Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 14:52 - 19.04.2024
Ngày nóng nhất kể từ đầu mùa nắng
Ngày 14/4, tức mới giữa tháng 4, trạm Yên Châu, Sơn La đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày lên tới 42,2 độ C. Đây là ngày nắng nóng nhất kể từ đầu mùa đến nay, cũng trở thành ngày có nhiệt độ cao thứ 2 trong tháng 4 tại khu vực này, chỉ kém mức nhiệt lịch sử tháng 4 năm ngoái 0,2 độ C.
Yên Châu, Sơn La là một trong những tâm nóng ở miền Bắc. Nguyên nhân là địa hình lòng chảo, núi cao khiến hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh. Gió Tây Nam từ vùng thấp phía Tây thổi qua các dãy núi trở thành gió khô nóng. Cộng với địa chất nhiều đá vôi hấp thụ nhiệt, càng làm cho không khí trở nên nóng rát và nhiệt độ tăng cao.
Sinh sống và làm việc giữa “chảo lửa” Yên Châu, toàn bộ lực lượng Viettel tuyến đầu tại huyện vẫn quyết tâm bám tuyến, hoàn thành chỉ tiêu công việc đã đề ra trong ngày nắng nóng cao điểm nhất.
Anh Lò Văn Thân, hộ kinh doanh cá thể Viettel chia sẻ: “Yên Châu mùa đông vẫn lạnh, nhưng đặc biệt mùa hè năm nào cũng nóng. Mọi năm giờ đang có mưa, thậm chí còn có đợt rét đậm rét hại. Thời tiết năm nay nóng sớm hơn khiến người Yên Châu cũng vất vả hơn”.
Theo anh Lò Văn Thân, sáng ngày 14/4, anh dậy từ 5h30 sáng, thời tiết đã rất oi ả, mặt trời đã lên cao, nắng đã chiếu thẳng vào trong nhà. Kể về cảm giác ra đường làm nhiệm vụ, anh cho biết: “Khi chạy xe ngoài đường, tôi cảm nhận rõ hơi nóng từ mặt đường bốc lên xe, từ xe lại bốc lên mặt, mũi, cằm, như đang đứng trước một ngọn lửa lớn. Hôm đó tôi được “xông hơi” dưới trời nắng, nóng lắm, khó chịu lắm”.
Còn với anh Nguyễn Công Lý, nhân viên kỹ thuật dây máy của Chi nhánh Công trình huyện Yên Châu, trời nắng nóng cũng làm anh em kỹ thuật gặp nhiều khó khăn hơn thường lệ. 6 năm anh làm việc tại Viettel cũng là 6 năm anh gắn bó với các trạm kỹ thuật và mùa hè khắc nghiệt của huyện Yên Châu. Anh kể: “Bình thường công việc tìm điểm đứt cáp bắt buộc tôi phải trèo lên các mái tôn, leo lên cột làm bằng kim loại. Những vật liệu này hứng nắng nhiều giờ nên vô cùng nóng rát. Nếu xử lý không cẩn thận, tôi chạm phải sẽ bỏng như chơi".
Theo lời anh Lý, khoảng thời gian thao tác trên cột còn nắng nóng hơn, bức bối hơn lúc ở dưới mặt đất do gió nóng thổi mạnh qua, còn hơi nóng ủ dưới đất càng bốc lên dữ dội. Cuối buổi khi về đến trung tâm, mặt mũi anh nóng rát, đỏ ửng như bị bỏng, mồ hôi túa ra như tắm.
Song song cùng những anh em tuyến đầu khác, anh Nguyễn Văn Tùng, nhân viên bưu tá tại Bưu cục Yên Châu cũng trải nghiệm thời tiết rõ rệt với công việc 100% ngoài trời. Đặc biệt, khu vực đường quốc lộ và khu dân cư trong xã chênh nhau đến 7 - 8 độ C. Mỗi lần từ xã ra quốc lộ, anh lại cảm thấy cái nóng xộc thẳng vào người.
Anh nhớ lại: “Hôm đó, tôi đội mũ Viettel, mặc một áo dài tay, một áo chống nắng, thêm một áo gile bên ngoài. Càng mặc nhiều áo, mồ hôi toát ra càng mát. Tôi mặc thế để mồ hôi không thoát được ra ngoài, làm dịu đi cơn nóng, chấp nhận dùng mồ hôi để cảm thấy dễ chịu hơn”.
Nắng nóng bất thường, quyết tâm phi thường
Yên Châu không chỉ hứng chịu nền nhiệt độ cao khủng khiếp vào mùa hè, mà còn nằm trong vùng sâu vùng xa. Với những xã biên giới giáp Lào như Chiềng On, Phiêng Khoài, Chiềng Tương, nhiệt độ ngày càng lớn và đường đi càng xa xôi, gập ghềnh, hiểm trở hơn các khu vực còn lại.
Nhưng với người Viettel tại nơi đây, khó khăn miền biên giới vốn là chuyện thường ngày, ai cũng đã quen. Chỉ có mức nền nhiệt cao đến 42,2 độ C mới là điều thử thách nhất.
Ngày chủ nhật hôm ấy, anh Lò Văn Thân có nhiệm vụ lên khảo sát trạm FTTH tại xã Chiềng On và liên hệ hỗ trợ khách hàng dọc đường lên trạm. Cung đường từ nhà anh lên xã mất đến 40km, đường đi toàn dốc và đất đá lởm chởm nhưng anh chẳng ngại ngần. Anh chỉ nhận thấy trời nóng hơn nên quyết định mang theo một chai nước mát.
Anh cho biết: “Những ngày nắng nóng, để lên đến trạm tôi phải nghỉ dọc đường đến 4 - 5 lần để lấy sức đi tiếp, tiện tìm mua nước uống. Nhưng hôm đó trời nóng quá, tôi phải tự mang thêm nước đi, sợ không có nước khó mà đi tiếp. Những ngày thế này, tiền nước dọc đường còn tốn hơn cả tiền xăng xe đi lại".
Thông thường khách hàng tự chạy xe ra gần phía ngoài đường lớn để tiện cho anh làm dịch vụ. Tuy nhiên, trời nắng nóng, nhiều người cũng ngại ra khỏi nhà. Vì quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, anh Thân sẵn sàng chạy xe 2km đường dốc vào tận trong các bản để mang dịch vụ Viettel tới khách hàng. Công việc của anh Thân không cố định, có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nhưng anh vẫn quyết không bỏ cuộc, kể cả trong ngày nắng kỷ lục.
Với nhân viên bưu tá Nguyễn Bảo Ngọc, cung đường giao hàng của anh từ trung tâm huyện, qua xã Yên Sơn đến xã biên giới Phiêng Khoài khoảng 40km. Nhưng với việc đến từng nhà, gọi từng người, anh phải mất tổng 60km.
Về quy định, chủ nhật là ngày nghỉ của anh Ngọc, còn là ngày đỉnh điểm của mùa nóng, nhưng anh quyết không nghỉ vì biết bà con trong xã còn đang đợi hàng về. 8h sáng anh bắt đầu lên đường, nhưng do cách biệt về địa lý, đường đi khó khăn, chở hàng hóa nặng nên phải đến 12h trưa mới đến được Phiêng Khoài để bắt đầu công việc của ngày.
Anh kể lại: “Bưu tá chúng tôi luôn luôn phải ở ngoài đường, không vào nhà một phút giây nào cả. Cái khó nhất là giữ cho mình sức bền giữa trời nắng nóng để giao kịp hàng cho bà con trong ngày. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi luôn giữ tinh thần phấn chấn để cống hiến nhiều nhất cho đơn vị. Nếu không yêu công việc thì không thể nào có được tinh thần đó".
