được mấy bước, lại “vồ ếch” một lần.

Áp lực vì thời tiết

Chỉ riêng việc thi công và vận chuyển vật tư lên trạm đã chiếm của nhóm kỹ sư 14 ngày. Địa hình quá hiểm trở khiến không phương tiện nào có thể mang vật liệu, thiết bị lên vị trí trạm được. Cả nhóm phải thuê người, ngựa để vận chuyển. Thậm chí trong thời gian vận chuyển, một chú ngựa đã ra đi vì kiệt sức.

Bên cạnh địa hình hiểm trở là những cơn mưa nặng hạt. Để kiểm tra “sức chịu đựng” của trạm điện gió, nhóm kỹ sư VMC phải đối mặt với mật độ mưa dày, cản trở việc thi công, lắp đặt thiết bị. "Mưa nhiều khiến anh em sốt ruột lắm, lúc nào cũng lo canh cánh trong lòng liệu có thi công kịp không, vì từng giờ chạy thử đều đưa ra những thông tin quý giá để thử nghiệm", anh Nam nói.

Thậm chí, lúc mưa mới bắt đầu đang lất phất các kỹ sư cũng cố bảo nhau tranh thủ làm nhanh để kịp tiến độ. Trời cứ mưa, rồi lại nắng, rồi lặp lại đến hết ngày. Địa hình rừng núi không có đủ diện tích trú mưa. Anh em chấp nhận thi công khi mưa nhỏ, chỉ nghỉ khi mưa nặng hạt hơn.

“Thời tiết ở khu vực thử nghiệm khá khó chịu, nhiều khi vừa làm, thấy gió thổi mây kéo đến, anh em lại lẩm bẩm cầu trời đừng mưa để công việc triển khai được thuận lợi”, anh Nam nhớ lại.

ADS_1148

Áp lực vì thời gian

Thời gian là áp lực đè lên vai các kỹ sư VMC. Trong ngày, các kỹ sư chỉ có thể triển khai đến 5h chiều. Bởi khi mặt trời xuống, tầm nhìn trên đường đi xuống sẽ giảm. Ánh sáng gần như không có, gây nguy hiểm cho các kỹ sư.

ADS_1038

Để kịp thời, anh em kỹ sư VMC phải tối ưu từng giờ tranh thủ làm việc. Để sớm lên trạm, từ 6h sáng, các kỹ sư đã có mặt dưới chân núi, nhanh chóng di chuyển để 7h có mặt tại trạm. Mỗi buổi trưa, đôi khi anh em bỏ qua bữa trưa để kịp tiến độ triển khai.

Anh Nguyễn Thành Nam kể: “Nhiều khi không muốn bỏ bữa, nhưng mải làm quá. Đôi lúc thấy anh em kỹ thuật làm không đúng, mình phải ra chỉ tận tay, soi từng tí một vì nếu không cẩn thận dựng lên, trạm đổ gây ra hỏng hóc, vừa mất tiền, vừa không có vật liệu dự phòng, lại mất thêm nhiều thời gian”.

ADS_0922

Sau 2 ngày thi công, trạm cuối cùng cũng được dựng lên, khi đấu nối thiết bị từ trạm điện gió vào trạm điện, nhìn cánh quạt của động cơ điện quay, hệ thống bắt đầu nhận nguồn năng lượng mới, các kỹ sư VMC dường như không còn thấy đói hay mệt mỏi.

ADS_0828

Sau khi hoàn thành chạy thử trạm điện gió mini tại Phú Yên, các kỹ sư VMC sẽ sớm rút ra các bài học, qua đó cải thiện và đưa phiên bản trạm điện gió hoàn chỉnh. Khi được đưa vào hoạt động, trạm điện gió mini sẽ phục vụ mạng lưới Viettel, nhằm giải bài toán xanh hóa mạng lưới. Sau đó, dự án sẽ tạo tiền đề cho các sản phẩm điện gió lớn hơn phục vụ người dân Việt Nam.

Với công suất 1kW, khi đưa vào triển khai thực tế, mỗi trạm BTS sẽ sử dụng từ 1 đến 5 hệ thống điện gió tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện hạ tầng thực tế. Hiện tại, kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống điện gió do VMC chế tạo đạt được nhiều tính năng theo như thiết kế, tương đương với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.

Sau khi ứng dụng thành công năng lượng điện gió vào trạm BTS, VMC sẽ tiến tới làm chủ công nghệ để nghiên cứu chế tạo các loại hệ thống điện gió có công suất lớn hơn (5kW - 50kW) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các vùng ven biển, biên giới, hải đảo.

  • 2612
  • 7

VMC bắt đầu thử nghiệm hệ thống điện gió mini đầu tiên

  • 3221

Ngày này 5 năm trước của Viettel: First Call 5G

  • 592
  • 2

Công ty vốn hóa gần 50 tỷ USD muốn hợp tác nhiều lĩnh vực với Viettel

  • 236

'Thi đua sẽ tạo nên một VTNet mới'

  • 1170
  • 2

Thiết bị 5G Viettel được phân phối tại 9 quốc gia Trung Đông

  • 2576
  • 2
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua