Xuân Ninh (TCT Bưu chính Viettel) đã đăng lúc 15:50 - 26.11.2024
Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hạ tầng logistics và thúc đẩy giao thương Việt - Trung.
Trước đó, theo Nghị quyết 166/NQ-HĐQT ban hành ngày 4/11/2024 của TCT Bưu chính Viiettel, Công viên Logistics Viettel chính thức được thành lập. Tập đoàn xác định Công viên Logistic trở thành chi nhánh độc lập với chi nhánh Bưu chính Viettel, bên cạnh chi nhánh Viễn thông Viettel và chi nhánh Công trình Viettel tại Lạng Sơn.
Chi nhánh được giao nhiệm vụ đầu tư và kinh doanh các dịch vụ xuất nhập khẩu, kho bãi, vận tải nội địa và quốc tế, cùng thương mại điện tử tại địa phương. Được thiết kế như một cảng cạn tích hợp, Công viên Logistics Viettel không chỉ giúp giảm tải áp lực cho các cửa khẩu biên giới mà còn thúc đẩy kết nối hạ tầng logistics quốc gia.
Lạng Sơn từ lâu đã giữ vai trò trung tâm giao thương quan trọng, là cửa ngõ xuất nhập khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Giai đoạn 2012 - 2017, sản lượng xe qua các cửa khẩu tại đây đạt hơn 440.000 lượt mỗi năm, tương đương 1.235 xe/ngày. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh xảy ra thường xuyên do hạn chế về hạ tầng và nguồn nhân lực, khiến trung bình mỗi ngày có hơn 364 xe phải chờ đợi thông quan.
Để giải quyết những thách thức này, Công viên Logistics Viettel được xây dựng với tổng diện tích 143 ha, tích hợp đầy đủ các chức năng hiện đại như thông quan, bảo quản sau thu hoạch và trung tâm giao dịch nông sản. Dự án ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giúp rút ngắn thời gian thông quan từ 3 ngày xuống chỉ còn 1 ngày và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa từ 1.200 xe/ngày lên 4.000 xe/ngày.
Một điểm nhấn quan trọng của dự án là khu kiểm hóa quốc tế, nơi kết quả kiểm định và kiểm dịch được công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này không chỉ rút ngắn quy trình mà còn giải quyết triệt để tình trạng hư hỏng hàng hóa nông sản do chờ đợi kéo dài. Ngoài ra, dự án còn tích hợp trung tâm livestream thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và tiếp cận sâu hơn với thị trường Trung Quốc.
Công viên Logistics Viettel không chỉ kết nối hạ tầng logistics Việt Nam mà còn đặt nền móng để Việt Nam duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự án còn đóng vai trò chiến lược trong hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt khi kim ngạch thương mại giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và ASEAN trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 92,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kế hoạch, Công viên Logistics Viettel sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026 và trở thành trung tâm logistics hiện đại hàng đầu Việt Nam. Với tầm nhìn dài hạn, dự án không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ logistics quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững.
Đây là minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc đầu tư vào những dự án chiến lược, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.