Với các chiến sĩ bưu tá Viettel, thời gian ăn trưa gần như xa xỉ. Họ luôn chuẩn bị sẵn một thức đồ gọn nhẹ, tranh thủ ăn trong lúc đợi khách. Bởi vài tiếng đồng hồ buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi của khách nhưng lại là thời gian làm việc chính thức của các anh.
Trong ngày 14/4 ấy, giữa cái nắng oi ả, bưu tá Nguyễn Văn Tùng vẫn cố gắng giao đủ 70 đơn tại xã biên giới Chiềng Tương. Anh bày tỏ: “Do nắng nóng đột ngột, tôi thấy trong người không khỏe nên định xin nghỉ ngày hôm sau. Nhưng nhớ đến số hàng còn tồn lại nên tôi gắng gượng đi làm tiếp. Giao được hàng cho khách là điều quan trọng nhất. Công việc mình chọn và việc cũng chọn mình nên tôi luôn cố gắng cống hiến”.
Hạnh phúc của ngày nắng
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng kể lại: “Chưa bao giờ toàn bộ đội bưu tá Viettel lại cùng ngồi với nhau tại một chỗ như sáng ngày hôm ấy. Mấy anh em chỉ biết nhìn nhau cười chứ không thể làm gì khác”.
Theo anh Tùng, mấy anh em quá thấu hiểu nỗi vất vả của mình và của các đồng nghiệp. Biết trời nắng nóng đỉnh điểm, họ chỉ có thể ngồi lại cùng động viên nhau trước giờ lên đường, dặn dò nhau uống đủ nước, che chắn cẩn thận để không bị say nắng. Bởi sau mấy phút đó, mỗi anh em lại đến một xã biên giới để tiến hành nhiệm vụ riêng.
“Mỗi lúc rảnh tay, các anh em lại nhắn tin cho nhau để hỏi han tình hình. Dù trời rất nắng nóng, chúng tôi ở xa nhau nhưng nhận được những tin nhắn “Đã giao hết hàng chưa?” “Ở đây hết nắng rồi”... tôi cảm thấy hạnh phúc và cảm nhận được sự quan tâm của các đồng đội”, anh Tùng bảy tỏ.
Trên đường đi, các cô các bác bảo anh vào nhà uống cốc nước, nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Nhưng bản thân anh cũng xin phép đi ngay cho kịp khung giờ giao hàng. Anh khẳng định chính khí thế của các anh em và sự động viên, thấu hiểu của khách hàng đã thúc đẩy động lực trong anh, để anh tiếp tục lên đường bất chấp nắng nóng.
Còn với anh Lò Văn Thân, anh tìm thấy niềm hạnh phúc trong chính công việc tư vấn dịch vụ của mình. Anh tâm sự: “Trong ngày nóng cao điểm, mình chốt gặp khách hàng và khách hàng cũng chốt gặp mình, đó là điều tuyệt vời nhất. Happy Call mà nghe khách bảo “Lên đi, anh ở nhà đợi" là trong lòng sướng lắm”.
Có khách hàng bảo anh Thân: “Nóng thế này mà các anh vẫn lên được đến đây, đúng là tài". Anh Thân chỉ cười, nói rằng đây là công việc anh đã chọn. Nhờ công việc, anh đến được với các khách hàng, để bà con vùng sâu vùng xa tiếp xúc dịch vụ của Viettel sớm hơn, sử dụng các dịch vụ tốt hơn. Ý nghĩa và niềm vui trong công việc trở thành động lực lớn nhất giúp các anh em tuyến đầu tại “chảo lửa” Yên Châu vượt qua những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất.
Hiện tại mới chỉ là những ngày đầu tiên của mùa hè. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến nhiệt độ nơi đây ngày càng tăng cao, dự báo sẽ còn chạm mốc mới trong những ngày kế tiếp. Nhưng những chiến sĩ Viettel tại Yên Châu, Sơn La vẫn một lòng quyết tâm giữ nhiệt huyết cao hơn nhiệt độ ngày để hoàn thành mọi chỉ tiêu đã đề ra, mang tới cuộc sống ấm no ổn định cho bà con huyện biên giới.