Thu Hà (TCT Dịch vụ số Viettel) đã đăng lúc 15:14 - 24.06.2024
Đứng trước cuộc cách mạng này, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) đã tiên phong đồng hành cùng Bộ ban ngành Chính phủ để hiện thực hóa sứ mệnh “Phổ cập tài chính số”, góp phần “Kiến tạo cuộc sống mới” cho 100 triệu người dân Việt Nam
Chính phủ và chủ trương thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thanh toán điện tử an toàn, tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử lên 50%, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP vào năm 2025.
Ngày 24/04/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số, nhấn mạnh việc quyết tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.”
Những thách thức trên con đường thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam
Đứng trước sự mở cửa của Chính phủ, một loạt các ví điện tử, các trung gian thanh toán như Momo, ZaloPay, Samsung Pay, Bankplus, AirPay,... đua nhau gia nhập thị trường, khiến cho cuộc cạnh tranh của VDS ngày càng gay gắt. Tính đến tháng 12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 32 tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử và hỗ trợ thu hộ chi hộ. Ngoài ra, theo thống kê năm 2022 của Merchant Machine, Việt Nam có trung bình 29 máy ATM trên 100.000 người trưởng thành. Tỷ lệ này ở Nauy - nước ít sử dụng tiền mặt nhất thế giới - là 31.6 máy ATM trên 1.000 người trưởng thành.
Tuy nhiên, đối tượng tiếp cận chính của các dịch vụ này chủ yếu là giới trẻ, những người đã quen thuộc với công nghệ, sinh sống ở các thành phố lớn, tập trung đông dân cư và có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, để phổ cập được tài chính số toàn dân, cần phải mở rộng phạm vi tiếp cận, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi - nơi người dân ít tiếp xúc với công nghệ và gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ thanh toán số. Nhận thấy “điểm nghẽn” này, VDS với mạng lưới đội ngũ nhân viên rộng khắp cả nước đã tiên phong từng bước đưa tài chính số len lỏi đến mọi nơi, mọi nhà, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phổ cập tài chính số tại một thị trường vẫn còn đang rất nhiều điểm khó, điểm trống như Việt Nam là một thách thức lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để VDS thực hiện sứ mệnh “tiên phong kiến tạo xã hội số”.
Hành trình phổ cập tài chính số tại Việt Nam của VDS - Xây dựng đề án Mobile Money đến mọi miền
Với sứ mệnh “Phổ cập tài chính số” cho mọi người dân Việt Nam, VDS bắt đầu phát triển đề án Mobile Money, là chìa khóa then chốt trong việc tiên phong đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Sau hơn 1 năm nỗ lực phát triển và bảo vệ đề án, tháng 11/2021, VDS chính thức được cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money trên ứng dụng Viettel Money, cho phép thanh toán, tiêu dùng hàng hóa với giá trị nhỏ, hứa hẹn tạo nên “làn sóng” thanh toán điện tử, được kỳ vọng sẽ trở thành phương thức thúc đẩy tài chính số nhanh chóng trên quy mô rộng khắp cả nước.
Với mũi nhọn này, VDS đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số, phục vụ mọi nhu cầu thanh toán thiết yếu của người dân, mà không yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng, smartphone hay internet. Qua thời gian triển khai, việc thanh toán qua ứng dụng Viettel Money đã trở nên quen thuộc với người dân trên mọi miền tổ quốc. Tính đến nay, Viettel Money đã có gần 27 triệu khách hàng, dịch vụ Mobile Money đạt hơn 4 triệu người dùng. Đặc biệt, số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel đứng số 1 về thị phần, trong đó hơn 70% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Chia sẻ về “đứa con tinh thần” của VDS, đồng chí Lê Văn Đại - Tổng giám đốc VDS cho biết: “Viettel Money hướng tới cung cấp đầy đủ nhất tất cả các giao dịch hàng ngày một cách đơn giản, linh hoạt. Bên cạnh đó, chúng tôi song song phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán nhằm thúc đẩy thói quen thanh toán số của người dân và đẩy mạnh thanh toán số trên thị trường Việt Nam”.
Dự án Xã chuyển đổi số lan rộng toàn quốc
Với chiến lược phát triển mạng lưới rộng khắp, Viettel triển khai mô hình chợ 4.0 - khu chợ thông minh không sử dùng tiền mặt. Mô hình này được đánh giá là giải pháp số hóa hiệu quả, len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, mang đến cho người dân trải nghiệm mua sắm tiện lợi, hiện đại, dễ dàng nhất. Mô hình nhanh chóng được nhân rộng, ghi nhận ~700 Chợ 4.0 cùng hơn hàng chục nghìn tiểu thương đã áp dụng mô hình thanh toán không cần tiền mặt với Viettel Money.
Tiếp nối mô hình chợ 4.0, VDS tiếp tục đặt mục tiêu phát triển toàn diện thành Xã 4.0 - Xã chuyển đối số, nhằm phổ cập tài chính số, phát triển kinh tế số tại địa phương. VDS không chỉ tập trung vào những thị trường tiềm năng mang lại lợi nhuận cao mà còn chú trọng đến những thị trường đang bị "bỏ ngỏ" - nơi mà việc triển khai thanh toán không tiền mặt có thể mang lại ý nghĩa xã hội to lớn. Điển hình như khu vực miền núi xa xôi, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, thậm chí cả vùng biển cách đất liền 100km,...
Nhờ kế thừa tiềm lực to lớn của hệ sinh thái Viettel, Viettel Money có hệ thống nhân sự và các cửa hàng offline hiện diện rộng khắp đến tuyến xã, với khả năng phục vụ trực tiếp cả những khách hàng ở vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, ngay cả vùng biển cách đất liền hàng trăm cây số. Đội ngũ cán bộ nhân viên của Viettel tại tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác, chính quyền, tổ chức quần chúng và người dân tại địa phương để cùng cộng hưởng sức mạnh, không quản ngại khó khăn, trực tiếp hỗ trợ bà con, triển khai các giải pháp chuyển đổi thanh toán số hiệu quả, đưa dịch vụ số len lỏi đến từng xã, kể cả những nơi truyền thông online không thể tiếp cận.
Tính đến đầu năm 2024, VDS ghi nhận khoảng 1,000 xã áp dụng mô hình Xã 4.0 trên toàn quốc, và nhận được đánh giá cao từ chính quyền địa phương.
Với tầm nhìn sáng tạo cùng sự đồng lòng của các cán bộ nhân viên Viettel tỉnh, VDS đã khẳng định được vai trò tiên phong trong việc đưa các dịch vụ tài chính số đến gần hơn với người dân, kể cả tại vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Tận dụng công nghệ chiếm lĩnh thị phần dịch vụ công và dịch vụ thiết yếu
Tận dụng sức mạnh về công nghệ, VDS đã tiên phong hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng ứng dụng chuyển đổi số của tỉnh, thí điểm tại Huế (ứng dụng Hue-S), thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Ứng dụng Hue-S được xây dựng như một siêu ứng dụng tích hợp các dịch vụ công quốc gia, dịch vụ thanh toán thiết yếu: học phí, topup viễn thông, điện nước, các tiện ích mua sắm hàng hóa,... hỗ trợ người dân thuận tiện thanh toán mà không cần dùng tiền mặt hay trực tiếp đến các điểm giao dịch để nộp tiền. Trong tương lai, dự án này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các tỉnh khác, đồng thời VDS cũng dự kiến đưa các dịch vụ tài chính số lên các ứng dụng này trong năm 2024.
Ứng dụng này được chính quyền địa phương đánh giá cao và thu hút được số lượng lớn người dân tham gia. Đây là dấu mốc khẳng định vị thế tiên phong của VDS trong việc số hóa các dịch vụ, giúp VDS chiếm lĩnh Top 1 thị phần thanh toán dịch vụ công và dịch vụ thiết yếu trên cả nước. Các lĩnh vực khác như giao thông, viễn thông và hành chính công cũng đạt vị thế đứng đầu về giao dịch và độ phủ. Thành công này không chỉ là kết quả từ nỗ lực không ngừng nghỉ của VDS mà còn là minh chứng cho sự tin tưởng và ủng hộ của người dân đối với các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, VDS đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, để hoàn thành sứ mệnh phổ cập tài chính số cho 100 triệu người dân tại Việt Nam. Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là những cột mốc chói lọi, minh chứng cho sự nỗ lực của VDS trong việc mang lại giá trị cho xã hội và hiện thực hóa giấc mơ phổ cập tài chính số cho mọi người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một xã hội số an toàn, tiện lợi và thông minh, tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho đất nước.