Ngọc Hải (TCT Sản xuất thiết bị Viettel) đã đăng lúc 07:57 - 21.11.2024
Bộ chuyển đổi năng lượng điện (bộ nguồn) là một linh kiện không thể thiếu trong các hệ thống điện, từ các thiết bị điện tử gia dụng nhỏ gọn cho đến các hệ thống công nghiệp quy mô lớn. Nó không chỉ đơn thuần cung cấp điện năng mà còn đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả cho toàn hệ thống. Khi công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng bộ nguồn ngày càng lớn do sự gia tăng của các thiết bị điện tử và nguồn năng lượng sạch.
Chiến lược phát triển của TCT Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) từ khi ra mắt (tháng 10/2022) xác định tập trung nghiên cứu sản xuất nhóm sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng để xây dựng nền tảng cho điều đó, các đơn vị tiền thân của VMC đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả thập kỷ.
Bén duyên với “tủ nguồn”
Anh Nguyễn Thành Khang, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm của VMC vẫn nhớ như in thời điểm năm 2014, khi về công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (đơn vị tiền thân của Viện Hàng không vũ trụ Viettel và TCT Công nghiệp công nghệ cao Viettel hiện nay). Anh được giao nhiệm vụ tham gia nghiên cứu, tìm hiểu các thiết bị chuyển đổi nguồn. Nhưng phải kể từ năm 2015, khi chuyển về làm việc tại Công ty Thông tin M1 (nay đã sáp nhập với Công ty Thông tin M3 trở thành VMC), anh Khang mới chính thức bén duyên với “tủ nguồn” khi được giao chủ nhiệm một loạt các đề tài nghiên cứu cấp đơn vị và Tập đoàn về các thiết bị chuyển đổi nguồn, như đề tài về tủ nguồn indoor hiệu suất 96% (2015), đề tài về tủ nguồn minishelter - giải pháp bảo vệ toàn diện cho các thiết bị ngoài trời (2016), đề tài nghiên cứu về rectifier - mạch chỉnh lưu biến đổi dòng điện (2017),...
Tháng 8/2022, đề tài nghiên cứu hệ thống nguồn thông minh cấp Tập đoàn do anh Khang và đội ngũ kỹ sư VMC triển khai (từ 2020) đã hoàn thành chế tạo sản phẩm tủ nguồn, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật, thử nghiệm thành công trên mạng lưới Viettel nhưng… không bán được.
“Tủ nguồn của chúng tôi lúc đó thậm chí còn có 5 - 6 tính năng vượt trội so với các sản phẩm trên thị trường nhưng không thể thương mại hóa, vì giá thành đắt hơn 1,5 – 1,7 lần so với thị trường”, chủ nhiệm đề tài nhớ lại.
Đó cũng là thời điểm VMC mới hình thành, nhiều đồng nghiệp lựa chọn ngã rẽ mới, anh Khang và nhóm thực hiện đề tài đứng trước những khó khăn, băn khoăn lớn khi sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường.
Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh
Được sự định hướng, chỉ đạo sâu sát của Ban lãnh đạo, trực tiếp là TGĐ VMC Nguyễn Thế Nghĩa, anh Khang và nhóm nghiên cứu quyết tâm mở đường thương mại hóa cho sản phẩm tủ nguồn. Đứng trên vai trò là khách hàng, các kỹ sư VMC đã phân tích kỹ xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh dựa trên sản phẩm của 4 nhà cung cấp lớn đang được sử dụng trên mạng lưới.
Phương án tối ưu được anh Khang và nhóm nghiên cứu đưa ra đó là thay đổi nguyên lý hoạt động, chọn lại cấu trúc, tối giản linh kiện để vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, vừa tạo ra giá thành cạnh tranh.
“Nói là tối ưu vậy thôi chứ không khác gì là đập đi xây mới. Áp lực thời gian “phải nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường” khiến cho chúng tôi “gần như không có thời gian để suy nghĩ xem phương án tối ưu có khả quan hay không, mà phải liên tục vừa làm, vừa thử nghiệm, sai chỗ nào khắc phục chỗ đó”, anh Khang cho biết.
