Ngọc Hải (TCT Sản xuất thiết bị Viettel) đã đăng lúc 15:03 - 17.09.2024
Theo chỉ đạo của Tập đoàn, đội ngũ CBNV TCT Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) tham gia ứng cứu thông tin sau bão số 3 gồm có 30 lượt người, trong đó nhóm được cử đi Hưng Yên gồm có 13 người tham gia sửa chữa máy phát điện tại các nhà trạm và kiểm tra, đo đạc các tuyến cáp quang để hàn nối, gia cố; 17 người được cử đi Quảng Ninh để hỗ trợ chính quyền địa phương kết nối và đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện mất sóng, điện lưới.
TGĐ VMC Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ: “Nhận lệnh của Chủ tịch Tập đoàn giao nhiệm vụ chủ trì khắc phục hậu quả cơn bão tại Hưng Yên, tôi đã trao đổi với chi nhánh Viettel tỉnh về mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó gấp rút huy động lực lượng cơ động triển khai ngay, chỉ đạo anh em cố gắng phối hợp hết sức để khôi phục mạng lưới nhanh nhất”.
Không có giờ giấc
Là một trong những người được cử đi sớm nhất, anh Hoàng Văn Thắng, nhân viên Xí nghiệp Cáp quang & Phụ kiện viễn thông VMC cho biết: “Tối mùng 7/9 bão đổ bộ vào miền Bắc thì đầu giờ sáng 8/9 tôi nhận được lệnh đi Hưng Yên, chỉ kịp mang theo một bộ quần áo trước khi lên đường”.
Lần đầu tiên đi ứng cứu thông tin trong điều kiện gấp gáp, anh Thắng và đồng nghiệp ngỡ ngàng khi chứng kiến những thiệt hại do cơn bão gây ra cho mạng lưới thông tin liên lạc và cuộc sống người dân. Nhưng với tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn đến cùng, anh Thắng và đồng nghiệp đã bắt tay ngay vào công việc được giao, sục ngay vào những điểm “nóng” tại Văn Giang và Khoái Châu (Hưng Yên).
Nhiệm vụ chính của anh Thắng là tham gia cùng với các đồng nghiệp VTNet kiểm tra, hàn nối, xử lý sự cố đứt cáp để nhanh chóng khôi phục mạng lưới. “Công việc không có giờ giấc, chỗ nào gọi khắc phục là chúng tôi có mặt để triển khai ngay, hết điểm này đến điểm khác liên tục có khi đến nửa đêm. Chỉ đạo khẩn trương nên mặc dù mỗi người một nhiệm vụ nhưng chúng tôi không ai bảo ai đều chung tay cùng gánh vác để đẩy nhanh tiến độ”.
Khi đường dây thông tin tại Hưng Yên thông suốt cũng là lúc nhóm anh Thắng nhận lệnh tiếp tục di chuyển sang ứng cứu tại Quảng Ninh. Trận chiến trở nên cam go hơn vì Quảng Ninh là địa bàn rộng, chịu nhiều thiệt hại của bão.
Vì thế, phạm vi hoạt động của nhóm anh Thắng trải dài từ Uông Bí đến Đông Triều, trên nhiều dạng địa hình khác nhau, khi thì vượt quãng đường lụt vào sâu trong các khu dân cư, lúc lại phải vượt đường núi hiểm trở để lên ứng cứu đứt cáp. Thời tiết thất thường nên anh em đi làm luôn chuẩn bị sẵn vải bạt, khi mưa xuống thì 4 - 5 người túm lại che cho thiết bị, đảm bảo cho công việc liên tục với tâm niệm "Người có thể ướt nhưng máy móc không được ướt”.
Lan tỏa tinh thần tương trợ
Không chỉ cùng các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn tham gia ứng cứu mạng lưới Viettel, VMC còn hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc khắc phục sự cố mất kết nối. Từ ngày 11 - 17/9, một nhóm kỹ thuật khác của VMC đã có mặt tại Quảng Ninh để hỗ trợ UBND huyện Vân Đồn kết nối thông tin với 5 xã đảo (Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu) trong điều kiện chưa có điện và sóng liên lạc. Do ảnh hưởng của mưa bão, đường dây liên lạc giữa huyện Vân Đồn và các xã đảo đã bị mất kết nối hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ cứu nạn, trao đổi thông tin.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó TGĐ VMC Phạm Đồng Khởi, trước khi xuất phát, nhóm công tác đã triển khai họp thống nhất kế hoạch, tần số phát sóng giữa các khu vực, đồng thời gấp rút chuẩn bị trang thiết bị mang theo ứng cứu, gồm có 6 bộ máy thông tin liên lạc (để thu phát sóng), đi kèm là hệ thống ắc quy 48V-100Ah và bộ biến đổi inverter 220v (để cung cấp điện) do Tổng Công ty làm chủ hoàn toàn từ khâu thiết kế, chế tạo. Trong điều kiện không có điện lưới, hệ thống của VMC sẵn sàng cung cấp nguồn cho thiết bị làm việc đảm bảo trong khoảng 7 ngày.
Anh Phan Văn Tú, nhân viên Trung tâm Kinh doanh VMC tham gia hỗ trợ tại Quảng Ninh cho biết: “Theo kế hoạch, nhóm chúng tôi sẽ chia thành 6 tốp, phân chia về đóng chốt tại UBND huyện Vân Đồn và 5 xã đảo, thực hiện lắp đặt các bộ máy thông tin liên lạc và tiến hành kết nối với nhau bằng tần số đã thống nhất. Nhưng khi ra đến nơi, thực tiễn vượt ngoài dự liệu của chúng tôi”.
Do đặc thù xã đảo có nhiều địa hình khác nhau, thời tiết sau bão vẫn chưa ổn định nên không thể kết nối được với tần số đã thống nhất ban đầu. Trong hoàn cảnh chưa có sóng điện thoại, cả nhóm buộc phải tự lần mò dò tìm các tần số khác nhau.
Các anh em phải xác định những điểm cao chắc chắn như nóc nhà, ngọn cây… sau đó tự mình trèo lên cố định anten và xoay các hướng khác nhau để bắt được tần số phù hợp. Nếu cần liên lạc, theo sự chỉ dẫn của nhân dân địa phương, các thành viên trong nhóm sẽ tìm đến những nơi có địa hình cao tại đảo để “hứng sóng”, nhưng theo anh Tú “cách này cũng rất khó khăn vì phải di chuyển xa có khi đến 7km, nhưng sóng chập chờn nên chỉ kịp trao đổi những nội dung ngắn gọn”.
“Cứ mỗi giờ, phút trôi qua chưa kết nối được, ai cũng lo lắng và sốt ruột, nhưng mọi người cố gắng trấn tĩnh, động viên nhau tìm phương án. Công việc cứ liên tục kéo dài từ sáng sớm đến nửa đêm, lúc cần nghỉ ngơi thì ngả lưng ngay trên bàn họp trong trụ sở UBND xã để thuận tiện theo dõi tình hình”, anh bày tỏ.
Sau 2 ngày liên tục kiên trì dò tìm, nhóm kỹ thuật VMC vỡ òa cảm xúc khi cuối cùng đã kết nối được tần số giữa các khu vực. “Giọng nói anh em ở bên kia đầu dây chưa bao giờ lại cảm thấy thân thương đến thế”, anh Tú nhớ lại.
Để đảm bảo liên lạc thông suốt, các tốp công tác VMC nhận nhiệm vụ kết nối hệ thống thông tin liên lạc 4 lần/ngày vào các khung giờ 8h, 10h, 14h, 20h để chính quyền địa phương trao đổi công việc giữa các khu vực. Khó khăn đã qua, nhưng anh em kỹ thuật không lơ là, tiếp tục bám nắm tình hình, chủ động phòng ngừa rủi ro, thay phiên trực máy để đảm bảo đường dây thông tin liên lạc trong điều kiện chưa có điện, sóng điện thoại.
Kết nối yêu thương
Đối với anh Thắng, hình ảnh những ngôi nhà hoang tàn, cây cối xác xơ và đổ gãy sau bão, hay hình ảnh người dân ùa ra khi thấy bóng áo Viettel và liên tục hỏi thăm “khi nào có sóng”, khiến cho cá nhân anh và các đồng nghiệp như quên đi hết mệt mỏi, tự động viên bản thân mình cần nỗ lực hơn nữa để đáp lại sự tin tưởng của đồng bào.
Với nhóm kỹ thuật VMC tại Quảng Ninh, anh Tú và các đồng nghiệp không chỉ hoàn thành công tác hỗ trợ kết nối thông tin, mà còn tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương dọn dẹp và khắc phục hậu quả sau bão, tặng quà cho các cháu nhỏ nhân dịp trung thu…
Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ kỹ thuật VMC, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã gửi thư bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc về sự hỗ trợ kịp thời trong việc khắc phục sự cố mạng viễn thông tại địa phương.
Hành trình người VMC đã và đang cùng các đồng nghiệp tại Viettel tham gia ứng cứu thông tin không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả sau bão, mà đó còn là hành trình kết nối yêu thương, lan tỏa tinh thần đoàn kết gắn bó. TGĐ VMC Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ: “Bài học lớn nhất mà VMC rút ra được là tinh thần chung sức đồng lòng để xử lý các vấn đề thách thức cấp Tập đoàn. Cùng với đó, mỗi cơ quan đơn vị trực thuộc Tổng Công ty cũng chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực và nêu cao tinh thần sẵn sàng hỗ trợ đơn vị khác trong Tập đoàn khi cần thiết”.