Viettel Family đã đăng lúc 15:04 - 09.09.2022
Đứt cáp trước giờ G
Theo kế hoạch, đúng ngày 9/9/1999, tuyến cáp nối từ Buôn Mê Thuột đến Nha Trang với chiều dài gần 180km phải được thông. Đây là điểm đấu nối cuối cùng, nếu thông mạch xong là thông toàn tuyến. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc khi ấy là Thiếu tướng Hồ Tri Liêm lệnh cho Viettel phải hoàn thành đúng kế hoạch và báo cáo trong giao ban ngày hôm đó.
Đúng 7 giờ sáng ngày 9/9/1999, một trong những cán bộ kỹ thuật đời đầu của Viettel là đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên PGĐ Trung tâm Thể thao Viettel (nay đã nghỉ hưu) gọi điện cho Thiếu tướng Hồ Tri Liêm báo cáo về việc đã thông tuyến toàn mạng. Đúng thời điểm báo cáo xong, vừa dập máy thì anh em chạy ôtô về báo: có xe ôtô tải vừa làm đứt cáp trên đèo. Tá hỏa, đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng cùng anh em tức tốc lên đường ứng cứu.
“Do thời gian quá gấp rút nên một phần cáp ở khu vực đèo Rù Rì của Nha Trang được đặt nổi bên vệ đường thay vì chôn dưới đất”, đồng chí Tùng nhớ lại.
Sau 2 giờ khẩn trương di chuyển đến vị trí gặp sự cố để thay dây, hàn nối, tuyến cáp bị đứt được khôi phục ngay trước giờ G. Anh em thở phào nhẹ nhõm. Bấy giờ nhìn đồng hồ mới thấy thời điểm rất đẹp:
Đúng 9 giờ sáng ngày 9/9/1999.
Thiếu tướng Hồ Tri Liêm - Tư lệnh Binh chủng kiểm tra lắp đặt thiết bị trạm máy trên đường trục thông tin quân sự Bắc - Nam 1A
Việc khó thì chỉ huy phải lên đầu
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, trạm Q12 (Phước Sơn, Quảng Nam) là trạm khó khăn, hiểm trở nhất mà cũng khiến anh em nhớ nhất khi xây dựng và vận hành tuyến cáp 1A.
Làm quân đội thì “quân lệnh như sơn” rồi, trong đầu lúc nào cũng lởn vởn về an toàn thông tin. Khi xây trạm Q12, lắp đặt xong pin mặt trời, anh em đang đứng nghỉ thì thấy phía tít trên cao là một cái cây khá lớn, nhưng trông có vẻ đã mục. Nếu có mưa lũ mà đổ xuống thì nhiều khả năng sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống pin mặt trời bên dưới.
Trạm Q12 nằm ở giữa khu vực hoang sơ, không có điện lưới, chỉ sử dụng pin mặt trời, ắc-quy và máy nổ dự phòng. Nếu hỏng dàn pin mặt trời là cả trạm ngừng hoạt động. Đồng chí Tùng thấy vậy, bảo anh em lên hạ cái cây mục đó xuống cho an toàn. Anh em lính tráng ai cũng lắc đầu ngao ngán: “Thầy ơi, leo cao thế, mà trên đấy lắm vắt lắm!”.
Thấy anh em nói thế, đồng chí Tùng đi giày, buộc chặt ống quần xăm xăm đi trước, leo lên để chặt cây. Chặt được cái cây đó, đi xuống mở ống quần ra thì vắt bám đen cả chân, mà đến bây giờ, cứ nghĩ đến là rùng mình.
“Nếu mình không lên thì khó để quân hăng hái làm, mà để thế thì không được”, đồng chí Tùng nói.
Đưa thiết bị lên trạm 500KV trên núi để lắp đặt tuyến cáp quang 1A năm 1998 tại khu vực Kỳ Anh (Hà Tĩnh)
Chạy lũ ở Q10
Một trong những kỷ niệm khó phai nữa về 1A của đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng là khi tuyến cáp từ trạm của Viettel ở Thủy điện Yaly tới Quân đoàn 3 ở Gia Lai bị đứt, làm mất liên lạc từ Bộ Tư lệnh vào Quân đoàn. Đồng chí Tùng cùng các kỹ thuật viên đã lên xe ô tô, chạy thẳng từ Hà Nội vào khu vực gặp sự cố để hàn nối chỗ cáp bị đứt.
“Chúng tôi đi ô tô từ Hà Nội, mang theo cả thiết bị, đi thẳng vào Gia Lai và xử lý sự cố trong chưa đầy 48 tiếng. Chúng tôi chỉ có một lái xe và phải chạy cả ngày lẫn đêm để đến nơi hàn cáp. Thời gian hàn cáp chỉ mất 1,5 tiếng nhưng thời gian đi đường thực sự kỷ lục”, đồng chí Tùng kể.
Quá trình dựng tuyến cáp quang 1A đã gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc duy trì và vận hành cũng chẳng dễ dàng. Năm 2000, trận mưa lịch sử khiến thành phố Huế ngập nặng. Trạm cáp của Viettel ở Phong Điền cũng có nguy cơ bị ngập. Nước lên quá nhanh khiến các nhân sự tại trạm phải tháo thiết bị đặt lên bàn rồi cũng đứng trên bàn để nâng thiết bị lên cao khỏi mặt nước.
“Tôi có trao đổi với cấp trên là đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và được gợi ý bỏ trạm, đấu tắt dây cáp với nhau. Chúng tôi rút hai đầu cáp quang khỏi máy và nối với nhau đồng thời tăng công suất phát ở hai đầu để đảm bảo thông tuyến. Đây thực sự là giải pháp táo bạo, giúp duy trì liên lạc của phía Nam với Bộ Tư lệnh ngoài Bắc”, đồng chí Tùng chia sẻ.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tùng, ấn tượng lớn nhất trong quá trình xây dựng tuyến cáp quang 1A là sự quyết liệt, tinh thần người lính, làm vì trách nhiệm, không nề hà. Năm 2003, khi Viettel xây dựng hạ tầng cho mạng di động, những tinh thần và giá trị của việc triển khai tuyến cáp quang 1A lịch sử được lặp lại. Những người Viettel lại viết tiếp trang sử mới, tạo thêm những thực tại mới cho chính mình và ngành viễn thông Việt Nam: cuộc cách mạng bình dân hóa dịch vụ thông tin di động.