PGĐ VTCC Đặng Đức Thảo: Cuộc sống luôn cần những “nút tái tạo”

Đặng Đức Thảo (Trung tâm Không gian mạng Viettel) đã đăng lúc 17:52 - 23.09.2022

Khi Satya Nadella được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Microsoft vào tháng 2/2014, vốn hoá của công ty chỉ đạt 311 tỷ USD và được cho là “đã hết thời”. Microsoft, từ một công ty thống trị thị trường vào những năm 90, đã bỏ lỡ các cơ hội quan trọng như sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp di động và mạng xã hội. Công nghệ đám mây lúc đấy vẫn còn là khái niệm chưa được coi trọng và thấu hiểu đầy đủ trong chiến lược phát triển công ty.

“Nhấn nút tái tạo - Hành trình tìm lại linh hồn cho Microsoft và định hình tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người” được viết bởi Satya Nadella và GregShaw, Jill Tracie Nichols, là một câu chuyện về sự chuyển mình trong nội bộ Microsoft, trong công cuộc tháo bỏ cái khung cũ kỹ đã thất bại trên thị trường, tạo ra một Microsoft “mới”. Cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times đã mang lại cho độc giả không chỉ các triết lý về quản trị mà hơn thế là nguồn cảm hứng, sự quyết tâm thay đổi, “tái tạo” của mỗi cá nhân, tổ chức.

Các bài học lớn được đề cập trong cuốn sách bao gồm tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, sự quyết tâm thay đổi - không bám vào thành công của quá khứ, tư duy hợp tác.

Sự phục hưng của văn hóa Microsoft

Đảm nhận vai trò CEO, Nadella xác định cần phải nỗ lực thực hiện một cuộc cải tổ toàn diện Microsoft, không chỉ trong các chiến lược, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh mà quan trọng là cả văn hóa làm việc và ý thức về sự thích nghi nhanh chóng.

Nadella chia sẻ “Tôi thích nghĩ chữ C trong CEO là thể hiện văn hóa (Culture). CEO chính là người quản lý và giữ gìn văn hóa. Mọi thứ đều là có thể đối với một công ty khi văn hóa của nó là lắng nghe, học hỏi và khai thác sự đam mê tài năng của mỗi cá nhân để đạt được sứ mệnh của công ty”.

Nadella đã đặt mục tiêu tìm lại văn hóa cốt lõi của Microsoft tập trung quanh việc thực hiện tư duy phát triển hàng ngày với ba cách thức khác biệt:

- Hết lòng vì khách hàng: nhấn mạnh về việc thực hiện lắng nghe, học hỏi về khách hàng và lĩnh vực kinh doanh của họ với tâm thức của người mới học, sau đó đưa ra những giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu của họ.

- Xây dựng sự đa dạng và hòa nhập: khuyến khích, chấp nhận những ý kiến, quan điểm khác nhau trong tư duy và cách ra quyết định; qua đó giúp mỗi người có tư duy rộng mở nhận thức được sự thiên vị của mỗi cá nhân để thay đổi hành vi, tận dụng sức mạnh tổng hợp của tất cả mọi người.

- Xóa bỏ hình ảnh Microsoft là một tập hợp lãnh địa của những lãnh chúa, để tạo ra một gia đình, thống nhất với một sứ mệnh chung duy nhất.

tái tạo

Không bám vào thành công trong quá khứ, xây dựng chiến lược đám mây và xa hơn nữa

Khi hội đồng quản trị bổ nhiệm Nadella thay thế vị trí của Ballmer, Microsoft dường như đang sa vào vũng lầy bởi sự suy giảm của Windows, sản phẩm từng chiếm hơn 90% thị phần trong thời kỳ đỉnh cao. Windows vẫn là sản phẩm cực kỳ sinh lời - Microsoft đã đặt ra một mức phí bản quyền cho gần như mọi máy tính để bàn và máy tính xách tay được bán ra. Nhưng máy tính cá nhân đang ngày càng bị iPhone và các thiết bị Android thay thế (ngay cả hiện tại, Windows vẫn là nhánh kinh doanh thu về 20 tỷ USD một năm). Tuy vậy trong nội tại Microsoft, mọi hướng đi hứa hẹn đều bị cuốn vào vòng xoáy Windows. Các sản phẩm mới không ngừng được gắn nhãn “Windows”, ví dụ như điện thoại Windows Phone. Ngay cả dịch vụ đám mây còn non trẻ của Microsoft lúc đó cũng được gọi là Windows Azure.

"Chúng ta đã bám vào các thành công trước đây quá lâu và ngành công nghiệp thì không quan tâm tới điều đó. Để tồn tại được thì phải hướng tới tương lai. Thành công trong quá khứ không có nghĩa lý gì cả", Nadella nói.

Kế hoạch của Nadella là định hướng lai Microsoft xung quanh Azure, một nhánh kinh doanh còn non trẻ đã được ông dồn sức từ năm 2011, với tiềm năng biến công ty từ một nhà cung cấp những phần mềm đóng gói (mà nhiều người dùng có thể vi phạm bản quyền một cách dễ dàng) thành một ông lớn về điện toán toàn cầu, cung cấp cho các doanh nghiệp khác các dịch vụ cho thuê sức mạnh xử lý và lưu trữ trực tuyến.

Và xa hơn đám mây, Microsoft đã xác định đầu tư để dẫn đầu trong ba lĩnh vực công nghệ chủ chốt sẽ định hình toàn bộ các nền công nghiệp khác trong tương lai: thực tại kết hợp (mixed reality), trí tuệ nhân tạo và vi tính lượng tử (quantum computing).

Tư duy hợp tác

Microsoft vốn nổi tiếng với tư duy cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ của mình, đã được Nadella vận hành thoát ra khỏi mọi giới hạn trước đây. Microsoft đã thiết lập lại một tư duy hợp tác, vì khách hàng - để có thể tạo thêm giá trị cho khách hàng cho dù họ có sử dụng thiết bị của Apple hay nền tảng Linux đi nữa.

Ngày nay, sản phẩm của Microsoft hiện diện trên nền tảng các công ty cả đối tác lẫn cạnh tranh: Office chạy trên Android/IOS, ứng dụng của Facebook chạy trên Windows, Minecraft trên nền tảng Oculus Rif, Linux được hỗ trợ trên nền tảng đám mây Azure của Microsoft… Nadella tin rằng việc hợp tác với các đối thủ không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà còn cho cả thế giới. Sự thay đổi cách thức vận hành của cả tập đoàn này đã đưa Microsoft vượt mặt các đối thủ trong việc trở thành mục tiêu hợp tác của các kĩ sư, nhà nghiên cứu cũng như rất nhiều công ty trên thị trường.

Kết quả của sự tái tạo

Tính đến hết 2021, vốn hoá “gã khổng lồ” đã gấp 8 lần, từ 311 tỷ USD tăng lên gần 2.500 tỷ USD (đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Apple), doanh thu từ mảng công nghệ đám mây chỉ đứng sau Amazon, gần gấp đôi so với Google Cloud và cao hơn cả doanh thu đám mây của hàng loạt các “ông lớn” khác cộng lại (Salesforce, SAP, Oracle, ServiceNow, Workday và Snowflake). Microsoft đã kịp thời “chuyển mình” và tiếp tục là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất, giá trị nhất, thành công nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Bài học áp dụng từ cuốn sách tại Viettel Cyberspace

Thứ nhất, xây dựng văn hóa và tư duy phát triển đến mọi người trong tổ chức:

- Lấy khách hàng làm trọng tâm trong việc nghiên cứu/phát triển sản phẩm; học hỏi tri thức ngành cũng như cùng khách hàng phát triển sản phẩm chuyên sâu cho từng lĩnh vực.

- Trong nghiên cứu công nghệ, sản phẩm phát huy ý tưởng, vai trò từng cá nhân trong nhóm, va chạm và kết hợp để tạo ra sức mạnh tập thể.

- Trao quyền cho các cấp quản lý/trưởng sản phẩm, chấp nhận sai lầm/thất bại

Thứ hai, tập trung, kiên định với chiến lược nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ AI và Data Analytics cho thị trường Việt Nam và tiến ra khu vực.

Thứ ba, thúc đẩy tư duy hợp tác:

- Tích hợp các sản phẩm & công nghệ AI vào các sản phẩm của các đơn vị trong Tập đoàn (ví dụ: IOC/Sổ tay đảng viên VTS, BCCS VTT, Viettel Money VDS...) giúp tạo ra sự khác biệt, tăng năng lực cạnh tranh của các đơn vị trong Tập đoàn, cũng như là cơ hội để khai phá nâng cao chất lượng các sản phẩm & công nghệ AI.

- Tìm kiếm các cơ hội đưa sản phẩm công nghệ AI tích hợp trong các hệ sinh thái sản phẩm của các công ty trên thị trường tại Việt Nam cũng như quốc tế như sản phẩm thiết bị thông minh (loa thông minh, robot hút bụi...), phần mềm website/cổng thông tin...

- Xây dựng AI Platform hướng đến là 1 Hub cung cấp dịch vụ AI tích hợp các API do Viettel và cả các đối tác trong nước và nước ngoài.

Giám đốc Viettel IDC: 'Thế giới đương đại là cuốn sách kén người đọc nhưng lại...

  • 3

'Để khát vọng dẫn lối' và bài học của Giám đốc dự án V.I Project Nguyễn Thế...

  • 4

PTGĐ VTS Nguyễn Ngọc Linh: 'Cẩm nang Chuyển đổi số' - cuốn sách cần bỏ túi cho...

  • 1

Bí quyết để 'Dẫn dắt sự thay đổi' của TGĐ VTS Nguyễn Mạnh Hổ

Tập đoàn chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng 5G từ Bộ TT&TT

PTGĐ Đào Xuân Vũ: ‘Không được phép chủ quan trong mọi tình huống'

PTGĐ Đào Xuân Vũ: ‘Viettel Digital Talent không chỉ là một cuộc chơi'

  • 1

Tập đoàn tôn vinh hơn 400 cá nhân xuất sắc ngành dọc toàn cầu

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua