Giám đốc Viettel IDC: Kỹ năng và đam mê - Cái nào có trước?

Hoàng Văn Ngọc (Viettel IDC) đã đăng lúc 10:47 - 20.07.2023

Hay, thực tế, có chiều sâu nhưng dễ gây tranh cãi - đó là cảm nhận của anh Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC về cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê”.

Chúng ta, những người trẻ, ít nhất có một lần tự hỏi bản thân liệu đam mê của mình là gì, và tại sao lại có một số người làm những công việc mà họ không hề thích. Cal Newport đã lột trần sự thật, niềm tin từ trước đến nay rằng chúng ta cần theo đuổi đam mê của mình. Tác giả cho rằng, niềm tin về việc theo đuổi đam mê sẽ khiến họ sinh ra cảm giác lo lắng, nghĩ nhiều và hiện tượng nhảy việc liên miên phát sinh từ đây.

Tuy đây chỉ là quan điểm của tác giả nhưng các bài học rút ra khiến chúng ta phải suy nghĩ về cuộc sống, cách chúng ta khuyến khích động viên con cái, cũng như cách chúng ta nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay. Anh tiết lộ rằng việc đi tìm một nghề nghiệp phù hợp với một đam mê tồn tại sẵn từ trước là không quan trọng. Đam mê đến sau khi bạn chăm chỉ làm việc để trở nên xuất sắc trong những việc có ích, có giá trị chứ đam mê không đến trước.

Nói cách khác, cách bạn làm việc thì quan trọng hơn nhiều so với công việc bạn làm.

Cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê” là lập luận của tác giả Cal Newport về việc kỹ năng phải có trước đam mê xoay quanh 4 quy tắc chính.

Thứ nhất: Đừng theo đuổi đam mê của bạn.

Thứ hai: Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn.

Thứ ba: Từ chối cơ hội thăng tiến.

Và quy tắc cuối cùng, thứ tư: Nghĩ nhỏ, làm lớn.

Quy tắc đầu tiên: Đừng theo đuổi đam mê của bạn

Mới nghe qua thì ý tưởng này thật điên rồ và có lẽ đi ngược lại với hầu hết các phát ngôn của những người thành công nhất mà chúng ta từng biết như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg.

Chúng ta sẽ nói về nhà sáng lập của Apple, Steve Jobs. Ông đã phát biểu trong lễ tốt nghiệp của mình rằng bạn phải tìm ra cái mình yêu thích, đam mê nó và tìm một công việc phù hợp với đam mê của mình, nhưng nếu bạn tìm hiểu về cuộc đời của ông, bạn sẽ thấy rất nhiều sự mâu thuẫn. Ban đầu, ông không hề đam mê công nghệ, ông đam viết chữ nghệ thuật và tìm hiểu về văn hóa phương Đông. Vậy điều gì đã khiến ông thay đổi con đường và dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mà ông không hề hứng thú. Đó là lúc ông gặp được người bạn về thiên tài công nghệ của mình Steve Wozniak, 2 người quyết định khởi nghiệp và đã sáng lập ra tập đoàn Apple hùng mạnh ngày nay.

Nếu như Steve Jobs thời trẻ nghe theo chính lời khuyên của chính mình và quyết định chỉ theo đuổi công việc mà ông yêu thích, thì có lẽ ngày hôm nay ông đã trở thành một trong những giáo viên nổi tiếng nhất của Trung tâm Thiền Los Altos. Vậy Steve Jobs cũng như bạn, ban đầu ông cũng không biết chính xác đam mê của mình là gì, chỉ khi làm việc, ông mới tìm được đam mê trong chính công việc của mình.

Cal Newport viết rằng: “… những yếu tố tạo nên một công việc tuyệt vời thì rất hiếm hoi và quý giá. Nếu muốn có nó, bạn cần một thứ gì đó hiếm hoi và quý giá để trao đổi. Nói cách khác, bạn cần phải giỏi một việc gì đó trước khi mong đợi có được một công việc tốt”.

Hay nói cách khác, câu chuyện của Jobs đặt ra nhiều câu hỏi hơn là mang đến câu trả lời. Có lẽ điều duy nhất mà nó đã làm rõ chính là ít nhất đối với Jobs thì “theo đuổi đam mê” không thật sự là một lời khuyên hữu ích.

Đam mê nghề nghiệp là điều rất hiếm hoi ở tuổi trẻ

Một cuộc khảo sát bao quát với một nhóm 539 sinh viên đại học Canada. Cuộc khảo sát được thiết kế đề trả lời hai câu hỏi quan trọng: Những sinh viên này có niềm đam mê hay không? Nếu có, thì đam mê đó là gì ?

Cốt lõi của thuyết đam mê nằm ở sự giả định rằng tất cả chúng ta đều đam mê một thứ gì đó và nó đang chờ đợi ta khám phá. Kết quả: 84% sinh viên thực hiện khảo sát được xác định là có một niềm đam mê nào đó. Và đây là 5 niềm đam mê cao nhất: khiêu vũ, khúc côn cầu, trượt tuyết, đọc sách và bơi lội.

Mặc dù những hoạt động trên rất quan trọng với các sinh viên này, nó lại chẳng giúp ích gì trong việc lựa chọn một công việc cả. Chỉ có 4% niềm đam mê có liên quan đến công việc hoặc học tập, 96% còn lại là những sở thích như thể thao và nghệ thuật.

Bạn hãy dành một chút thời gian đề suy ngẫm về kết quả này. Làm sao chúng ta có thể theo đuổi niềm đam mê nếu như chúng ta không có bất kỳ niềm đam mê nào liên quan đến công việc để mà theo đuổi?

Theo tác giả thì với một số người, theo đuổi niềm đam mê hoàn toàn có tác dụng với các vận động viên thể thao hay người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Còn lại theo đuổi đam mê là điều tồi tệ. Những bài học thành công từ đam mê chỉ là thiểu số, cuốn sách này đang nói đến đa số. Tuy nhiên đằng sau thành công thiểu số do đam mê là câu chuyện phức tạp hơn nhiều so với đơn giản là theo đuổi đam mê.

Đam mê cần có thời gian và là hiệu ứng đến từ sự tinh thông

Sự khác biệt như thế nào giữa một công việc, một sự nghiệp, và một sứ mệnh. Theo định nghĩa của Wrzesniewski, công việc là một cách kiếm tiền để trả tiền cho các hóa đơn của bản thân, gia đình. Sự nghiệp là một con đường đưa đến các công việc tốt hơn. Và sứ mệnh được định nghĩa là một công việc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời bạn và nó là một phần không thể thiếu để tạo nên con người bạn.

Với Viettel: Thế hệ chúng ta ngày nay, cũng như bao CBNV đang làm việc cho Tập đoàn thì đầu tiên họ cần thời gian làm việc để kiếm tiền. Họ cũng cần thời gian để xây dựng sự nghiệp để có công việc tốt tất nhiên là thu nhập tốt. Và cuối cùng, họ cũng cần thời gian dài để nhận ra sứ mệnh của mình. Họ là người đang làm công việc có giá trị cho tổ chức, cho xã hội, khi họ thấy giá trị trong công việc thì đam mê tự nhiên song hành.

Để có được đam mê thì cần sự tinh thông trong việc tìm thấy giá trị và biết phát huy giá trị của chính mình. Đó là lý do một số công việc đem lại động lực, trong khi số khác lại không. Do đó, quan trọng là lãnh đạo quản lý phải hiểu được để khuyến khích lan toả động viên mọi người nhận ra sứ mệnh của mình.

Quy tắc thứ hai: Hãy học tư duy thợ lành nghề với kỹ năng tuyệt vời

Ở quy tắc này, tác giả đưa cho chúng ta tư duy thợ lành nghề thay vì tư duy đam mê. Tư duy thợ lành nghề là khi bạn giỏi một lĩnh vực nào đó và có thể tạo ra giá trị cho xã hội cũng như bản thân nhờ vào kiến thức và kỹ năng của lĩnh vực đó. Khác với tư duy niềm đam mê, bạn sẽ luôn luôn tìm ra mặt trái trong công việc đam mê của mình mà không chú trọng vào việc tạo ra giá trị cho công việc đó.

Tác giả còn giới thiệu cho chúng ta về thuyết vốn liếng sự nghiệp. Kỹ năng làm việc chính là vốn liếng, cho rằng chính vốn liếng sự nghiệp giúp chúng ta tiếp cận công việc mà mình yêu thích trên 3 tiêu chí: sự tự chủ, sự liên kết và năng lực.

- Sự tự chủ là cảm giác bạn nắm quyền kiểm soát một ngày của mình, mình được uỷ quyền, được tin tưởng làm công việc đó và tự chịu trách nhiệm với nó.

- Sự liên kết là cảm giác kết nối với người khác, được chia sẻ về giá trị công việc, được tập thể ghi nhận, được cấp trên đánh giá cao và quan trọng là có giá trị với cộng đồng.

- Năng lực là cảm giác bạn thuần thục với công việc mình làm. “Hay nói cách khác, làm việc đúng vượt trội hơn hẳn tìm đúng việc”. Do đó, chúng ta nên tập luyện có chủ đích các kỹ năng đặc biệt hơn là tập luyện nhiều kỹ năng, bạn hãy luyện tập đến khi nào bạn cảm thấy mình đã kinh nghiệm đến mức có một sự tự tin tỏa ra bên ngoài. Đó là thứ mà những người xung quanh có thể cảm nhận được.

Tác giả cũng nêu lên 3 yếu tố không phù hợp với tư duy thợ lành nghề, không phát huy vốn liếng sự nghiệp.

- Công việc đó không được mọi người thừa nhận, lan toả. Công việc không có chiến lược dài hạn, không được đầu tư trong tổ chức.

- Công việc đó tập trung vào thứ mà bạn cho rằng là vô dụng hay có thể gây hại cho thế giới, cho xã hội, cho đất nước, cho tổ chức.

- Công việc đó buộc bạn phải làm việc với những người bạn không ưa, chụp giật.

Quy tắc thứ ba: Từ chối cơ hội thăng tiến khi chưa có đủ kỹ năng của thợ lành nghề

Đây cũng là một quy tắc rất thú vị. Quy tắc này giúp bạn nhận ra được giá trị của bản thân và thực sự kiểm soát nó. Có 2 chiếc bẫy cơ bản ngăn cản bạn đến với sự kiểm soát đó.

Chiếc bẫy kiếm soát thứ nhất: Quyền kiểm soát của chức vụ đạt được mà không có vốn liếng sự nghiệp thì không bền vững. Khi bạn thực sự muốn kiểm soát công việc riêng của mình, bạn cần có đủ vốn liếng sự nghiệp trước, tức là phải có đủ năng lực, kỹ năng để đảm nhận vị trí đó. Nếu không, bạn chắc chắn sẽ thất bại. Khi chẳng có ai quan tâm đến những gì bạn làm với sự nghiệp của bạn, nhiều khả năng lúc đó, bạn chưa có đủ vốn liếng sự nghiệp để làm một điều gì đó thú vị.

Chiếc bẫy kiểm soát thứ hai: Là thời điểm mà bạn đã có đủ số vốn liếng sự nghiệp tức là đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để đảm nhận công việc. Bạn tự tin có thể đảm nhận chức vụ quan trọng hơn, có giá trị hơn cho xã hội, cho cộng đồng. Nhưng đó cũng là thời điểm bạn sẽ bị cấp trên ngăn cản sự thay đổi do nhiều yếu tố, chẳng hạn họ cần bạn làm vị trí này, hay không phù hợp vì lý do nào đó.

Quy tắc cuối cùng, quy tắc thứ tư: Nghĩ nhỏ, làm lớn

Cal Newport chỉ ra rằng, chúng ta khi đã có đủ vốn liếng sự nghiệp thì nên tìm ra sứ mệnh cho bản thân. Và bằng cách đó, chúng ta nhận ra được những phản hồi từ thế giới xung quanh để tiếp tục phát triển bản thân, hoặc bạn tạo ra dấu ấn hoặc bạn vô hình.

Để tạo nên thành công cho một dự án được truyền cảm hứng bởi sứ mệnh, nó cần phải tạo dấu ấn theo hai cách khác nhau. Trước tiên, nó cần phải thúc đẩy mọi người chia sẻ nó với người khác. Thứ hai, nó cần phải được đưa vào một nơi có thể hỗ trợ việc tiếp thị này.

Sức mạnh của sứ mệnh

Một người có sứ mệnh nghĩa là người đó có một sự tập trung nhất quán xuyên suốt sự nghiệp của mình. Sứ mệnh có đặc điểm tổng quát hơn là một nghề cụ thể, và nó có thể mở rộng ra nhiều vị trí khác nhau. Nó đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: “Ta nên làm gì với cuộc đời mình?”.

Sứ mệnh có sức mạnh là vì nó tập trung toàn bộ năng lượng của bạn vào một mục tiêu hữu ích, từ đó tối đa hóa được sức ảnh hưởng của bạn lên thế giới của chính bạn - một yếu tố quan trọng trong việc yêu thích công việc của bạn.

Những người cảm thấy sự nghiệp của mình thật sự có ý nghĩa sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn với đời sống công việc của mình, và họ cũng sẽ kiên cường hơn khi đối diện với sự căng thẳng trong những công việc khó khăn. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi khi phải thức khuya để viết báo cáo cho sếp của mình nhưng thức khuya để giúp tìm ra giải pháp công nghệ thay đổi một lĩnh vực, một ngành có thể làm cho chúng ta tràn đầy năng lượng. Hoặc cách chữa một loại bệnh cổ xưa cứu người có thể làm cho bạn tràn đầy động lực hơn cả.

Chỉ có vốn liếng sự nghiệp mới tạo ra sứ mệnh

Thomas Edison phải thử nghiệm hàng ngàn lần trên nền tảng kiến thức, khoa học thời bấy giờ mới phát minh ra đột phá về bóng đèn dây tóc. Tức là phải có nền vững chắc về kiến thức về chuyên môn, sự chín muồi về khoa học công nghệ, sự chín muồi về thử nghiệm thì mới có thể thành công.

Tương tự như vậy, một sứ mệnh sự nghiệp tốt cũng tương tự một bước đột phá khoa học. Vì vậy, nếu bạn muốn xác định một sứ mệnh cho sự nghiệp của bạn, trước tiên, bạn cần phải dựa vào tri thức và kinh nghiệm của bạn đủ để nhận ra sứ mệnh đó.

Có nghĩa là chúng ta phải trải qua thời gian, đánh đổi trải nghiệm và thu thập tri thức để đến vùng tiên tiến trong sự nghiệp, khi đó bạn đã là thợ lành nghề trong lĩnh vực theo đuổi và chỉ sau đó mới chú ý tìm kiếm sứ mệnh cho sự nghiệp của mình. Việc này đòi hỏi hàng năm trời theo đuổi.

Sứ mệnh cũng cần tiếp thị

Để làm nên thành công cho một công việc được truyền cảm hứng bởi sứ mệnh, nó cần phải tạo dấu ấn theo hai cách khác nhau. Trước tiên, nó cần phải thúc đẩy mọi người chia sẻ nó với người khác. Thứ hai, nó cần phải được truyền thông rộng rãi ít nhất là nội bộ cho sứ mệnh này. Bởi tạo dấu ấn hay sự thừa nhận chính là động lực duy trì sự tồn tại của sứ mệnh.

“Kỹ năng đi trước đam mê” là một cuốn sách hay và vô cùng thực tế. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách có chiều sâu, do đó cần nhiều thời gian để hiểu và có nhiều lý thuyết dễ gây tranh cãi nếu chưa có đủ trải nghiệm.

Chắc chắn cuốn sách này sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên như tôi đã nói, tuỳ thuộc vào trải nghiệm góc nhìn mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng dù chúng ta là các cấp quản lý của Viettel đã tìm ra đam mê của mình hay chưa, đã tìm ra sứ mệnh của mình hay chưa thì cuốn sách này cũng là một cuốn sách rất đáng để đọc.

Viettel IDC là nhà cung cấp dịch vụ Cloud xuất sắc châu Á

Dấu ấn Viettel IDC năm 2022: Vượt khó chinh phục mục tiêu

'Tại Viettel IDC, mọi tiềm năng của mình đều có thể được khai phóng'

  • 1

Giám đốc Viettel IDC: 'Liên tục tự tái tạo để tiến lên phía trước'

Giám đốc Viettel IDC: 'Thế giới đương đại là cuốn sách kén người đọc nhưng lại...

  • 3
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua