VTNet 'khai sinh' đường trục lớn nhất VIệt Nam

Hà Phương, Năng Thuận (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 08:50 - 17.12.2023

Một cột mốc mới được ghi lại trong lịch sử mạng lưới Viettel khi VTNet chính thức khai sinh đường trục quốc gia 1E với công nghệ hiện đại nhất và dung lượng lớn nhất Việt Nam.

Dịp kỷ niệm ngày Truyền thống Tổng Công ty Mạng lưới Viettel dường như đã trở thành cột mốc để những người làm nghề truyền dẫn một lần nữa đặt dấu ấn cho những dự án đường trục quốc gia của mình. Sau thành công của việc tái sinh đường trục 1A, giờ đây, trước thềm kỷ niệm 22 năm thành lập VTNet, ngành Truyền dẫn tiếp tục làm nên lịch sử với việc khai sinh trục quốc gia 1E.

Thách thức đè nặng lên những đường trục

Theo tính toán, các trục quốc gia huyền thoại là 1A, 1C, 1D và 2B hiện nay đã đạt tới giới hạn. Về cơ bản, các đường trục sẽ không đáp ứng được dung lượng phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và mở rộng không gian kinh doanh đến năm 2024 - năm được dự đoán sẽ là sự bùng nổ của dịch vụ Cloud và 5G. Không có hạ tầng lẫn công nghệ đáp ứng đủ, các đường trục Quốc gia “vô tình” có thể trở thành lực kéo ngược chiều, làm chậm bước tiến của Viettel trên hành trình thực hiện sứ mệnh tiên phong kiến tạo xã hội số. Đây là thách thức lớn với mạng Truyền dẫn nhưng cũng là cơ hội để các kỹ sư VTNet dám đương đầu với khó khăn và tạo ra sự thay đổi, giúp các đường trục đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong nhiệm vụ “mang vác” của mình.

Không chỉ đạt tới giới hạn, việc xảy ra sự cố đã trở thành chuyện “cơm bữa” với 2/4 đường trục Quốc gia. Chỉ tính riêng đường trục 1D trong 1 năm đã xảy ra đến 108 sự cố, gây ra tổng thời gian gián đoạn là 720 giờ, khiến cho mạng lưới và lực lượng vận hành khai thác luôn trong tình trạng quá tải và rủi ro cao. Đây cũng có thể là minh chứng rõ nhất cho sự già cỗi của các đường trục khi tính đến nay đã là gần 15 năm kể từ khi Viettel sản sinh ra một đường trục mới (trục 1D). Yêu cầu về một đường trục Quốc gia sẵn sàng nhiệm vụ “mang vác bền vững” càng trở thành điều cấp thiết hơn bao giờ hết.

Vì lẽ đó, năm 2022, trước xu thế bùng nổ về dịch vụ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT). Sau cuộc gặp gỡ, Chủ tịch Tập đoàn đã thống nhất và đưa ra định hướng triển khai đường trục Bắc-Nam bằng cáp quang trên đường dây cao thế 220kV. Nhiệm vụ khai sinh đường trục 1E chính thức được hình thành.

Từ Bắc chí Nam

Đến cuối năm 2022, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý giữa Viettel và EVN, các kỹ sư truyền dẫn VTNet đã bắt tay vào cụ thể hóa các công việc để hình thành nên đường trục mới.

Dù đã có kinh nghiệm triển khai các đường trục từ thế hệ đi trước nhưng đây chắc chắn không phải công việc dễ dàng. Thách thức đầu tiên gõ cửa là VTNet phải hoàn thành triển khai và đầu tư mua sắm vật tư thiết bị trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, thủ tục này lại bị chậm đến hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu (tháng 3/2022) khi chiến lược 5 năm của Tập đoàn được phê duyệt chậm và hàng hóa của đối tác cũng đến trễ. Phải đến tháng 8/2023, các kỹ sư Truyền dẫn mới có đủ vật tư thiết bị để bắt đầu triển khai đường trục.

1e7

Các kỹ sư Truyền dẫn VTNet họp triển khai nhiệm vụ trước khi lên tuyến.

Công tác phối hợp triển khai với các đơn vị của EVN tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục ra vào các trạm biến áp 220/500kV. Thậm chí việc phê duyệt phương án thi công cho từng vị trí cũng kéo dài đến cả tháng. Đến được giai đoạn triển khai cũng phát sinh liên tục những điều chỉnh mới như EVN không cho đặt thiết bị tại phòng máy thông tin trong các trạm biến áp 220/500kV, dẫn đến nhóm thiết kế phải thay đổi phương án chuyển từ phòng máy EVN ra phòng máy Viettel.

Trong khi đó, công nghệ của 1E lại mang sự khác biệt lớn so với các đường trục trước đây. Thiết kế trục 1E yêu cầu chất lượng tuyến cáp rất cao (suy hao trung bình ≤ 0.21dB/1km tại bước sóng 1550nm tốt hơn 50% so với các tuyến cáp cũ) để đảm bảo chạy được 800G/bước sóng, sẵn sàng lên công nghệ 1-1.6Tbs/bước sóng

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu triển khai trục 1E, VTNet và ngành truyền dẫn đã có những cách làm chi tiết và tỉ mỉ từng bước. Trước tiên, để giải bài toán về hạ tầng, chuyển thiết bị từ phòng máy EVN sang Viettel, các kỹ sư phải phối hợp chặt chẽ với ngành hạ tầng khẩn trương cải tạo và xây mới nhà trạm cùng 16 phòng máy, nguồn điện, triển khai kéo mới 36 tuyến cáp quang để đạt mục tiêu hoàn thành chỉ trong vòng 3 tháng.

Sau khi đánh giá các rủi ro và thách thức, PTGĐ VTNet Nguyễn Văn Quyết đã tổ chức họp và giao nhiệm vụ chi tiết đến từng cá nhân, đơn vị tổ chức điều hành triển khai hạ tầng. Theo đó, các kỹ sư VTNet sẽ thực hiện tiếp nhận 856km sợi quang từ EVN và tổ chức 6 đội kỹ thuật lên tuyến, chia đều 3 khu vực từ Bắc chí Nam để thực hiện đo kiểm, sửa sợi và tác động 120 măng xông OPGW trên tuyến, đáp ứng hoàn toàn 2.200km cáp quang.

1e 4

Các Kỹ sư Truyền dẫn tổ chức đi tiếp nhận sợi quang tại trạm biến áp 220kV Tuy Hòa...

Các kế hoạch triển khai được lập lên bài bản, chi tiết từ chuẩn hóa thiết kế, các tham số hệ thống, mô hình triển khai cho các trục với thiết kế, công nghệ hoàn toàn mới đến triển khai đấu nối, khai báo, cấu hình thiết bị và thông tuyến. Cùng với đó, là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, các cuộc họp đột xuất thường xuyên được tổ chức để kịp thời chỉ đạo, điều hành giải quyết các vướng mắc và khó khăn để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bám sát, chủ động hơn trong việc phối hợp với EVN, các kỹ sư truyền dẫn cũng chủ động tổ chức hơn 10 cuộc họp giữa các đơn vị thuộc hai Tập đoàn theo phân cấp để phối hợp sắp xếp lịch cắt điện để trèo cột, tác động măng xông và hàn nối thông tuyến nhằm thao tác đảm bảo an toàn. Ngay cả trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhóm kỹ sư truyền dẫn vẫn không ngại ngần lên đường thực hiện nhiệm vụ trong thời gian EVN có kế hoạch cắt điện.

Untitled design (1)-1

CBNV thuộc TT Kỹ thuật Toàn cầu, Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 1,2,3 sửa sợi trên tuyến bất kể ngày đêm.

Trong chặng hành trình viết nên “giấy khai sinh” cho đường trục 1E, các kỹ sư truyền dẫn của TT Kỹ thuật Toàn cầu và các TT Kỹ thuật KV1,2,3 như lạc vào một không gian khác khi chẳng còn phân biệt ngày đêm, giờ làm việc hay giờ nghỉ để thực hiện công tác sửa sợi trên tuyến. Đ/c Phạm Trung Kiên - TT Kỹ thuật Toàn cầu còn tức cảnh sinh tình, cao hứng làm thơ khi thực hiện nhiệm vụ. Trăng còn có đêm rằm, lúc tròn khi khuyết. Anh em truyền dẫn treo mình trên cột không quản ngày đêm. Nhìn vầng trăng tròn, anh em càng trông mong ngày tuyến trục hoàn thành.

Bốn trục cao tải Bắc Nam

Bao năm truyền dẫn chưa làm tối ưu

Anh em mạng cáp tham mưu

Khai sinh đường trục điểm ưu hơn nhiều

Thành công phải kể những điều

Anh em thông tuyến bao nhiêu đêm ngày

Gian lao vất vả ai hay

Nắng trưa sương gió mưa bay ào ào

Rừng xanh biển lớn non cao

Miền trung, miền Bắc nối vào miền Nam

Làm sao cho kịp cuối năm

Anh xây đường trục lo chăm chừng nào

Cột cao thì mặc cột cao

Quyết tâm thông trục làm sao kịp dùng

Do tính chất quan trọng của đường trục và yêu cầu cao được đặt ra cho chất lượng tuyến cáp, anh em kỹ sư truyền dẫn đã ròng rã làm việc ngày đêm trên tuyến, thậm chí có nhiều hôm phải “đấu tắt” - thuật ngữ anh em hay dùng để chỉ việc không ăn trưa, làm liên tục từ sáng đến tối mới về. Thuật ngữ này sinh ra bởi các tuyến đường dây cao thế toàn đi trên núi cao, đơn cử tại tuyến 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, đoạn tại Cam Ranh có đến 6 khoảng cột có vị trí cột nằm trên núi cao, anh em phải đi bộ hơn 3km leo núi, băng rừng để lên đến được chân cột xử lý suy hao tại măng xông trong khi EVN chỉ duyệt cho thời gian cắt điện trong vòng 1 ngày. Nếu còn dừng lại ăn uống, nghỉ ngơi, chắc chắn công việc ấy sẽ không thể hoàn thành.

Điểm đặc biệt của người Viettel là chị em phụ nữ cũng chẳng ngại ngần xông xa lên tuyến, sát cánh cùng anh em thực hiện những công việc vất vả. Bông hồng hiếm hoi của ngành truyền dẫn - Đ/c Nguyễn Thị Kim Liên cũng tâm sự: “Chuyến này đi cũng học được nhiều bài học kinh nghiệm lắm. Nhớ nhất là khi đấu nối thiết bị tại trạm NDH5001, 1 đầu patchcord bị bụi bẩn mặc dù là hàng nguyên kiện nên anh em phải xử lý mãi đến tận 23 giờ đêm mới phát hiện ra. Vậy nên kể từ đó, anh em đã rút kinh nghiệm và thực hiện thông suốt từ Nam Định đến Đà Nẵng chỉ trong 1 tuần”.

1e 5

Bông hồng truyền dẫn VTNet tham gia quá trình thông tuyến thực hiện đấu nối và cấu hình thiết bị tại THA0024.

1E chính thức được “khai sinh”

Dù mang trong mình “một thuyền kinh nghiệm” triển khai các đường trục nhưng khi thông những link đầu tiên, các kỹ sư VTNet đã chẳng thể “đầu xuôi để đuôi lọt”. Mọi thứ xảy ra đều trái ngược với tất cả những logic lý thuyết mà anh em từng biết, khiến ai nấy đều hiển hiện rõ chữ hoang mang trên mặt. Mất tới 2-3 ngày mà link mãi chẳng thể thông dù tuyến cáp tốt, đo kiểm không có vấn đề gì. Mãi sau anh em mới tìm ra là trong quá trình sản xuất card tại nhà máy, đối tác đã sơ xuất đấu nhầm bên trong card – điều mà không kỹ sư truyền dẫn nào tưởng tượng nổi có thể xảy ra.

Sau khi đã làm kỹ xác minh được nguyên nhân vấn đề và cách xử lý, gánh nặng được giải tỏa và nhóm tự tin vào khả năng của mình hơn sau khi vượt qua những thách thức, thất bại. Mỗi một lỗi, mỗi một vấn đề gặp phải đều được tích lũy thêm vào kho tri thức và kinh nghiệm xử lý của nhóm. Nếu những link đầu tiên có khi phải mất tới 2-3 ngày để thông và xử lý lỗi thì với những link tiếp theo, cả đội đã có đủ kinh nghiệm để đảm bảo 1 ngày thông xong 2-3 link.

Cũng từ đó, mỗi trạm, mỗi link hoàn thành thông xong là nhóm cảm thấy con đường như ngắn lại, đích đến được hiện ra gần hơn, nhìn thấy rõ ràng hơn “hình hài” của hệ thống. Như một bà mẹ mang thai đứa con thân yêu của mình, sau mỗi ngày, qua mỗi chặng đường, đứa con thân yêu đó lớn dần lên. Cho đến ngày được thấy rõ hình hài của con mình, mọi vất vả, mọi khó khăn đã qua đều là xứng đáng.

20 giờ 28 phút ngày 24/11, link cuối cùng kết nối từ Đồng Nai đến Tp. Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Đường trục 1E chính thức thông toàn tuyến. Lúc này, trong lòng mỗi kỹ sư VTNet đều trào dâng niềm vui sướng kỳ lạ, cũng giống như cảm giác lần đầu tiên được chào đón đứa con thân yêu của mình sau khi vượt qua bao khó khăn, vất vả lúc “thai nghén”.

