Như Hoa (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 16:19 - 16.10.2024
Bên cạnh hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngành giáo dục, giá trị tinh thần và tri thức là không thể đong đếm, tính toán.
Tự tin trao đổi với khách nước ngoài những câu tiếng Anh trôi chảy để bán hàng lưu niệm từ thổ cẩm, cô bé Mùng Thị Thảo (Xã Tả Van, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai) mắt sáng bừng và cười thật tươi khi thấy chúng tôi quan tâm đến sản phẩm của nhà mình. Trong vai một vị khách mua hàng, vừa quan tâm tới sản phẩm, tôi vừa tò mò hỏi cô bé học tiếng Anh từ nguồn nào mà khả năng giao tiếp tốt như thế? Cô bé cho biết được học ngoại ngữ ở trên trường và khi rảnh xuống thị trấn bán hàng để thực hành trực tiếp.
- Trường con có máy tính nối mạng chứ?
- Vâng ạ, trường con có máy tính kết nối mạng của Viettel ạ!
Câu chuyện các cô bé, cô bé người dân tộc thiểu số bán hàng ở Sapa có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt không còn là “của hiếm”. Giống như trường Tả Van của cô bé Mùng Thị Thảo, nhờ vào dự án “Kết nối mạng giáo dục” (cách gọi gần gũi hơn là “Internet trường học”) được Viettel triển khai từ năm 2008, tất cả trường học ở các địa phương, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận với các phương thức giáo dục hiện đại, dần bắt kịp với vùng đồng bằng và rút ngắn khoảng cách với giáo dục ở thành phố lớn.
Chỉ sau hơn 2 năm triển khai, Viettel đã hoàn thành mục tiêu đưa internet đến 100% cơ sở giáo dục trên toàn quốc vào cuối năm 2010. Nhưng ngay khi hoàn thành mục tiêu đó, Viettel tiếp tục nâng cấp đường truyền 30.000 trường học lên băng thông rộng, đảm bảo tốc độ truy cập nhanh hơn, ổn định hơn để phục vụ nhu cầu học tập ngày càng cao.
Đến nay, Viettel đã cung cấp kết nối Internet miễn phí cho hơn 30.000 trường học tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Dự án đã giúp các trường học, đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tiếp cận với nguồn tài nguyên giáo dục trực tuyến.
Bên cạnh việc cung cấp đường truyền Internet, Viettel còn hỗ trợ nhiều trường học nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm cung cấp thiết bị như máy tính, máy in và hệ thống mạng nội bộ. Cùng với đó, Viettel cũng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo về công nghệ thông tin cho giáo viên và học sinh các địa phương vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ trực tuyến và tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên giáo dục trên Internet.
Trái ngọt đầu cành
Dự án “Internet trường học” đã góp phần mở cánh cửa cho các em học sinh tại trường vùng sâu, vùng xa tiến vào thế giới tri thức khổng lồ. Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS xã Nàn Sín, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai đã được Viettel tài trợ đường truyền Internet tốc độ cao miễn phí từ năm 2013.
Từ khi có mạng internet, học sinh thể tham khảo các cách làm văn hay, tham gia vào các cuộc thi giải Toán, học tiếng Anh qua mạng, từ đó các em yêu thích việc đến trường hơn. Chính nhờ sự ham học hỏi và thông qua việc tham khảo thông tin trên internet được Viettel cung cấp, năm 2018, học sinh lớp 9 Lù Chí Cường của trường giành giải cấp Tỉnh trong cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”. Đó là điều chưa từng có trước đây ở vùng khó khăn này.
Mạng internet cũng đã giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Các giáo viên có thể tận dụng internet để tìm kiếm tài liệu giảng dạy mới, cập nhật kiến thức, tạo ra những bài giảng sinh động, tương tác hơn. Điều này giúp tăng tính hấp dẫn của các buổi học, khuyến khích học sinh chủ động tìm tòi, khám phá. Cũng nhờ có internet của Viettel, các giáo viên có thể phát huy được sở trường của mình, tham gia vào các diễn đàn, các cuộc hội thảo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa, từ đó thu hút khách du lịch.
Điển hình là trường hợp Thầy giáo Phạm Pa Ri của trường THCS và THPT Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái. Là một giáo viên có chuyên môn âm nhạc và hội họa, yêu thích nhiếp ảnh, với tình yêu quê hương và bằng con mắt của một người nghệ sỹ, thông qua internet, thầy Phạm Pa Ri đã giao lưu với các nhiếp ảnh gia khắp Việt Nam và trên thế giới. Năm 2021, tác phẩm ảnh “Vụ xuân trên núi” của Thầy đoạt Huy chương Bạc ở thể loại ảnh Du lịch của cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Việt Nam.
Thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên trường Lê Quý Đôn, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cho biết: “Việc sử dụng internet trong giáo dục là sự phát triển tất yếu của xã hội vì nhờ đó mà ngành giáo dục của Việt Nam từng bước tiệm cận được với xu hướng chung của thế giới. Nhờ có sự hỗ trợ trong đường truyền của Viettel mà bài giảng của tôi mang tính toàn diện hơn, không còn mang tính địa phương cục bộ, các thông tin trong bài giảng cũng thuyết phục hơn nhờ những minh chứng cụ thể mà tôi thu thập được thông qua các hội nhóm. Tôi cũng sử dụng các phương tiện hiện đại vào trong giảng dạy giúp học sinh hứng thú hơn với các tiết học”.
Những minh chứng nói trên cho thấy, dự án “Internet trường học” đã góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, tạo cơ hội cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nguồn kiến thức hiện đại, không thua kém các bạn ở đồng bằng và tiệm cận với học sinh tại các thành phố lớn. Việc tiếp cận internet từ sớm giúp các em học sinh dù có nhiều khó khăn vẫn có cơ hội làm quen với công nghệ, rèn luyện kỹ năng, từ đó xây dựng được nguồn nhân sự chất lượng cao phục vụ đất nước sau nay.
Với mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, dự án “Internet trường học” của Viettel đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam nhất là tại các vùng còn nhiều khó khăn.