'Viettel IDC phải không ngừng thay đổi để trở thành doanh nghiệp hàng đầu'

Dương Anh Tuấn (Viettel IDC) đã đăng lúc 22:21 - 05.03.2024

Nhân kỷ niệm 16 năm ngày truyền thống, anh Hoàng Văn Ngọc - Giám đốc Viettel IDC đã có những chia sẻ về con đường đã qua của công ty và những kế hoạch cho chặng đường phía trước.

Viettel IDC đã xác lập là công ty nghìn tỷ trên thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam. Không ngủ quên trên chiến thắng, Viettel IDC đang đặt ra những mục tiêu đầy thách thức, chinh phục cột mốc tỷ USD và vươn ra toàn cầu...

- Nhắc đến IDC của lúc này là nhắc đến một công ty nghìn tỷ, xác lập được vị thế hàng đầu trên thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam. Nhưng hành trình để đạt được điều đó là không hề đơn giản. Anh có thể chia sẻ về những giai đoạn khó khăn nhất

Tại Việt Nam, Cloud gần như là khái niệm hoàn toàn mới vào năm 2014. Ý thức được cần tìm mảng kinh doanh mới, mặc dù trung tâm dữ liệu ở Việt Nam khi đó còn là khái niệm rất xa lạ, lãnh đạo Tập đoàn đã có tầm nhìn sáng suốt khi quyết định thành lập Viettel IDC và bắt tay vào xây dựng 2 trung tâm dữ liệu lớn ở Hòa Lạc và Bình Dương.

Tôi vẫn nhớ, thời kì đó ở thị trường Việt Nam, trung tâm dữ liệu vẫn là onboard, nghĩa là khách hàng tự đầu tư, tự vận hành triển khai. Khái niệm đi thuê nơi chứa cơ sở dữ liệu, trái tim của doanh nghiệp, cho đơn vị khác vận hành hầu như chưa có.

Bắt đầu cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM/Cloud) cũng là một dấu mốc của Viettel IDC, thời điểm đó, thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng về Cloud. Viettel IDC là công ty đầu tiên phát triển và cung cấp dịch vụ Cloud cho doanh nghiệp ở Việt Nam. Sau hơn 8 năm, Cloud là động lực tăng trưởng chính của Viettel IDC. Bằng sự kiên trì, người Viettel IDC đã có thể tự hào với những gì mình gây dựng.

Tại Việt Nam, Viettel IDC tham gia vào thị trường Cloud vô cùng sớm. Khi đó, khách hàng chỉ mới bắt đầu làm quen với khái niệm Cloud. Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Cloud khi ấy hầu hết là các doanh nghiệp FDI lớn và họ ưu tiên các nhà cung cấp nước ngoài như Microsoft, AWS.

Điều này tạo ra trở ngại vô cùng lớn cho Viettel IDC. Tuy nhiên, Viettel IDC đã nhìn ra cách thị trường Cloud phát triển tại Việt Nam, đó là theo xu hướng top-down. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ Cloud từ nước ngoài chỉ nhắm đến các doanh nghiệp FDI lớn.

Dựa vào những đánh giá như vậy, thay vì tập trung vào những doanh nghiệp FDI lớn, Viettel IDC bước đầu hướng đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), những doanh nghiệp có nhiều nhu cầu cho dịch vụ điện toán đám mây nhưng không đủ năng lực tài chính để chi trả cho một hạ tầng dữ liệu của riêng họ.

Tôi nghĩ việc đầu tư sớm cơ sở hạ tầng về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây là những dấu mốc quan trọng cho Viettel IDC để được doanh thu hàng nghìn tỷ như bây giờ. Đây cũng là 2 dấu mốc để đào tạo ra đội ngũ cán bộ trẻ trung, nhiệt huyết, tâm huyết của Viettel IDC.

IMG_7270

- Viettel IDC đã không ngừng lớn mạnh trên thị trường Cloud. Nhưng nhìn về phía trước, anh thấy rằng đâu là thách thức hiện hữu lớn nhất của Viettel IDC?

Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Viettel IDC đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2019 tốc độ tăng trưởng là 42%, năm 2020 là 23%, năm 2021 là 11%, năm 2023 là 13%. Tỷ suất lợi nhuận ngày càng giảm, từ 26% giờ chỉ còn 20%. Nguy cơ tốc độ này về dưới 1 chữ số không còn xa, nếu vẫn giữ nguyên thị trường, cách làm và mảng kinh doanh truyền thống, Viettel IDC sẽ biến mất sau 3 năm nữa.

Phía trước Viettel IDC, thị trường đang rất rộng mở. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng Cloud và DC. Dư địa tăng trưởng cho 10 năm nữa là rất lớn với tốc độ của mảng DC là 15%/năm, và Cloud là 22%/năm, mảng MSSP là 26%/năm. Và như vậy, chúng tôi đang chưa theo kịp thị trường. Thị trường rộng mở nhưng rõ ràng sẽ có sự chọn lọc và không dành cho kẻ trung bình. Nếu Viettel IDC muốn thực sự dẫn dắt phải bắt đầu lại, phải thay đổi rất nhiều nếu không sẽ bị tiêu diệt, bị thay thế.

Đó là thách thức lớn mà mỗi người Viettel IDC đã nhìn nhận ra và đang nỗ lực vượt qua nó!

b67d67309c60303e6971

- Thay đổi để tồn tại, thay đổi để vươn xa, anh có thể làm rõ hơn những giá trị này?

Khẩu hiệu năm 2024 Viettel IDC lựa chọn là “Thay đổi để tồn tại, thay đổi để vươn xa”, 10 chữ này tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Thay đổi được nhấn mạnh 2 lần, nói lên sự cần thiết phải thay đổi và chắc chắn phải thay đổi. Thay đổi cho hiện tại, thay đổi để sinh tồn, thay đổi còn để Viettel IDC đi xa hơn. 15 năm qua Viettel IDC đã viết lên câu chuyện của chính mình, khẳng định tên tuổi là số 1 thị trường, tạo tiếng nói dẫn dắt trên thị trường cũng như tạo ra giá trị cho Tập đoàn và xã hội.

Tuy nhiên tương lai không nằm trên đường từ quá khứ, khát vọng mới, tương lai mới của Viettel IDC từ năm thứ 16 cần phải viết lại từ bây giờ và ngay lúc này.

- Chiến lược Go Global phải chăng là một sự thay đổi mà Viettel IDC đang muốn triển khai?

Đúng vậy. Viettel IDC bắt đầu với sự thay đổi về thị trường, tư duy làm sản phẩm phải hướng ra quốc tế, thay đổi cách tiếp cận để Go Global, Viettel IDC sẽ đi nước ngoài một cách quyết liệt. Thị trường hướng đến đầu tiên là Campuchia và các nước Đông Nam Á, chúng ta sẽ khảo sát đánh giá thị trường khác nữa và tiến hành đầu tư nếu có cơ hội. Câu hỏi là trong nước làm chưa hết mà sao phải đi nước ngoài, nếu quay lại thời khắc Viettel quyết định đi ra nước ngoài từ 2006 khi đó ở thị trường Việt Nam, viễn thông đang tăng trưởng.

Chính lúc đang tăng trưởng và thành công là lúc dễ kiêu binh và thoả mãn nhất, nhưng Viettel đã không chọn sự an nhàn mà lựa chọn thách thức đi đầu tư nước ngoài và thành quả bây giờ là chúng ta đã có 10 thị trường nước ngoài, với dân số 250 triệu người, doanh thu hàng năm 3,5-4 tỷ USD. Đó chính là động lực cho Viettel IDC mạnh dạn đi nhanh ra nước ngoài, bởi chúng ta đã có độ chín về lĩnh vực này ở VN, hoàn toàn có đủ tự tin để đi ra nước ngoài đầu tư.

4513835e780ed4508d1f

- Go Global đồng nghĩa đối thủ cạnh tranh sẽ nhiều hơn, Viettel IDC có lợi thế/thế mạnh gì để cạnh tranh được trong cuộc chơi toàn cầu này?

Động lực từ sự thành công của Viettel khiến Viettel IDC mạnh dạn, ngoài ra Viettel IDC cũng tự tin mình sở hữu những thế mạnh mà không phải đơn vị nào cũng có được khi khai phá thị trường nước ngoài.

Đó là bộ Gen trội được thừa hưởng từ Viettel mẹ, kết hợp giá trị của 2 Tập đoàn lớn (Viettel & Chunghwa Telecom); Viettel IDC luôn ý thức cạnh tranh & tồn tại, thực dụng, đặt hiệu quả lên hàng đầu; Sáng tạo, cởi mở, hợp tác, linh hoạt, nhạy bén hướng thị trường và dám tiên phong, có khát vọng tự chủ và dẫn dắt.

Đó là năng lực lõi DC & Cloud đã hình thành, tích lũy qua 15 năm, trở thành tri thức của tổ chức với Knowledge base (Hệ thống 206 quy trình, quy định, tài liệu hướng dẫn, đào tạo; 11 bộ tiêu chuẩn ngành theo chuẩn quốc tế); Data base (Pain point của ngành, thất bại & bài học kinh nghiệm, use cases, bí kíp ngành về pricing, offering, packaging,…), kết hợp tri thức bên ngoài từ hơn 20.000 Khách hàng, 92 đối tác/hãng công nghệ lớn (VMware, Fortinet, Palo Alto, Radware…) am hiểu thị trường, đối thủ cạnh tranh, tri thức từ các đối tác/cố vấn, chia sẻ với các bên liên quan, từ các hội nghị, hội thảo..

Đó là hệ sinh thái mở, đa dạng (60 sản phẩm dịch vụ, nền tảng mở, kết nối nhanh, linh hoạt với các sản phẩm công nghệ khác, 60% sản phẩm có thể nhân bản ra thị nước ngoài); giá trị khác biệt (làm chủ công nghệ lõi DC & Cloud từ thiết kế, triển khai, vận hành, tối ưu, tùy biến, smart pricing theo thời gian thực…), công cụ tự động, toàn trình, đa dạng ngôn ngữ.

