Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:47 - 26.07.2023
Chứng chỉ Viettel IDC vừa nhận được do Tổ chức chứng nhận hàng đầu thế giới Bureau Veritas cung cấp. ISO 22301:2019 là một tiêu chuẩn quốc tế về quản lý kinh doanh liên tục, cung cấp cho tổ chức hệ thống quản lý rủi ro kinh doanh, giúp xác định các mối nguy liên quan đến tổ chức và những chức năng kinh doanh chính có thể ảnh hưởng.
Viettel IDC là một trong số ít những nhà cung cấp trong nước đạt được chứng chỉ cho 4 trung tâm dữ liệu, 7 nhóm dịch vụ và dịch vụ gồm cho thuê chỗ đặt; Public Cloud; Private Cloud; Cloud PC; Cloud Camera,....
Để đạt được chứng chỉ ISO 22301:2019, Viettel IDC đã triển khai nhiều giải pháp đáp ứng hàng loạt các quy chuẩn khắt khe như quy trình cung cấp dịch vụ, phân tích tác động và rủi ro gián đoạn kinh doanh của các hoạt động; xây dựng chiến lược và giải pháp kinh doanh liên tục bao gồm đảm bảo hạ tầng, nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng. Viettel IDC cũng xây dựng đầy đủ các kịch bản ứng cứu thông tin, xử lý sự cố, tổ chức diễn tập theo đúng tiêu chuẩn cho toàn bộ các hệ thống, dịch vụ chính tại cả trụ sở văn phòng cũng như 4 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc.
PGĐ Viettel IDC Lê Xuân Quế cho biết để đạt chứng chỉ, đơn vị phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ. Các giải pháp của doanh nghiệp lại triển khai đúng vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19 nên các chuyên gia quốc tế không thể sang Việt Nam để đánh giá.
"Tuy nhiên, với quyết tâm và xác định đây là hệ thống quản lý quan trọng và cần thiết cho nội bộ và cả khách hàng, chúng tôi đã nỗ lực triển khai thành công và được cấp chứng chỉ", đồng chí Lê Xuân Quế khẳng định.
PGĐ Viettel IDC cũng nhấn mạnh, việc đảm bảo các tiêu chuẩn ISO 22301:2019 sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động dự phòng cho mọi tình huống; giảm thời gian gián đoạn và tổn thất tài chính; thể hiện sự cam kết về khả năng phục hồi của công ty sau những gián đoạn không mong muốn.
Theo đánh giá của Viện tiêu chuẩn Anh BSI, mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với ba nhóm rủi ro bao gồm: hỏng hóc các trang thiết bị, phương tiện phụ trợ; các sự kiện mới nổi như đại dịch Covid-19 và các sự kiện không dự đoán được song gây ra những ảnh hưởng rất lớn như các thảm họa tự nhiên (động đất, sóng thần,...). Những rủi ro này có thể gây ra tác động lớn, gây trì hoãn hoạt động sản xuất kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Điều này cho thấy, việc đảm bảo có một hệ thống quản lý kinh doanh liên tục rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với thách thức do đại dịch toàn cầu, căng thẳng chính trị, khủng hoảng dầu mỏ, đứt gãy chuỗi cung ứng,...
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh có thể là kết quả của việc không đáp ứng các tiêu chuẩn của ESG - bộ chỉ số đo lường định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp, do tính bền vững và tính liên tục luôn có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ.
"Các tiêu chuẩn ISO được xem là tiền đề giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng tới tích hợp xu hướng ESG vào chiến lược phát triển", PGĐ Viettel IDC Lê Xuân Quế khẳng định.
Ngoài ISO 22301:2019, Viettel IDC cũng đã đạt hàng loạt chứng chỉ khắt khe khác như PCI DSS, ANSI/TIA-942-2017 Rated 3,...