‘Trong ngành CNTT, nếu cố gắng, phụ nữ cũng sẽ tạo ra được thế giới của mình, lộng lẫy không kém gì đàn ông’

Hà Thương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:57 - 13.03.2023

Bám trụ với công việc có tỷ lệ nam nữ mất cân đối nghiêm trọng đã hơn chục năm, người phụ nữ bé nhỏ Nguyễn Trần Ngọc Linh quả thật đã khiến nhiều người phải “ngước nhìn”.

Lần đầu tiên gặp người phụ nữ “thép” trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) - Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu của Tổng công ty Viễn thông Viettel Nguyễn Trần Ngọc Linh, không ít người bất ngờ với vẻ bề ngoài giống hệt một nàng thơ công sở. Bám trụ với công việc có tỷ lệ nam nữ mất cân đối nghiêm trọng đã hơn chục năm, người phụ nữ bé nhỏ này quả thật đã khiến nhiều người phải “ngước nhìn”.

Phụ nữ sao lại đi làm nghề của nam giới?

Chị Ngọc Linh (sinh năm 1987) chia sẻ, kể từ lúc chọn trường Đại học, chị đã nghe câu hỏi này đến quen tai: Phụ nữ sao lại đi làm nghề của nam giới? Con gái sao không chọn việc nhẹ nhàng mà làm? Rồi ngay cả khi ra trường, đi làm, bị nghi ngờ khả năng, bị đánh giá thấp, chỉ được giao việc vặt... vì là nữ giới chị cũng đã nhiều lần trải qua. Nhiều bạn gái cùng ngành nản lòng thoái chí, nhưng chị Linh khẳng định: chưa từng có ý định từ bỏ!

Con đường mà chị theo đuổi, cho đến tận thời điểm này chính là phải tạo ra được nhiều hệ thống lớn, áp dụng nhiều công nghệ chuyên sâu cho nhiều người dùng.

Tính ra, theo thống kê của Mỹ, chị Linh thuộc chưa đầy 10% số lập trình viên là nữ theo được con đường công nghệ cao sau 15 năm. Các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ phụ nữ rời ngành công nghệ sau 5-10 năm là 60-70%, sau 15 năm thì số người trụ lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lý do các nhà khoa học nữ ở Mỹ lập ra tổ chức Phụ nữ trong khoa học dữ liệu toàn cầu (Woman in Data Science - WiDS) để vinh danh và truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn thế giới theo đuổi công việc bị định kiến là “chỉ dành cho nam giới”. Chị Ngọc Linh đã chính thức trở thành đại sứ tại Việt Nam cho tổ chức này từ năm 2021.

Bén duyên với CNTT từ năm lớp 7 nhờ máy tính của anh trai, cô bé Ngọc Linh thời điểm ấy chưa từng nghĩ xa xôi sẽ theo cái công việc khắc khổ này. Chỉ vì mê máy tính, muốn tìm hiểu đến cùng, Linh càng ngày càng bị thế giới kỳ bí của những mã code hấp dẫn. Bắt đầu viết các phần mềm đơn giản đầu tiên giúp mẹ là giáo viên chấm điểm, quản lý học sinh, càng ngày Ngọc Linh càng nhận thức được lợi ích to lớn của việc học lập trình: “Nhờ nó, tôi có thể quản lý cuộc sống của mình tốt hơn. Nhờ nó, tư duy của tôi rõ ràng, ngăn nắp. Cũng nhờ nó, tôi có thể làm rất nhiều việc cùng lúc mà không loạn. Cho nên tôi thường khuyên bạn bè của mình, nếu có thể thì hãy cho con học lập trình từ sớm. Có căn bản, về sau làm gì cũng dễ”.

Học chuyên Tin từ cấp ba, cho đến khi đi làm, chị Ngọc Linh đều sống trong cảnh hoa lạc giữa rừng gươm. Ở thời điểm hiện tại, mỗi lần chủ trì các cuộc họp (tại trung tâm do chị quản lý), cũng vẫn “mình tôi là nữ”.

Công việc lập trình khá vất vả, nhiều áp lực, thời gian tập trung cao, cường độ làm việc lại lớn, thức khuya là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng lý do giúp chị chưa từng có ý định giải nghệ là vì: “lúc làm ra được sản phẩm thì sung sướng vô cùng, nhất là khi sản phẩm ấy được áp dụng rộng rãi vào thực tế, giúp cho nhiều người giải phóng được sức lao động”.

Câu chuyện chị Linh nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng đúng như nguyên tắc Assiduity: 'Thành công sẽ mỉm cười với người kiên trì ở lại cuối cùng chứ không phải là những người bỏ cuộc'.


Chị Linh cùng hai đại sứ WIDS tại sự kiện diễn ra ngày 11/3 vừa qua.

Được giao việc khó là may mắn

Làm việc ở Viettel 13 năm, với Ngọc Linh, đây là may mắn của chị, vì ở nơi này phụ nữ được tạo điều kiện, được đánh giá và được tham gia vào tất cả các hạng mục “miễn là bạn có khả năng”.

Năm 2013, chị Linh mới vào Viettel chưa lâu, lại đúng thời điểm sinh con nhỏ, nhưng chị vẫn được cấp trên tin tưởng, giao cho thực hiện xây dựng hệ thống Viettel BI áp dụng công nghệ Big Data. Đây là công nghệ mới ở thời điểm đó, ngay cả với cộng đồng thế giới cũng mới chỉ đang trong giai đoạn ươm mầm. Thất bại nhiều lần, thậm chí có lúc chị Linh định quay về công nghệ cũ, nhưng không đành.

“Tự nhiên đầu tư bao nhiêu tiền mà không làm được gì mới, đột phá thì phí. Thế là tôi cùng đoàn đội mò mẫm, thức đêm, có khi 7 ngày không về nhà, để nghiên cứu. Đến khi tìm ra được mô hình, thử nghiệm thành công, rồi được các anh ủng hộ ứng dụng vào thực tế, thử nghiệm tại một số thị trường nước ngoài của Viettel và bung ra phạm vi toàn công ty viễn thông thì cảm thấy mọi cố gắng của mình đều xứng đáng”, chị Linh nhớ lại.

Là ‘lính mới’, lại nhận trách nhiệm nặng như vậy nhưng chị Linh không hề thấy ngợp. “Tôi chỉ thấy hưng phấn. Được giao việc khó là may mắn. Việc khó mới ép mình đột phá ra những nấc thang nghề nghiệp mới. Nếu chỉ loanh quanh trong vùng an toàn thì rất khó để tiến lên. Mà cái nghề này, nó thay đổi hàng giờ, mình chậm cập nhật là lạc hậu ngay. Ví dụ hồi tôi mới nhận Big data thì còn mới lắm, nhưng giờ thì rất nhiều nơi trên thế giới cũng như Việt Nam ứng dụng rồi. Hiện chúng tôi lại đang hì hục nghiên cứu và ứng dụng mở rộng các công nghệ Machine learning và AI mới vào các sản phẩm thực tế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn. Công việc lãnh đạo cho tôi rất nhiều cơ hội học tập. Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo là người giỏi nhất mà là người tạo ra môi trường của những người giỏi để cùng chia sẻ học hỏi và thúc đẩy tổ chức vươn lên tạo ra các giá trị mới. Tôi học ở ngay cả các nhân viên mới. Tôi sẵn sàng mang giấy bút cùng ngồi lập trình và nghiên cứu với họ”.

Bắt đầu ngày làm việc từ 7h sáng và kết thúc lúc 8h tối (trước là 10h tối), quản lý gần 100 nhân viên với hàng chục dự án lớn nhỏ mỗi kỳ, nhưng chị Linh vẫn thu xếp được thời gian để song song làm nghiên cứu sinh. “Tất cả là nhờ lập trình”, chị nói, “nó dạy tôi cách sắp xếp công việc một cách logic và tối ưu hóa. Nhờ thế, dù danh mục việc phải làm rất nhiều thì tôi vẫn kham được, không bị loạn, và cũng không đến nỗi chìm đắm trong đó đến mức mất kết nối với cuộc sống thực”.

Khi được hỏi về ‘cuộc sống’ tại Viettel, chị thổ lộ, Viettel trong chị là sự biết ơn. "Năm 2021, tôi ốm rất nặng, bản thân không nghĩ có thể quay lại được. Nhưng khi quay lại mọi người rất chào đón và tạo cho tôi nhiều cơ hội. Các lãnh đạo, đồng nghiệp luôn luôn ủng hộ để tôi tiếp tục trên con đường chiến đấu với đam mê của mình. Tôi cảm thấy rất biết ơn.”

Về định kiến “phụ nữ theo nghề đàn ông”, chị Linh nói rằng, lâu rồi chị không bị nó làm phiền nữa: “Thầy tôi bảo học nhiều làm nhiều nghiên cứu nhiều sẽ thành kỹ năng, thành dễ. Chúng tôi làm nghề này, đọc code như người ta đọc sách, như một ngôn ngữ. Tôi thấy rất hay. Khi tôi quản lý các nhân viên nữ, tôi cũng không ưu tiên gì về thời gian hay khối lượng công việc với họ. Tôi chỉ cho họ cơ hội và sự công nhận nên có. Trong ngành CNTT, nếu cố gắng, phụ nữ cũng sẽ tạo ra được thế giới của mình, lộng lẫy không kém gì đàn ông”!

  • 863

Sản phẩm quân sự Viettel xuất hiện tại Lễ diễu binh chiến thắng Điện Biên Phủ

  • 134

Viettel có hợp đồng thương mại Private 5G thứ 2 tại Ấn Độ

  • 368

Chủ tịch Tập đoàn dâng hương tưởng nhớ Anh hùng, liệt sĩ tại Điện Biên Phủ

  • 1225
  • 2

Viettel mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng Việt Nam - Malaysia

  • 745
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua