Câu chuyện của Israel và góc nhìn của người lính hạ tầng Viettel

Thành Đạt (Viettel Đồng Nai) đã đăng lúc 22:37 - 19.05.2025

Cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" trở nên đặc biệt với 1 thành viên làm công tác hạ tầng ở Viettel bởi thông điệp về tinh thần vượt khó, kỷ luật kết hợp với sáng tạo và niềm tin vào tương lai.

Cuối tuần nào tôi cũng cố dành cho gia đình một buổi sáng thảnh thơi cùng đi ăn sáng và uống cà phê. Theo thời gian, hầu như quán cà phê nào gần khu tôi sống cũng đã từng được cả gia đình tôi trải nghiệm qua một lần. Tuy nhiên, có lần đầu ghé vào quán Cà phê Trung Nguyên Legend của nhà sáng lập Đặng Lê Nguyên Vũ vừa mới mở, ngoài hương vị cà phê đã có thương hiệu danh tiếng lâu năm. Tôi khá ấn tượng với phong cách sắp xếp và trang trí, trong đó có một điểm đặc biệt là mỗi bàn đều để một cuốn sách “Quốc Gia Khởi Nghiệp” của tác giả Dan Senor & Saul Singer.

Hôm ấy, sau khi vừa nhâm nhi tách cà phê đen, vừa giở đọc thử vài trang sách, tôi thực sự bị cuốn hút, càng đọc càng thấy hay và nhiều liên tưởng đến Viettel. Tuy nhiên, do thời gian chỉ ngồi chút và cũng để nói chuyện, chia sẻ với gia đình, tôi cũng không đọc được nhiều.

Thật may khi trong tủ sách của cơ quan - ngôi nhà thứ hai của mình, tôi đã tìm thấy đầu sách này và đọc được trọn vẹn. Cuốn sách khá hay, lồng ghép nhiều dẫn chứng và nhiều câu chuyện nhỏ cuốn hút, bạn hãy thử đọc một lần xem, sẽ chiêm nghiệm và hiểu được nhiều điều mới lạ của đất nước Israel.

rHQa7WJxHpbI5aXE4PWdATxkWrYme7vLLFNne44G (1)

Cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” là một hành trình tìm hiểu vì sao đất nước Israel - một quốc gia nhỏ bé, dân số chỉ vài triệu người, tài nguyên hạn chế và luôn trong tình trạng chiến sự - lại có thể trở thành cái nôi của những startup công nghệ hàng đầu thế giới. 

Nhưng điều khiến cuốn sách này đặc biệt ý nghĩa với tôi - 1 nhân viên hạ tầng của Viettel - không nằm ở các câu chuyện về gọi vốn đầu tư, mà ở tinh thần vượt khó, kỷ luật kết hợp với sáng tạo, và niềm tin mãnh liệt vào việc xây dựng nền móng cho tương lai quốc gia. 

Tinh thần khởi nghiệp - trong từng trạm sóng dựng lên

Israel thành công không phải vì họ có nhiều tiền, mà vì họ có tư duy dám thử, dám sai và luôn cải tiến. Tương tự như vậy, ở vị trí hạ tầng viễn thông, mỗi công trình ta triển khai - dù là trạm phát sóng ở vùng núi heo hút hay tuyến cáp chạy xuyên qua thị trấn đông đúc - đều là một bước “khởi nghiệp”. Chúng ta không bán sản phẩm công nghệ, nhưng chúng ta xây nền tảng để công nghệ có thể phát triển.

Mỗi lần dựng trạm ở điểm mới, là một lần cho chúng ta sự khởi đầu: khảo sát từ đầu, tính toán kỹ lưỡng, điều phối vật tư chính xác, xử lý vô vàn tình huống phát sinh. Tất cả đòi hỏi tư duy linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ - như chính cách người Israel đào tạo nhân tài trong quân đội và đưa họ vào nền kinh tế.

Kỷ luật quân đội - nhưng không làm triệt tiêu sáng tạo

Israel nổi tiếng vì mô hình nghĩa vụ quân sự toàn dân. Qua đó, họ đào tạo những con người biết làm việc nhóm, tư duy phản biện và chịu trách nhiệm. Ở môi trường viễn thông, đặc biệt trong các tập đoàn có nguồn gốc Quân đội như Viettel, tôi thấy rõ điều đó: kỷ luật là nền tảng, nhưng khi ra quyết định phải cần sự chủ động kết hợp sáng tạo.

Chúng ta kiểm soát tài sản sát sao, từng thiết bị, từng tuyến cáp, từng đồng đầu tư đều có mã số, định danh, theo dõi. Nhưng khi đứng giữa hiện trường, không có một cuốn sổ nào đủ để hướng dẫn bạn xử lý gió lớn, mặt bằng không đạt, hay vật tư đến trễ. Khi ấy, tư duy chủ động, linh hoạt chính là "vốn khởi nghiệp" mà mỗi cá nhân nên có.

BTS NB 9

Tài nguyên ít, tầm nhìn lớn - giống như Israel, giống như ngành hạ tầng

Israel không có dầu mỏ, không có rừng vàng biển bạc, nhưng họ có trí tuệ và lòng kiên định. Trong hạ tầng viễn thông, chúng ta cũng không phải lúc nào cũng có mọi nguồn lực như mong muốn: mặt bằng thi công hạn chế, thời gian siết chặt, chi phí đầu tư phải tối ưu từng đồng. Nhưng mục tiêu thì không nhỏ: phủ sóng toàn quốc, kết nối mọi người dân, mọi doanh nghiệp, xây dựng nền tảng số vững chắc để Việt Nam chuyển mình sang kỷ nguyên mới.

Trong mỗi chỉ tiêu xây mới trạm phát sóng hay mở rộng tuyến cáp, không chỉ là câu chuyện kỹ thuật - mà là câu chuyện quốc gia. Bởi hạ tầng số là "hệ thần kinh" của đất nước số. Không có trạm phát sóng, không có kết nối. Không có kết nối, mọi thứ còn lại chỉ là lý tưởng treo trên giấy.

Tôi học được gì từ "Quốc gia khởi nghiệp"

Tôi hiểu rằng, công việc mình làm - dù lặng lẽ phía sau - thực chất là một dạng khởi nghiệp hạ tầng quốc gia. Và tôi tự hào khi mỗi trạm phát sóng tôi tham gia triển khai, mỗi tuyến cáp tôi kiểm soát kỹ lưỡng, không chỉ phục vụ cho hiện tại, mà còn mở đường cho thế hệ mai sau: học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, thanh toán điện tử, giao thương số.

Người Israel gọi thành công của họ là "phép màu", nhưng thực ra đó là kết quả của từng quyết định nhỏ đúng đắn, được thực hiện bởi những con người kiên trì. Công việc hạ tầng cũng vậy - không hào nhoáng, nhưng chính xác, chắc chắn, có chiến lược và tầm nhìn. 

“Quốc gia khởi nghiệp” không chỉ là sách dành cho doanh nhân hay nhà đầu tư. Đó là sách dành cho mọi người, nhất là những người đang làm việc trong cùng mái nhà Viettel. Nếu Israel đã khởi nghiệp bằng trí tuệ, công nghệ và tinh thần Quân đội - thì chúng ta, những người làm hạ tầng viễn thông, cũng đang góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số hóa - khởi nghiệp kiểu mới, trên nền trạm phát sóng và sợi cáp kết nối từng ngõ xóm.

Cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn cái cũ, nhưng ít nhất trong dòng chảy của những ý tưởng tươi mới cũng giúp hạn chế tiến trình lão hóa trong tư duy.

Và thay cho lời kết, cũng là hướng đến chào mừng Ngày Sáng tạo 1/6 của Tập đoàn, tôi xin trích dẫn một câu trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”, hy vọng bạn cũng sẽ thích cuốn sách và có những trải nghiệm thật nhiều điều mới lạ cho riêng mình: 

“Cái mới không phải lúc nào cũng tốt hơn cái cũ, nhưng ít nhất trong dòng chảy của những ý tưởng tươi mới cũng giúp hạn chế tiến trình lão hóa trong tư duy”.

  • 88
  • 1

'Lính đảo Trường Sa' trong lòng cô gái Viettel

  • 885
  • 4

Tâm sự với đồng nghiệp Viettel cách tôi 'sung sức' suốt tuần

  • 545
  • 4

Ăn gì cho không độc hại

  • 1024
  • 3

Cuốn sách giúp cha mẹ Viettel giải bài toán dạy con trong kỷ nguyên số

  • 4520
  • 2

'CEO xuất chúng' dưới góc nhìn của 1 CEO tại Viettel

  • 5245

Câu chuyện của Israel và góc nhìn của người lính hạ tầng Viettel

  • 88

Ăn gì cho không độc hại

  • 1024
  • 3
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua