Suy ngẫm về Viettel từ cuốn sách 'Tâm thức lãnh đạo'

Vũ Thị Mai (Ban Tổ chức Nhân lực) đã đăng lúc 16:10 - 10.04.2023

Chị Vũ Thị Mai - Trưởng ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn khẳng định "Tâm thức lãnh đạo" là cuốn sách có thể cho vào tủ sách "must-read" của đội ngũ cán bộ quản lý Viettel.

Cuốn sách “Tâm thức lãnh đạo” là một trong số ít cuốn sách viết cho các nhà lãnh đạo, quản lý trong tổ chức, doanh nghiệp nhưng tư tưởng và bài học cũng như các bài tập thực hành mang lại lợi ích cho đông đảo độc giả, có thể ứng dụng cả trong công việc lẫn trong cuộc sống hàng ngày. Sự thấu hiểu bản thân, khả năng tập trung, sự tỉnh thức, tâm từ bi và lòng trắc ẩn, biết ơn với những người xung quanh (người thân, bạn bè, khách hàng, đối tác,…) sẽ phần nào giúp mỗi người đạt được hiệu suất cao hơn trong công việc, hướng tới hạnh phúc thực sự trong cuộc sống và góp phần xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn.

Khi nhìn qua tiêu đề cuốn sách, tôi cũng thoạt nghĩ nội dung cuốn này sẽ giống với rất nhiều cuốn sách về lãnh đạo quản lý khác, nhất là tác giả cũng là người thường xuyên viết bài cho tạp chí Harvard Business Review. Tuy nhiên, với cách tiếp cận sáng tạo, khai thác những giá trị độc đáo của Phật giáo và minh triết phương Đông, cuốn sách đã truyền tải thông điệp tưởng như đơn giản, mộc mạc nhưng cũng đầy tính triết lý và có thể coi là kim chỉ nam cho bất kỳ nhà quản lý nào: “Bạn không thể quản lý người khác trừ khi bạn có thể quản lý được bản thân mình trước tiên”.

Xuyên suốt cuốn sách là mô hình lãnh đạo MSC với ba phẩm chất tinh thần nền tảng cho các nhà lãnh đạo hiện nay, đó là: Sự tỉnh thức - Mindfullness (M), Sự quên mình - Selflessness (S) và Lòng trắc ẩn - Compassion (C). Ba phẩm chất này giúp nhà lãnh đạo luôn giữ tinh thần làm gương, duy trì sự hiện diện và xây dựng tổ chức thực sự hướng tới con người là trung tâm:

(1) Khi chúng ta là những người lãnh đạo có sự tỉnh thức (Mindfullness), chúng ta sẽ biết rõ hơn đối với nhân viên, điều gì là quan trọng nhất. Chúng ta sẽ hiện diện nhiều hơn, quan tâm và chú ý đến những gì thực sự khích lệ những người chúng ta đang dẫn dắt.

(2) Khi chúng ta là những người lãnh đạo biết quên mình (Selflessness), nhìn nhận vấn đề rộng lớn hơn cái nhu cầu bản ngã, tạo không gian và hỗ trợ nhân viên phát triển, chúng ta có thể làm mẫu hình cho loại văn hóa đề cao sự học hỏi và phát triển.

(3) Khi chúng ta là những người lãnh đạo có lòng trắc ẩn (Compassion), nhân viên sẽ biết chúng ta luôn sẵn sàng che chở họ, kết nối thực sự ở mức độ con người với họ. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến nhân viên, họ sẽ thực sự quan tâm đến khách hàng và doanh nghiệp sẽ tự phát triển.

Bên cạnh mô hình MSC, cuốn sách thực sự là cẩm nang mang tính thực hành cao, giúp độc giả vừa đọc, vừa chứng nghiệm và rèn luyện năng lực để phát triển bản thân cũng như dẫn dắt tổ chức theo trật tự: (1) Hiểu và Lãnh đạo Bản thân, (2) Hiểu và Lãnh đạo Nhân viên, (3) Hiểu và Lãnh đạo Tổ chức. Theo đó, khi hiểu và lãnh đạo bản thân có hiệu quả, ta sẽ hiểu và dẫn dắt người khác hiệu quả hơn. Hiểu và lãnh đạo người khác hiệu quả hơn, ta có thể hiểu và lãnh đạo hiệu quả hơn tổ chức của mình.

Mặc dù được viết bởi 2 tác giả người phương Tây, tuy nhiên cuốn sách đề cập đến các khái niệm rất quen thuộc với người phương Đông như Chánh niệm, Chánh ngữ, Chánh kiến, Vô ngã, Từ bi trong Phật giáo hoặc “Nhân chi sơ tính bản thiện” hay tư tưởng “chính tâm, tu thân” của Khổng Tử,…Vì vậy, độc giả người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng có thể thấy được nhiều nội dung quen thuộc, nhưng được tiếp cận một cách hiện đại thông qua mô hình hóa hoặc minh họa bằng những hình vẽ, ma trận giúp người đọc có thể dễ dàng hình dung và ghi nhớ.

Cuốn sách với người Viettel

Có thể nói, nội dung của cuốn sách có những câu chuyện, những quan điểm và góc nhìn thú vị giúp người Viettel có thể suy ngẫm và ánh xạ vào thực tiễn tại chính Tập đoàn.

Câu chuyện phát triển văn hóa “sáng tạo vì con người”: Viettel là một trong số ít các doanh nghiệp ở Việt Nam ý thức được việc xây dựng và hình thành văn hóa doanh nghiệp từ những ngày đầu tiên. Văn hóa Viettel cũng đã trở thành một câu chuyện được chia sẻ, case-study điển hình trong nhiều lớp học về quản trị.

Tuy nhiên, gần đây chúng ta cũng có những loay hoay nhất định khi giải quyết các vấn đề về việc: Làm thế nào để tiếp tục gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá Viettel trong bối cảnh mới, nhất là khi nguồn nhân lực của Tập đoàn ngày càng đa dạng?

Làm thế nào để các thế hệ người Viettel cùng nhau đoàn kết, tiếp nối hành trình “sáng tạo vì con người” trong giai đoạn hiện nay?

Có thể nói cuốn sách này là một câu trả lời xuất sắc cho 2 câu hỏi trên, với việc hướng tới xây dựng một tổ chức đặt con người ở vị trí trung tâm. Các cấp quản lý tại Viettel có thể đọc, suy ngẫm và thực hành mô hình MSC để mình trở thành nhà lãnh đạo tỉnh thức, quên mình và có lòng trắc ẩn. Và khi cán bộ quản lý các cấp có các phẩm chất này thì một cách tự nhiên, Viettel sẽ thực sự là “ngôi nhà chung”, “ngôi nhà hạnh phúc”.

Cuốn sách nhấn mạnh “chính những hành động và cách cư xử của lãnh đạo mới là điều quan trọng nhất, bởi vì mọi người đều quan sát sếp” và rằng một sai lầm thường mắc phải của lãnh đạo các tổ chức là “không kết nối được các giá trị đã tuyên bố với thực tế tại nơi làm việc”.

Câu chuyện về phát triển lãnh đạo: Tại Viettel, chúng ta luôn nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tiễn trong suốt lịch sử phát triển của Tập đoàn, dấu ấn của những người lãnh đạo luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần đưa tổ chức đạt được những thành tựu ngày hôm nay, nhất là việc định hướng tầm nhìn, các chủ trương, quyết sách chiến lược trong định hướng SXKD.

Tập đoàn kiên trì với quan điểm khi tổ chức (ở tất cả các cấp) có vấn đề thì cần xem xét, thay đổi người đứng đầu, quan điểm đó vẫn đã và đang được minh chứng sự đúng đắn, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh nhiều biến động. Chúng ta cũng có những bài học về “quên đi thành công của ngày hôm qua để tiến lên phía trước”, ý thức được nguy cơ của việc “ngủ quên trên chiến thắng”, nhất là ở những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy.

Một lần nữa, cuốn “Tâm thức lãnh đạo”, được viết bởi 2 học giả nổi tiếng trên thế giới, đã tái khẳng định những triết lý đó của Tập đoàn. Cuốn sách nhắc đến hiện tượng “bong bóng CEO” khi người lãnh đạo có cái tôi quá lớn, mê muội với quan điểm và niềm tin của mình trong khi thiếu đi những phản hồi đôi khi rất khó chịu.

Ví dụ điển hình về sự tự tin thái quá của đội ngũ lãnh đạo được các tác giả nhắc đến là trường hợp của Nokia khi họ “quá yêu vào thành công trong quá khứ” dẫn đến “sự biến mất gần như trong một đêm” của tập đoàn này trên thị trường điện thoại thông minh dù “không phải không có ý tưởng xuất sắc hay không nhận ra sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng”.

Hay gần đây nhất, chúng ta có thể thấy chính là sự sụp đổ của ngân hàng Thụy Sĩ 167 năm tuổi Credit Suisse mà nguyên nhân quan trọng được các nhà phân tích nhắc đến cũng là từ “sự tự tin thái quá” của ngân hàng này vì đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ (gần nhất là năm 2008) để rồi khi bắt đầu có những tín hiệu xấu thì chính đội ngũ quản lý trở nên mất niềm tin, đổ lỗi cho nhau thay vì tập trung xử lý vấn đề.

Tôi may mắn được đọc cuốn sách “Tâm thức lãnh đạo” do Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng giới thiệu, với nhiều hàm ý định hướng cho những người xây dựng chính sách nhân sự tại Tập đoàn. Và theo tôi, đây thực sự là cuốn sách hay, có thể cho vào tủ sách “must-read” của đội ngũ cán bộ quản lý. Tôi cũng hy vọng người Viettel khi đọc “Tâm thức lãnh đạo”, mỗi chúng ta có thể thấy được “Câu chuyện của bản thân mình, lãnh đạo của mình, tổ chức của mình” để có những nhận thức, hành động và đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của ngôi nhà chung Viettel.

Vài nét về tác giả:

Rasmus Hougaard là người sáng lập và điều hành của “Potential Project”, nhà cung cấp các giải pháp lãnh đạo và hiệu quả tổ chức dựa trên việc rèn luyện tâm trí. Ông là người thường xuyên viết bài cho Havard Business Review và là diễn giả được yêu thích bởi các tư tưởng lãnh đạo mới mẻ của mình. Trước khi sáng lập Potential Project, ông làm việc tại Sony và là một nhà nghiên cứu về phát triển tổ chức.

Jacqueline Carter là Partner và Giám đốc Khu vực Bắc Mỹ của Potential Project. Bà có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc. Trước khi tham gia Potential Project, Jacqueline đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo cấp cao và cộng tác với Deloitte Consulting về phương pháp Lãnh đạo chuyển đổi (Transformational Leadership)

Sách hay cùng tác giả: Một giây phía trước (One Second Ahead), Compassionate Leadership (Lãnh đạo từ bi).

  • 4766
  • 15
  • 2

PGĐ VTCC Hoàng Ngọc Dương thấy gì ở cuốn sách best-seller 'Từ tốt đến vĩ đại'?

  • 3499

Cuốn sách giúp PTGĐ VTT Bạch Tiến Tuân 'chạm vào điều kỳ diệu'

  • 4401

PTGĐ VTNet bật mí cuốn sách thay đổi cách sống, làm việc và tư duy

  • 3307

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1801
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua