Yêu cầu ‘vô lý' của đối tác và cách ứng phó của người lính XMCP

Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 10:25 - 26.07.2024

Vận dụng giá trị “Truyền thống và cách làm người lính", những nhân sự XMCP chi nhánh phía Nam đã dám nhận việc mới, việc khó, từ đó giúp Viettel tiết kiệm chi phí và không còn lệ thuộc vào đối tác.

Tổ hợp thiết bị đóng bao Haver&Boecker vốn là một thiết bị không thể thiếu trong quá trình đóng gói xi măng sau khi sản xuất. Năm 2006, chi nhánh phía Nam của Công ty Xi Măng Cẩm Phả (XMCP) nhập khẩu 4 tổ hợp máy này để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ hợp gồm 2 phần: thiết bị đóng bao và màn hình điều khiển giúp người vận hành tương tác với phần máy. 

Những yêu cầu khó chấp nhận

Năm 2018, 1 tổ hợp máy bị hỏng màn hình điều khiển trong quá trình sử dụng. Nhưng sau 15 năm, công ty Haver&Boecker đã ngừng sản xuất mẫu thiết bị đóng bao "đời cũ", chỉ ra mắt các thiết bị "đời mới". Thị trường trong và ngoài nước gần như không còn màn hình điều khiển để thay thế.

Sau quá trình tìm kiếm, chi nhánh phát hiện được một đại lý còn sót lại dòng màn hình điều khiển từ 15 năm trước này. Do mức độ khan hiếm, họ báo giá lên đến 1 tỷ đồng (gấp 20 lần giá ban đầu). Chưa kể, XMCP cũng không chắc chắn về chất lượng sản phẩm, tiềm ẩn rủi ro về khả năng vận hành sau này.

Tổng kết lại, Chi nhánh phía Nam của Công ty XMCP chỉ có 3 sự lựa chọn: mua màn hình của đại lý ngoài với mức giá 1 tỷ đồng, thuê đối tác chính hãng sửa máy với giá 3 tỷ đồng hoặc mua trọn vẹn tổ hợp máy "đời mới" với giá 9 tỷ đồng. 

Anh Trần Văn Thiêm, Phó phòng Kỹ thuật cơ điện, Công ty Xi Măng Cẩm Phả chi nhánh phía Nam cho biết: “Ngay cả với phương án thấp nhất, mức chi phí phải trả là quá lớn. Các cán bộ và nhân viên phòng Kỹ thuật cơ điện chúng tôi không chấp nhận điều vô lý đó”.

Một nhóm gồm vỏn vẹn 3 người: Trưởng phòng, Phó phòng kỹ thuật cơ điện và một kỹ sư điện nhanh chóng ngồi lại bàn bạc và đi đến thống nhất: tự sửa lại màn hình điều khiển, cho ra tính năng tương đương với ban đầu.

Tinh thần "tự lực" của anh em XMCP

Trước giờ, thiết bị chỉ vận hành theo luồng công nghệ được đối tác bàn giao, không can thiệp chỉnh sửa gì thêm. Phương án tự sửa lại màn hình là cách làm chưa từng có trước đây. Song, mỗi người đều hiểu nếu không thể sửa hoặc thay thế trong thời gian nhanh nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy việc vừa mới, vừa khó này là thách thức đối với những nhân sự XMCP, nhưng quyết định “tự làm" vẫn được đưa ra đầy nhanh chóng, quyết đoán và kiên định. Giá trị “Truyền thống và cách làm người lính" đã được vận dụng hiệu quả.

IMG_0072
Đằng sau những bao xi măng gọn gàng là quyết tâm sửa đổi thiết bị đến cùng của những kỹ sư điện XMCP.

Quá trình nghiên cứu và mô phỏng diễn ra liên tục trong 2 tháng ròng rã. Mỗi nhân sự đều cố gắng vận dụng mọi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và tham khảo tài liệu trong ngành để hoàn thành. Kiểm tra chương trình, cấu hình lại từng địa chỉ I/O, mày mò thử nghiệm... mỗi nhiệm vụ đều được các anh thực hiện với sự tập trung cao độ.

Mỗi ngày các anh đều dành thêm thời gian để cùng nhau nghiên cứu tài liệu và ứng dụng lên mô phỏng. Không ít lần đi vào ngõ cụt, song quyết tâm làm đến cùng, làm triệt để đã giữ anh Thiêm và các đồng nghiệp đi đến đích.

Anh Trần Văn Thiêm bộc bạch: “Đến ngày quyết định, công đoạn lắp đặt trực tiếp lên thiết bị khiến chúng tôi không dám thở thở mạnh. May thay, tổ hợp thiết bị vận hành trơn tru, thành công trong niềm vui sướng vỡ oà của tất cả mọi người".

“Phải làm mới thực sự mới biết việc khó đến đâu. Trong quá trình sử dụng, chúng tôi dần học hỏi, nắm bắt được nguyên lý, cách thức vận hành của tổ hợp. Cách làm của người lính cụ Hồ đã giúp chúng tôi dám quyết định nhanh và dám nhận việc khó. Chúng tôi đã dám đương đầu với thử thách và thành công”, anh Trần Văn Thiêm hào hứng chia sẻ.

Lấy trí tuệ, quyết tâm đặt lên bàn cân với mức giá “trên trời", Phòng Kỹ thuật cơ điện công ty Xi Măng Cẩm Phả đã dành phần chiến thắng. Đơn vị đã tiếp tục vận hành sản xuất kinh doanh theo mục tiêu đề ra mà không cần bỏ ra khoản phí lớn, đồng thời Viettel cũng làm chủ công nghệ thiết bị đóng bao, không còn lệ thuộc vào nhà sản xuất. Đến nay, đã qua 6 năm nhưng màn hình được các kỹ sư điện XMCP sửa lại vẫn hoạt động trơn tru, đóng góp lớn vào kết quả lao động sản xuất hàng ngày của chi nhánh phía Nam. Giờ đây, máy móc hỏng hóc với nguy cơ phải trả mức phí khổng lồ không còn là nỗi sợ của những người lính XMCP nữa.

Một trong những sự khác biệt tạo nên sức mạnh Viettel là truyền thống và cách làm người lính. Ngay cả trong thời bình, cách làm Tiên Phong - Quyết đoán - Kiên định - Nhanh - Triệt để - Làm đến cùng vẫn được ứng dụng đầy hiệu quả trong cuộc sống của người Viettel. Tinh thần, cách làm đó chính là nguồn sức mạnh to lớn giúp các đơn vị, cá nhân chinh phục khó khăn thử thách để vươn đến tầm cao mới. 

Giá trị cốt lõi: Truyền thống và cách làm người lính

Nhận thức:

-  Viettel có cội nguồn từ Quân đội. Người Viettel là bộ đội Cụ Hồ

- Một trong những sự khác biệt tạo nên sức mạnh Viettel là truyền thống và cách làm người lính.

Hành vi:

-  Truyền thống: 

Trung thành, Kỷ luật, Đoàn kết, Chấp nhận gian khổ, Gắn bó máu thịt, Bách chiến bách thắng.

-  Cách làm:

+ Tiên phong, Quyết đoán, Kiên định, Nhanh, Triệt để, Làm đến cùng.

+ Dám làm những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, dám nhận mục tiêu thách thức.

  • 1189
  • 5
  • 1

Từ bỏ vị trí giám đốc, một người đến Viettel vì những bài toán siêu khó

  • 2974

Giá trị nào sâu đậm nhất với các ngôi sao Viettel?

  • 1247

Bài học thiết kế trạm 4G của kĩ sư VTNet

  • 1238

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 801

Thước phim xúc động về người lính Viettel trong dự án quốc gia

  • 1293

Biết ơn người đi trước theo cách của Viettel

  • 900

Lãnh đạo là tấm gương thực hành văn hóa Viettel

  • 627
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua