Nguyễn Thị Hương (TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 16:55 - 01.10.2024
Được nghiên cứu, phát triển từ năm 2019, đến nay, hơn 40 hệ thống IOC đã được TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) triển khai trên khắp các tỉnh thành cả nước. Những hệ thống này được "may đo" linh hoạt để phù hợp nhu cầu từng tỉnh, thành phố, đồng thời liên tục được cải tiến và nâng cấp, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Sau 5 năm, hàng loạt địa phương triển khai IOC đã có những bước tiến vượt bậc về chuyển đổi số. Tiêu biểu, trong 4 bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) gần đây nhất, Thừa Thiên - Huế liên tục thuộc top 5, tăng cả chục bậc. Một địa phương khác chứng kiến bước nhảy vọt là Thái Nguyên, năm 2020 tỉnh đứng thứ 44/63 trên bảng xếp hạng, thì chỉ một năm sau đã vươn lên đứng thứ 12.
Đặc biệt, Viettel IOC ra mắt tháng 8/2023 tại Đà Nẵng là trung tâm điều hành thông minh lớn và nhiều phân hệ bậc nhất ở Việt Nam, đã tạo ra nhiều kết quả đáng khích lệ cho thành phố. Các lĩnh vực như dịch vụ công, góp ý, phản ánh hiện trường, giám sát tàu cá, theo dõi mưa ngập, giao thông… đều được cải thiện đáng kể chỉ sau 1 năm vận hành.
Viettel IOC Đà Nẵng có thể coi là hình mẫu, với đầy đủ các tính năng của phiên bản IOC hiện tại, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành sản phẩm điểm hướng đến phiên bản tốt nhất của Viettel IOC: Hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, dữ liệu tương đối đầy đủ để phát triển tính năng trên nhiều lĩnh vực, quy trình bộ máy tổ chức tương đối hoàn chỉnh, lãnh đạo quan tâm sâu sắc và nhiệt huyết để nâng cao hiệu quả IOC trong giám sát điều hành thành phố, tạo cơ hội cho Viettel phát triển nâng cấp sản phẩm theo đúng định hướng.
Chính quyền cũng như người dân các địa phương đều kỳ vọng lớn vào tương lai của hệ thống IOC và những giá trị mà nó đem lại. Đặc biệt, một số tỉnh thành đã tích hợp các trung tâm điều hành này vào chiến lược chuyển đổi số của địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm IOC Đà Nẵng, chức năng của IOC là nơi thu thập, tổng hợp tất các các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực để phân tích, hiển thị, giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, ra quyết định và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội cho thành phố.
"Việc hình thành Trung tâm IOC sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng”, Giám đốc IOC Đà Nẵng khẳng định.
Hay tại Thừa Thiên - Huế, để đạt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh. Một trong những hoạt động quan trọng là đưa vào khai thác trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với các trang thiết bị hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến… giám sát, điều hành, chỉ huy các hoạt động của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong tương lai, IOC Viettel cần đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các địa phương, cũng như ứng dụng các xu hướng công nghệ mới vào các hệ thống. Đồng chí Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh của VTS cho biết, đơn vị đã xây dựng lộ trình cụ thể cho sản phẩm này, trên 5 khía cạnh: “đa dạng hóa”, “di động hóa”, “cá thể hóa”, “tự động hóa nhiều tầng” và “mô hình hybrid”.
Đầu tiên, với từ khóa đa dạng hóa, IOC sẽ là trung tâm kết nối rất nhiều các hệ thống, nhiều lĩnh vực, nhiều dữ liệu nên tính mở, tính đa dạng của hệ thống phải được sẵn sàng.
Thứ hai, di động hóa, nếu như trước đây, IOC chỉ là hệ thống ở trung tâm điều hành, trung tâm chỉ huy thì bây giờ đã di động theo từng người, đặc biệt các đồng chí lãnh đạo với các nhu cầu rất cụ thể.
Thứ ba là cá thể hóa. VTS hướng đến mỗi người dùng khác nhau sẽ có những tính năng khác nhau, giao diện màu sắc, đặc trưng khác nhau, theo từng người dùng hoặc theo từng địa phương, từng đơn vị.
Thứ tư là tự động hóa nhiều tầng. Dựa trên các mô hình tính toán dữ liệu sẽ ra được các cảnh báo cần thiết, đến người chỉ huy trực tiếp, hoặc lãnh đạo cấp trên, và đến cả cấp cao nhất. Việc phân phối, xử lý các công việc cũng sẽ được tự động hóa.
Cuối cùng là sẽ triển khai mô hình hybrid, tức là IOC vừa tập trung, vừa phân tán. Cấp tỉnh có IOC cấp tỉnh, cấp quận, huyện, cấp sở, ngành cũng sẽ có IOC tương ứng.
Thời gian tới, VTS cũng sẽ tập trung khai thác, sử dụng công nghệ mới trong như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Big Data, IoT,.. cho hệ thống Viettel IOC.