Đức Mạnh (TCT Công trình Viettel) đã đăng lúc 11:25 - 30.10.2023
Trước thềm sinh nhật tuổi 28, VCC vinh dự được Vietnam Report công bố vươn lên vị trí 206 trong bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2023. Kết quả này là món quà ý nghĩa vừa là lời khẳng định cho quá trình nỗ lực của hơn 11.000 CBNV VCC suốt chặng đường vừa qua.
Trong thời gian gần đây, VCC liên tục đón các đoàn Quỹ, nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Canada, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ,… nhằm mục tiêu đẩy mạnh cơ hội hợp tác trong kế hoạch Go Global. Trong ngắn hạn, VCC sẽ thành lập văn phòng đại diện và Công ty đầu tiên tại thị trường Australia.
Tại buổi làm việc với các Quỹ và nhà đầu tư, TGĐ VCC Phạm Đình Trường cho biết dự kiến hết năm 2023, Tổng Công ty đã có thể hoàn thành mục tiêu doanh thu Đại hội đồng cổ đông đặt ra cho năm 2025 là 11.300 tỷ đồng. Đến năm 2025, doanh thu VCC có thể lớn hơn hoặc bằng 15.000 tỷ đồng và đạt 25.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VCC đạt doanh thu 8.104 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 78,4% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 467 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch, VCC đã thực hiện 76,1% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Nhìn lại chặng đường 5 năm trở lại đây, VCC đã có những thành công ấn tượng khi tăng trưởng bất chấp các yếu tố như đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh thế giới,… Kết quả này đến từ chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro đúng đắn của Tổng Công ty, kết hợp các yếu tố văn hóa, quản trị hệ thống.
Cơ hội thị trường và tiềm năng từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh
Hiện nay, VCC đang kinh doanh dựa trên 6 lĩnh vực trọng yếu. Trong đó, lĩnh vực vận hành khai thác đóng góp tỷ trọng lớn nhất với 4.214 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ 2022. Lĩnh vực xây lắp đóng góp 2.286 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng, chiếm 28% và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng doanh thu năm 2023 có sự dịch chuyển nhất định, nhất là lĩnh vực xây lắp tăng từ 26% (năm 2022) lên 28% (năm 2023) so với cùng kỳ. Đối với hoạt động xây dựng dân dụng, VCC đã ký kết 1.400 tỷ các hợp đồng B2B, tương đương 70% kế hoạch cả năm. Bên cạnh đó, ký kết 1.067 hợp đồng B2C và SME sau 9 tháng, giá trị gần 750 tỷ đồng.
Tổng Công ty liên tục mở rộng các chủ đầu tư mới trong lĩnh vực bất động sản như: HG Holdings, Danh Việt Group,… Các công trình xây dựng của hộ gia đình đã đạt đến độ phủ nhất định để người dân trở nên quen thuộc với dịch vụ xây trọn gói của VCC. Lũy kế tỷ lệ phủ công trình do VCC thi công đạt 656/701 huyện (94%); 2.345/10.609 xã (22%).
Đối với lĩnh vực đầu tư hạ tầng, tỷ trọng doanh thu dịch chuyển từ 3% (năm 2022) lên 4% (năm 2023). Công ty giữ vững vị thế là TowerCo số 1 Việt Nam với 5.720 trạm BTS. Khi công nghệ 5G bùng nổ thì VCC sẽ có thêm cơ hội đầu tư các trạm mới.
Điểm khác biệt của VCC là hiệu quả, cụ thể thời gian hoàn vốn đầu tư hạ tầng của VCC rơi vào khoảng 5 năm, lợi nhuận trước thuế trên doanh thu ở khoảng 20 - 30%.
Các lĩnh vực giải pháp tích hợp, dịch vụ kỹ thuật đồng thời khai thác chéo được tệp khách hàng xây dựng dân dụng của VCC thông qua hoạt động giới thiệu của các hộ gia đình đã sử dụng.
Tinh thần kỷ luật và yếu tố quản trị
Khó khăn, biến động của thị trường những năm vừa qua đã giúp đội ngũ nhân sự VCC được tôi luyện, trưởng thành qua những thách thức. Điều này một phần phản ánh tinh thần kỷ luật của đơn vị. Với 8 giá trị cốt lõi của người Viettel làm nền tảng, CBNV VCC còn luôn có bộ 6 tiêu chí phẩm chất làm kim chỉ nam trong công việc: Tâm thế tốt nhất; Kỷ luật nghiêm nhất; Tri thức tốt nhất; Thích ứng nhanh nhất; Thực thi tốt nhất; Hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó là sự nhất quán trong công tác quản trị với hệ thống hơn 11.000 người và 63 chi nhánh, 400 trung tâm quận/huyện: 3 Cores (Chiến lược, Con người, Thực thi), 4 Factors (Con người, Quy trình, Công nghệ, Quản trị); 3 Keys (Kênh bán, Kênh triển khai, Kênh kiểm soát chất lượng).