Và quan trọng nhất, Viettel IDC có lợi thế vượt trội với thương hiệu Viettel, cộng hưởng hệ sinh thái chung của Tập đoàn với nhiều tên tuổi công nghệ lớn: VTNet, VTS, VCS, VTAI,… cũng như có thể vươn tới quy mô thị trường, khách hàng, đối tác toàn cầu của Viettel.

2e33b8754325ef7bb634

- Chặng đường ấy sẽ rất gian nan, chông gai và đầy thách thức. Liệu cơ hội có dành cho Viettel IDC hay không?

Chặng đường tiếp theo Viettel IDC có quá nhiều con đường để đi, có quá nhiều cơ hội để làm và thể hiện mình. Chặng đường phía trước là rộng rãi nhưng chỉ dành cho kẻ dám đi, dám làm và không dành cho người yếu đuối. Năm 2024 ngoài xây dựng chiến lược chuyển đổi hình thức Công ty sang công ty cổ phần, xây dựng chiến lược cho giai đoạn mới, kêu gọi cổ đông mới, Viettel IDC sẽ tận dụng thời cơ để bứt phá các mảng kinh doanh truyền thống là thế mạnh: lọt Top những nhà cung cấp DC tại khu vực Đông Nam Á, chủ động tìm kiếm, xây dựng cho mình những DC đủ lớn, đủ tiêu chuẩn. 

Mảng Cloud phải khai thác và tận dụng lợi thế từ các chính sách quản lý dữ liệu, chính sách bảo hộ dữ liệu của chính phủ để thuyết phục được khách hàng từ Bigtech chuyển về Viettel IDC bằng chính các sản phẩm và giải pháp, tính năng do Viettel IDC đã làm chủ. Tiếp tục tập trung cho chiến lược MSP và MSSP trong nước, tạo tiền đề cho việc tiến ra thị trường nước ngoài.

5514da0e0d5ea100f84f

- Để hiện thực hóa những khát vọng đó, nhân kỷ niệm 16 năm ngày truyền thống của Viettel IDC, anh có điều gì muốn gửi gắm đến CBNV của mình?

Thay mặt Đảng ủy, Ban giám đốc, tôi gửi lời cảm ơn đến các thế hệ lãnh đạo đi trước, CBNV các thời kì của Viettel IDC. Dù cho đang ở lại, đã ra đi hay chuyển công tác, mọi người cũng là một phần không thế thiếu, góp công sức trong hành trình phát triển của Viettel IDC. Cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn các thời kì đã tạo dựng nền móng vững chắc, hỗ trợ Viettel IDC suốt 15 năm qua. Cảm ơn các cơ quan, đơn vị trong Tập đoàn, các đơn vị bạn đã đồng hành, chia sẻ cùng Viettel IDC trong chặng đường phát triển.

Năm 2023 đã khép lại với những sự kiện, những con số về doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền chúng ta đều đạt. Nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi, để lại phải tập trung cho mục tiêu mới 2024. Một năm mà tôi đánh giá là còn quan trọng và khó khăn hơn năm 2023. Năm 2024 là năm đầu tiên bắt đầu chặng đường 15 năm tiếp theo, nếu coi Công ty là trường tồn tức trên 50 tuổi thì chúng ta đang ở chặng thứ 2, đây là chặng đi quan trọng quyết định 30 năm tiếp theo.

Đây là thời khắc quan trọng, thời khắc của sự đồng lòng, sự dấn thân và sự cống hiến với tinh thần phụng sự bởi cơ hội phía trước chúng ta là quá lớn, không hiểu sao nhưng tôi thấy chúng ta có quá nhiều cơ hội, quá nhiều đất để diễn. Hãy thôi phàn nàn đi, hãy thôi kể lể đi, ai cũng vẫn phải giữ được tinh thần người lính, tinh thần chiến đấu, tinh thần vì tập thể. Chỉ có người ngồi chờ thì sẽ mãi không tiến lên được, sẽ không có kết quả tốt cho những người chỉ biết than vãn, ngồi chờ, không dám nói, không dám làm những gì mình cho là đúng.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

  • 2160
  • 4

Viettel IDC đưa sách bút đến với thầy trò bản xa

  • 1633

Viettel IDC hợp tác chiến lược với quỹ SAM của 'shark' Louis Nguyễn

  • 3142

Viettel IDC hợp tác chuyển đổi số cùng cùng SSI Solutions

  • 546

Giá trị của Movitel: Hơn cả một nhà mạng

  • 444

Công nghệ VoIP và bước ngoặt chuyển mình của Viettel

  • 468

'Vì Viettel tôi sẽ…' không ngừng tìm kiếm chủ nhân của 35 giải thưởng

  • 238

Chủ tịch Tào Đức Thắng giao 6 nhiệm vụ lớn cho Mạng lưới Viettel

  • 1293
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua