Nguyễn Quang Hòa đã đăng lúc 10:15 - 15.06.2023
Hành trình trải nghiệm sẽ đưa bạn đến với rất nhiều sự lựa chọn. Có thể vì yêu mà chọn, có khi là chọn rồi sẽ yêu. Quan trọng là bạn có cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của chính mình hay không. Công việc cũng là một lựa chọn như thế, dù bạn đã đi qua, đang gắn bó hay sẽ tìm thấy. Và làm thế nào để bạn luôn hạnh phúc với công việc của mình? Hạnh phúc thực sự đến từ đâu. Gần như, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi có được thứ mình thiếu nhưng khi có được rồi ta lại muốn có nhiều hơn. Đến khi nào, ta ngừng đuổi theo những tham muốn của chính mình? Thương mời bạn lắng dịu đón nhận cuốn “Cẩm nang hạnh phúc” thuộc tập 1 bộ sách “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare để thấu hiểu bản thân sâu sắc hơn.
Nếu bạn là một người công tác trong lĩnh vực giáo dục thì cuốn sách rất phù hợp với bạn. Nếu bạn làm một công việc khác thì cuốn sách rất ý nghĩa với bạn. Tất cả chúng ta tổng hòa trong một quốc gia hay toàn nhân loại, đều hướng đến xây dựng xã hội nhân bản, truyền trao những giá trị tốt đẹp cho mai sau.
Thầy Thích Nhất Hạnh chia sẻ chi tiết về lối sống tỉnh thức bởi thế giới biến đổi quá nhanh khiến chúng ta không thực sự biết đâu là các kỹ năng mà các thế hệ trẻ cần vun bồi. Để có thể yêu thương, đồng hành, nâng đỡ được thế hệ con trẻ thì mỗi người thầy, người làm cha mẹ cần có đủ chất liệu của một người bình an, hạnh phúc. Bạn thử suy ngẫm, nếu bạn còn quá nhiều âu lo thì điều bạn chỉ dẫn có giúp người khác cảm thấy đúng đắn?
Khi biết chăm sóc tự thân, bạn sẽ là người hạnh phúc.
Là một người thầy trong môi trường giáo dục, bên cạnh nhiệm vụ cao cả là trao truyền kiến thức, bạn có khi nào mong ước thêm: Làm thế nào để giúp những đứa trẻ sống hạnh phúc?
Thực ra, “năng lượng hạnh phúc” có khả năng “lây lan” nếu người hạnh phúc luôn tích cực và kiên nhẫn kết nối, gieo trồng. Một ngôi trường là trường hạnh phúc khi các thầy cô hạnh phúc; một lớp học là hạnh phúc khi các em học sinh hạnh phúc. Dường như, mỗi chúng ta, ngay cả ai đã trưởng thành vẫn có nhu cầu nắm bắt bên ngoài mà lãng quên một việc vô cùng đơn giản là chăm sóc tự thân.
Chăm sóc tự thân là một phương pháp thực tập. Bên cạnh chăm sóc sức khỏe “thân”, mỗi thầy cô nên chăm sóc sức khỏe “tâm” để nuôi dưỡng năng lượng từ bi bên trong mình. Tĩnh lặng để quan sát tâm trước diễn biến của các sự việc xung quanh sẽ giúp người thực tập nhận diện cảm xúc, thấu hiểu nguyên nhân và dần dần chuyển hóa.
Quan sát “tâm” là một tiến trình cần kham nhẫn, nỗ lực không ngừng. Nếu thầy cô quan sát được cảm xúc của chính mình sẽ giúp cho việc quan sát cảm xúc của học trò được tích cực hơn. Thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến cảm xúc của chính mình sẽ giúp thầy cô cảm thông với học trò nhiều hơn. Từ đó, theo lẽ tự nhiên thầy cô sẽ thương trò nhiều hơn.
Thầy Nhất Hạnh cũng là một vị thầy của tất cả chúng ta. Soi mình vào mỗi trang di huấn của Thầy, mỗi chúng ta sẽ ngừng hoài nghi những gì chưa đến, sẽ ngừng hối tiếc những gì đã qua. Càng đọc sách của Thầy, mỗi bạn đọc làm quen với khái niệm “hơi thở chánh niệm” - là hơi thở ở giây phút hiện tại mới thực sự là cuộc sống của bạn. Những ai đã, đang, sẽ thực hành lối sống tỉnh thức như vậy sẽ biết trân quý những gì đang hiện hữu xung quanh. Là thầy cô đang dạy dỗ trẻ hay bạn theo một lĩnh vực khác, bạn hiểu và thực hành hơi thở chánh niệm sẽ giúp bạn đam mê, hăng say không mỏi mệt và duy trì được dài lâu trạng thái tích cực. Công việc nào cũng có thuận lợi và khó khăn, khi đã chọn, hãy trân trọng lựa chọn của chính mình, đón nhận mọi kết quả. Có như thế, bạn sẽ trở thành người thầy hạnh phúc và lan tỏa hạnh phúc ấy đến các trò thân yêu.
“Chúng ta có thể chế tác được năng lượng từ bi một cách dễ dàng. Chỉ cần thấy được nỗi khổ niềm đau trong người kia thì trong trái tim ta ứa ra tình thương đối với họ và ta có thể mỉm cười một cách dễ thương với người kia”.
Xây dựng tăng thân hạnh phúc
Trong trường học có tập thể lớn, để tập thể ấy cùng nuôi dưỡng hạnh phúc và trao truyền cho thế hệ trẻ thì cần xây dựng tăng thân là từ 3 - 4 người dễ dàng truyền thông với nhau. Mỗi nhóm nhỏ như vậy được coi là một tăng thân. Một tăng thân sống thiện lành, đủ năng lực lắng nghe chân thành sẽ có khả năng giúp cả tập thể lớn sống hạnh phúc hơn. Nếu các đồng nghiệp không hòa hợp với nhau, không có bình an thì làm sao giúp được thế hệ trẻ thành công trong học hành. Vì vậy, việc xây dựng tăng thân là vô cùng hữu ích đối với các ngôi trường hay những nơi giáo dưỡng.
Khi thầy cô giáo hạnh phúc thì luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người xung quanh và người được đón nhận điều tuyệt vời ấy cũng là thế hệ học sinh - những mầm xanh hy vọng. Một lớp học hạnh phúc, đoàn kết sẽ nuôi dưỡng tâm hồn bao trẻ em. Các em vốn hồn nhiên nhưng cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường gia đình, sẽ không tránh khỏi đôi lúc nóng giận, nhiều lúc chông chênh. Các em không gọi tên được các cảm xúc chưa tích cực đó nhưng nếu may mắn được thầy cô yêu thương, vỗ về thì các em sẽ trở thành một trẻ em hạnh phúc. Một trẻ em hạnh phúc sẽ kết nối bao cha mẹ sống hạnh phúc hơn. Từ đó, một xã hội hạnh phúc hơn.
Mỗi chúng ta hãy là người thầy của chính mình, không ngừng tu dưỡng bản thân để là một người có giá trị. Nếu bạn rèn nội lực để có khả năng hạnh phúc tự thân thì khi bạn có chọn lĩnh vực nào, có kết giao với ai bạn cũng cảm thấy hạnh phúc.
Nếu như bạn đọc là một giáo chức, xin chúc mừng bạn đã chạm đến cuốn sách này, chúc mừng bạn đang đi trên con đường hạnh phúc. Nếu bạn đọc khác trên toàn thế giới đang kiếm tìm cho mình một hạnh phúc, cũng chúc mừng bạn khi thấu hiểu hạnh phúc là ở tự thân.
Thế giới đang tốt đẹp hơn…
Những người thầy đang hạnh phúc hơn…
Thế hệ trẻ ngày một thấu cảm về hạnh phúc hơn…
Bạn đọc hôm nay và mãi mai sau xin được tri ân những vị thầy cao cả, bằng tất cả niềm tôn kính.