Phạm Huyền Anh (Viettel Myanmar) đã đăng lúc 17:00 - 16.08.2024
Tháng 6/2007, tôi gia nhập ngôi nhà chung Viettel. Khi đó là mùa mưa tháng 6, đường phố khắp nơi ngập lụt, mưa trắng trời.
Buổi đầu “đọc báo nghe đài”
Viettel Hải Phòng là nơi đầu tiên đón nhận tôi vào ngôi nhà chung Viettel. Tôi còn nhớ ngày hôm đó là thứ 2. Vì muốn tạo ấn tượng với năng lượng trẻ trung, nhiệt huyết, hôm đó, tôi mặc áo cam và quần jean. Đến khi bước vào công ty tôi thấy mình lạc lõng ngay lập tức vì các bạn đều áo trắng, quần âu rất nghiêm túc. Trong lòng có chút băn khoăn nhưng tôi nghĩ chắc không sao đâu, mình là nhân viên mới mà!
Một lúc sau, có một chị (sau này tôi mới biết đó là Trưởng phòng Tổng hợp) hối hả gọi tôi: “Em, nhân viên mới, lên trên này với chị - đọc báo nghe đài - đọc báo nghe đài”. Lại một bất ngờ tiếp theo, thực sự trong đầu tôi không mường tượng ra “đọc báo nghe đài” là gì cho đến nghi bước vào phòng họp, thật sự mọi thứ thật trang nghiêm: Anh Giám đốc ngồi ghế chủ trì, xung quanh là các anh chị em cán bộ nhân viên áo trắng, quần âu đồng bộ ngồi 2 hàng ghế 2 bên ngay ngắn và nghiêm túc.
Sau đó một lúc thì một anh (sau này tôi biết đó là anh ấy là Trưởng phòng Kế hoạch Marketing - và cũng là Trưởng phòng trực tiếp của tôi), anh đọc bản tin bằng giọng đọc chuẩn Hải Phòng với vần “n” và vần “l” thực sự khó phân biệt.
Một đứa nhân viên mới như tôi thực sự hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, nhưng ấn tượng thì đúng là một buổi “đọc báo nghe đài” hết sức người lính, thấy thực sự là mình được vào một môi trường quân đội nghiêm túc.
Thực ra khi đọc các giá trị cốt lõi của Viettel, một người với gần 20 năm được làm việc tại Viettel như tôi, những ký ức cứ dâng trào từng chút từng chút một, những hình ảnh tại các phòng họp với các giá trị cốt lõi làm cho cảm giác thanh xuân cùng năm tháng với Viettel thực sự là một cảm giác khó diễn tả.
Biến cố và thay đổi
Trong các giá trị cốt lõi của Viettel, thực sự chưa có giá trị nào là không thể bỏ qua, đọc tới đâu cũng thấy có những chuyện của chính cá nhân mình ở đó. Với tôi, tình yêu đối với Viettel là một sự thật không thể phủ nhận hay phai mờ theo năm tháng. Lúc nào tôi cũng thực sự cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được sống và làm việc, được trải qua bao năm tháng thanh xuân với Viettel.
Với cá nhân tôi, có lẽ giá trị “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” mang tới một câu chuyện về những gì bản thân mình được trải nghiệm.
Tôi được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ là Trưởng phòng sau 1 năm vào Viettel, nhưng vì là mẹ, là vợ nên với tôi đi nước ngoài và làm việc tại thị trường chưa từng nghĩ tới bao giờ. Ở Việt Nam, công việc có vất vả tới đâu thì tôi vẫn được bên cạnh gia đình nhỏ của mình.
Thế rồi biến cố cuộc đời xảy ra, thực sự thì không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra với mình đúng không? Biến cố này đã dẫn cuộc sống của tôi sang một bước ngoặt, tôi quyết định xin đi thị trường để thay đổi chính môi trường sống của mình, hay nói đúng hơn lúc đó - đối với tôi - là một lựa chọn để tôi có thể tìm quên vào công việc ở một nơi rất xa, giúp mình vượt qua biến cố của bản thân, để lật trang mới cho cuộc sống của 2 mẹ con tôi.
Tôi sang Viettel Myanmar với tâm thế của một người có thừa đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực kế hoạch, hành chính văn phòng và nhận nhiệm vụ là Chánh văn phòng của Mytel. Vì tuy trước làm ở tỉnh nhưng Hải Phòng đủ lớn để minh chứng cho những lĩnh vực tôi sẽ tiếp nhận tại thị trường là “sở trường” của mình.
Tôi, với gần 10 năm kinh nghiệm làm về Kế hoạch, Hành chính văn phòng sang Myanmar được 6 tháng thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cả thế giới chao đảo. Và thế là hành vi “Quên đi cách làm đã từng thành công để bắt đầu một cách làm mới” đã được áp dụng trong tình huống này. Bạn có có tự tin tới đâu, quen thuộc với công việc đến đâu, bạn không bao giờ ngờ được điều gì sẽ xảy ra. Đã có ai có kinh nghiệm xử lý dịch bệnh tại một đất nước nghèo nàn về y tế hơn rất nhiều so với Việt Nam, trong khi lúc đó, chúng tôi không có cả Quân y người Việt tại thị trường, chỉ có bác sỹ người sở tại.
Với tôi lúc đó, việc quan trọng nhất là tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất để tham mưu cho sếp giữ an toàn sức khỏe cho toàn thể anh chị em tại thị trường. Nhiều khi thấy mình khá là tiêu cực vì nghĩ ở đâu cũng có thể lây lan dịch bệnh, ai cũng dễ dàng bị tôi liệt vào F1, F2 hay F3, rồi cách ly một cách cực đoan nhất để đảm bảo dịch bệnh không thể lây nhiễm. Từ mối quan hệ tốt với liên doanh là quân đội, chúng tôi được bố trí tiêm vaccine phòng bệnh sớm nhất, trước cả Tập đoàn tại Việt Nam.
Họa vô đơn chí
Trong một môi trường làm việc như vậy, không một lời kêu ca, anh chị em thương yêu và đùm bọc lẫn nhau hơn. Thực sự dù có vất vả tới đâu thì những khoảng thời gian khó khăn gắn bó bên nhau vẫn luôn làm cho trái tim xa nhà xa quê hương của chúng tôi được hạnh phúc.
Lúc đó, anh chị em chúng tôi ai cũng gần 2 năm không được về với gia đình, luôn trong trạng thái khắc khoải lo lắng cho cả bản thân ở Myanmar và người thân ở Việt Nam. Có những người bố đẻ mất, mẹ đẻ mất cũng không được về để đưa bố mẹ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Những chuyện thật buồn đau nhưng với tình cảm ấm áp của anh chị em đồng nghiệp tại thị trường, mọi thứ được vơi đi rất nhiều.
“Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” đã thực sự giúp cho không chỉ riêng cá nhân tôi mà đồng nghiệp bên cạnh tôi trong thời điểm đó đã luôn được vững vàng và vượt qua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Thời đó, ngoài dịch bệnh, Myanmar xảy ra chính biến vào 1/2/2021: Một ngày, bạn thức dậy thì toàn bộ điện thoại không liên lạc được. Chúng tôi đi tìm nhau từ nhà này sang nhà khác, gặp nhau vẫn vui mừng vì vẫn còn an toàn. Hàng ngày đi đường thực sự là không quen với hình ảnh lực lượng quân đội với các xe tuần bồng súng trên tay. Tối tối đến giờ là những làn sóng phản ánh chính quyền bằng việc khua chiêng gõ mõ, nhà nào có đồ gì là mang đồ đấy ra đập “leng keng, leng keng”,…
Rất nhanh, chúng tôi thích ứng và vẫn tiếp tục chiến đấu đúng nghĩa trên mặt trận này với các anh chị em đồng nghiệp Viettel thân yêu.
Đầu tháng 2/2021, Covid-19 đang bùng phát thì Mytel lại đối diện với chính biến. Song CBNV Mytel vẫn kiên cường bám trụ và tận dụng từng cơ hội nhỏ để kinh doanh.
Đầu tháng 4, lãnh đạo Tập đoàn đã tổ chức buổi nói chuyện với 100% CBNV người Việt tại Mytel và khẳng định quan điểm ưu tiên hàng đầu là bảo vệ con người, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBNV. Giữa hoàn cảnh khó khăn, anh Chu Quang Hưng, Giám đốc Chi nhánh Sagaing - một trong những chi nhánh bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng bất ổn cam kết: “Trong lúc này, các anh em không nghĩ về bản thân mà nghĩ nhiều cho tổ chức. Vì vậy, chi nhánh không có ai đề xuất xin về thời gian này”.
Tháng 8/2021, Mytel đã vươn lên dẫn đầu thị trường Myanmar với 32,5% thị phần, sớm hơn 4 tháng so với mục tiêu ban đầu và tiếp tục duy trì vị thế số 1 cho tới nay. Mới đây, tháng 7/2024, trong buổi đến thăm và làm việc tại Viettel, đồng chí Đào Văn Duy, Tùy viên Quốc phòng của Việt Nam tại Myanmar bày tỏ sự xúc động và khâm phục khi tận mắt chứng kiến những người Viettel dũng cảm nơi đầu sóng ngọn gió. Đồng chí ngưỡng mộ tinh thần lạc quan, sự dũng cảm của người Viettel giữa thời điểm căng thẳng địa chính trị của đất nước này dù gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của Mytel.
Cảm xúc dâng trào, đan xen cả chuyện cá nhân và tập thể nhưng với tôi, điều không thể phủ nhận đó là dù tôi ở Viettel tại bầu trời Việt Nam hay ở bầu trời bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Viettel thì đều là nơi hạnh phúc.
Gửi tới các bạn đọc bài này một câu mà tôi rất thích khi nói về giá trị Thích ứng nhanh của Viettel: “Hãy thay đổi trước khi bắt buộc phải thay đổi để làm chủ quá trình thay đổi”. Tôi, một người Viettel luôn coi thay đổi là tất yếu: Cái duy nhất không thay đổi, chính là sự thay đổi.
Còn bạn thì sao? Bạn có sẵn sàng thay đổi không?
Kính mời CBNV cùng theo dõi các nội dung của Bản tin Văn hóa One Viettel số tháng 7/2024 TẠI ĐÂY