Với kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn được tích lũy theo năm tháng, anh Khang cùng các anh em đã bắt tay ngay vào công việc. Phụ trách thiết kế phần cứng tủ nguồn, anh Nguyễn Tuấn An chia sẻ: “Để kịp tiến độ, chúng tôi phải làm nhiều việc cùng lúc. Vừa tính toán tối ưu thiết kế, vừa chủ động tìm nhà cung cấp linh kiện thiết bị phù hợp để tối ưu chi phí”. Thay vì sử dụng vật tư linh kiện từ Mỹ, châu Âu, các kỹ sư VMC chọn lựa các nhà cung cấp tại châu Á có giá thành thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo về chỉ tiêu kỹ thuật và chất lượng, đồng thời tính toán để phù hợp với năng lực sản xuất của đơn vị, góp phần rút ngắn quá trình thành phẩm.
Song song với đó, anh Khang và các kỹ sư VMC thực hiện tối ưu thiết kế phần mềm, trọng tâm vào việc nâng cấp các giải pháp giám sát, điều khiển. Hệ thống tủ nguồn do VMC nghiên cứu không chỉ thực hiện việc biến đổi nguồn điện (từ dòng điện xoay chiều sang một chiều) mà còn có thể tích hợp với sản phẩm ắc quy cũng do chính Tổng Công ty làm chủ, giúp lưu trữ điện năng để sử dụng khi gặp sự cố điện lưới. Vì thế, các giải pháp giám sát điều khiển thông minh, thuận tiện, hiệu quả được nhóm anh Khang ưu tiên thực hiện.
Thực hiện tối ưu phần mềm giám sát điều khiển tủ nguồn, kỹ sư Hoàng Thành Nam đã nghiên cứu 10 - 15 chủng loại ắc quy và máy phát điện phổ biến trên thị trường, phân tích thông số hoạt động để tìm ra phương án nâng cấp và bổ sung giao thức kết nối, cho phép đồng bộ dữ liệu trên hệ thống giám sát nội bộ Tập đoàn, vừa giúp tăng khả năng giám sát từ xa, vừa đảm bảo an toàn thông tin cho người sử dụng.
Trái ngọt từ những nỗ lực
Suốt 8 tháng miệt mài nghiên cứu, trong vai trò là người chỉ huy, anh Khang chịu nhiều áp lực, có những lúc mệt mỏi nhưng chưa khi nào có suy nghĩ bỏ cuộc, bởi tâm niệm “không thể phí hoài công sức và quyết tâm của anh em, sự tin tưởng của Ban lãnh đạo dành cho mình”. Không chỉ điều hành, anh Khang còn trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu công việc, bám nắm hàng ngày để “sai ở đâu thì khắc phục ngay ở đó”.
Phiên bản nâng cấp, tối ưu của sản phẩm tủ nguồn VMC (gồm có chủng loại indoor sử dụng trong nhà và minishelter sử dụng ngoài trời) đáp ứng các chứng chỉ quản lý chất lượng, có giá thành tương đương với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường, nhưng vượt trội hơn một số tính năng như làm chủ phần mềm giám sát và điều khiển, khả năng kết nối, bảo trì, bảo dưỡng, an toàn thông tin… sẵn sàng chinh phục khách hàng.
Tính đến tháng 11/2024, VMC đã cung cấp gần 300 sản phẩm tủ nguồn cho các trạm BTS trên mạng lưới Viettel và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Dự kiến doanh thu đối với tủ nguồn đến năm 2030 có thể đạt gần 800 tỷ đồng.
Thành quả bước đầu tuy khiêm tốn nhưng là động lực giúp anh Nguyễn Thành Khang và cả nhóm nghiên cứu VMC nỗ lực hơn nữa để liên tục tối ưu sản phẩm.
Trong thời gian tới, các kỹ sư VMC sẽ nâng cấp sản phẩm theo hướng củng cố thiết kế, tập trung phát triển phần mềm giám sát, điều khiển, cập nhật giao thức kết nối mạng 5G,… Cùng với đó, VMC đẩy mạnh triển khai nghiên cứu các sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng xanh - năng lượng tái tạo, trong đó có hệ thống sinh thái năng lượng xanh Vanadium, turbin điện gió công suất 1kW, Hybrid Solar Inverter,… từng bước xây dựng hệ sinh thái năng lượng hoàn chỉnh, không ngừng đón bắt xu thế để định vị thương hiệu.