Đích đến đã về đến nơi, khối lượng công việc đã gần như hoàn thành. Cảm giác hạnh phúc nhất là khi lên xong kênh test đầu tiên và được chứng kiến chất lượng của kênh trên hệ thống mới tốt hơn tất cả những gì trên hệ thống cũ mình đang cóm, chắc chắn là là niềm vui tuyệt vời nhất đối với những kỹ sư truyền dẫn. Bởi lẽ sinh ra một đứa con đã là điều tuyệt vời, nhưng khi “kiểm tra sức khỏe” xong thấy con mình thực sự khỏe mạnh và có một tương lai hứa hẹn thực sự là điều ao ước và mong mỏi của tất cả những ông bố, bà mẹ trên thế giới này.

WhatsApp Image 2023-12-16 at 11.14.51

Chỉ một hình ảnh gửi vào nhóm chung cũng đủ khiến những người truyền dẫn VTNet vui sướng đến quên ăn quên ngủ.

1E sẽ viết nên tương lai

Về công nghệ, 1E được triển khai với công nghệ mới nhất là 800G/bước sóng hiện nay và đạt đến 1-1.6Tb/s theo nhu cầu, tổng dung lượng trục có khả năng đạt tới gần 30Tb/s, gấp 3 lần dung lượng trục Bắc - Nam hiện nay và trục được tự động công tác vận hành khai thác. Với 1E,  Viettel đã trở thành đơn vị duy nhất có được đường trục trên hạ tầng tuyến cáp quang này ở Việt Nam. Khi sở hữu 4 tuyến cáp đường dây truyền tải cao thể 220/500kV, ta hoàn toàn có thể đảm bảo dung lượng phục vụ kinh doanh, phát triển mạng lưới trong 5-10 năm tiếp theo, đặc biệt khi dịch vụ 5G, Cloud bùng bổ, đảm bảo độ bền vững và kiên cố, phục vụ công tác phòng chống thiên tai xảy ra hàng năm, kịp thời giải nghẽn cho các trục 1A, 1C, 2B.

Từ bây giờ, 1E sẽ là đường trục Quốc gia mới nhất, sử dụng công nghệ hiện đại nhất và dung lượng lớn nhất Việt Nam. Sứ mệnh của 1E là sẵn sàng đáp ứng hạ tầng truyền tải “mang vác bền vững”, phục vụ công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ trong Tập đoàn trên hành trình kiến tạo xã hội số của Viettel. 1E là tiền đề để Viettel triển khai tái cấu trúc kiến trúc trục theo lộ trình đến 2025, tầm nhìn đến 2030, đáp ứng theo lộ trình báo cáo chiến lược đến 2025, định hướng đến năm 2030 của mạng truyền tải đã được Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn phê duyệt. Đây là lời khẳng định về sự chủ động của lực lượng kỹ sư ngành Truyền dẫn trước sự thay đổi to lớn về dịch vụ, đảm bảo hạ tầng luôn luôn đi trước để sẵn sàng phục vụ kinh doanh. 1E cũng đánh dấu sự hợp tác bền vững giữa Viettel và EVN bằng việc hai đơn vị hỗ trợ và phối hợp triển khai 2 đường trục mới - trục 1E của Viettel và trục DWDM 100G của EVN.

Tiếp nối những thành công, những năm tới các kỹ sư ngành truyền dẫn tiếp tục khẳng định sự đoàn kết hơn nữa, sáng tạo hơn nữa và chủ động làm chủ của mình trước những yêu cầu khắt khe của dịch vụ, để sứ mệnh “mang vác” của mình trở nên thông minh, bền vững, kiên cố hơn nữa.

  • 1742
  • 34
  • 9

22 dấu son lịch sử mạng lưới Viettel

  • 1199

Kỹ thuật tuyến đầu tại Huế dầm mình trong nước mưa để bảo vệ mạng lưới

  • 1861
  • 1

Người Viettel đồng hành cải thiện chất lượng mạng lưới

  • 2449
  • 2

Ngắm bộ huy hiệu kỷ niệm 35 năm trên trang phục của người Viettel

  • 155

Internet cáp quang của Viettel phủ trọn ‘vùng lõm' cuối cùng tại TP.HCM

  • 248

Sản phẩm của Viettel Media vào top 10 chương trình thực tế nhiều tương tác nhất

  • 326

Giá trị của Movitel: Hơn cả một nhà mạng

  • 718
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua