Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:21 - 10.04.2024
Viettel triển khai các công nghệ mới nhất để xây dựng trung tâm dữ liệu (DC) xanh. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ Viên BCHTW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ông Lê Quang Huy - Uỷ Viên BCHTW Đảng, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Thứ trưởng Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; Thiếu tướng Trần Đình Thăng – Cục trưởng Cục kinh tế Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm – Trưởng Ban Cơ yếu chính phủ.
Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán.
Với 60.000 máy chủ; hơn 2.400 rack; 21.000m2 mặt sàn; tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Trung tâm dữ liệu của Viettel cũng sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu thế giới như hệ thống Chiller ly tâm đệm điện từ tiên tiến nhất thế giới và hệ thống bảo mật bằng 5 lớp bảo vệ vật lý cũng như hệ thống an ninh mạng hàng đầu.
Trung tâm dữ liệu thứ 14 đã giúp Viettel nâng tổng số 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87MW điện, tương đương một siêu DC của thế giới. Điều này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao Viettel đã đi đúng hướng khi đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu có thiết kế đặc biệt để sẵn sàng đáp ứng cho hạ tầng AI tiềm năng cao, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng".
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT kỳ vọng Viettel sẽ là doanh nghiệp Việt Nam nhận lấy sứ mệnh Việt Nam. Sứ mệnh ấy nhằm giúp Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21, đồng thời hùng cường, thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm.
“Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các DC. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư, mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng quy mô lên 34.000 rack. Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng cam kết tại sự kiện.
Trong năm 2023, các TTDL của Viettel đã tiết kiệm được gần 3.000.000 kWh tương đương giảm phát thải khoảng 2.100 tấn CO2. Viettel cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ ở các TTDL.
Tại tất cả các Trung tâm dữ liệu của mình, Viettel đưa vào sử dụng bộ lưu điện UPS hiệu suất cao, giúp tạo ra mức hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn trung bình ngành.
Về sản phẩm, dịch vụ: Viettel có hệ sinh thái dịch vụ đa dạng nhất với hơn 70 sản phẩm, dịch vụ gồm 5 nhóm: Hạ tầng điện toán đám mây, Nền tảng điện toán đám mây, Ứng dụng điện toán đám mây, Tư vấn, triển khai và vận hành, Colocation. Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong áp dụng các mô hình tính cước linh hoạt theo giờ, theo phút, theo ứng dụng cho khách hàng tại Việt Nam, và là đơn vị đầu tiên cho khách hàng lựa chọn giữa các nền tảng ảo hoá. Hệ thống cloud của Viettel giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt về hạ tầng số, mở rộng khi cần.
Về công nghệ: Viettel áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, … với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất, hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của tương lai.
Về an ninh, an toàn: Các trung tâm dữ liệu của Viettel được đảm bảo an toàn vật lý cao nhất gồm 5 lớp và được giám sát ATTT toàn bộ TTDL 24/7.