Thành viên VTNet cùng nhau 'giải mã stress'

Hà Phương (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 16:10 - 05.07.2024

Được sự quan tâm của BTGĐ VTNet, "Giải mã Stress" được tổ chức nhằm giúp CBNV hiểu rõ hơn về nguyên nhân, biểu hiện và cách quản lý stress hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.

Nhằm nâng nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng quản lý stress cho CBNV, TCT Mạng lưới Viettel đã tổ chức talkshow chuyên đề "Giải mã Stress" trong ngày Gia đình Việt Nam 2024. Đây là một chủ đề tưởng rất quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của mỗi người nhưng vẫn tiềm ẩn những nhận thức chưa đúng và đầy đủ, dẫn tới CBNV không thể lường trước những tác hại có thể xảy ra khi tình trạng stress kéo dài. Bởi vậy, chủ đề cũng thu hút được sự quan tâm, theo dõi và nhận được nhiều câu hỏi từ CBNV.

Chương trình có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý và y học như PGS.TS Bác sĩ Trần Thanh Hương (Trưởng Bộ môn Y đức và Tâm lý Y học - Trường ĐH Y Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia), Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Bộ môn Y đức và Tâm lý Y học, Trường Đại học Y Hà Nội và Ths. BS Đỗ Tuyết Mai, Bệnh viện K và trợ lý - BS Hán Đình Hòe.

Không chỉ tham gia vào “Giải mã Stress”, các y bác sĩ, chuyên gia tâm lý này cũng sẽ tiếp tục trở thành “người bạn đồng hành” của VTNet trong thời gian sắp tới với hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho CBNV.

KRS02041
Bác sĩ Hán Đình Hòe hướng dẫn CBNV tham gia các minigame khởi động về chủ đề stress.

Trong phần thời lượng đầu tiên, các minigame vận động hoặc đố vui như “tin đồn và sự thật” đã giúp khán giả hiểu rõ hơn về stress thông qua các câu hỏi và phần phản hồi trực tiếp. Những lầm tưởng như stress luôn xấu, căng thẳng liên quan trực tiếp đến số giờ làm việc,… đã khiến khán giả trong hội trường và các điểm cầu phải có cái nhìn khác về stress. Bởi trong nhiều trường hợp, căng thẳng có lợi còn giúp ta tạm thời nâng cao hiệu suất và thích nghi để đáp ứng mọi thử thách.

Từ khởi đầu đó, các chuyên gia đã chia sẻ về những trọng tâm chính của chương trình. PGS.TS, bác sĩ Trần Thanh Hương đã giới thiệu cho khán giả về nguyên nhân gây stress, các cách nhận diện và chỉ ra dấu hiệu về stress trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, không chỉ tài chính, công việc, stress có thể đến từ bất kỳ tình huống nào như thời tiết khó chịu, tiếng ồn, tắc đường hay thậm chí thiếu… dinh dưỡng cũng có thể gây ra căng thẳng cho mỗi người. Từ những tác động tích cực ban đầu giúp ta nâng cao hiệu suất công việc, nếu để stress kéo dài, CBNV VTNet hoàn toàn có thể gặp tình trạng đau đầu, lo âu, có vấn đề về tim mạch, hô hấp,… và thậm chí là trầm cảm.

“Mình không thể ngờ được những dấu hiệu tưởng như rất căn bản như khó nhớ, nhức mỏi cơ thể, bồn chồn lo lắng, khó tập trung hoặc thậm chí là đau dạ dày trước 1 cuộc họp quan trọng lại dấu hiệu biểu thị cơ thể mình đang gặp tình trạng căng thẳng. Và càng bất ngờ hơn với những vấn đề có thể xảy đến nếu không tìm cách giải tỏa stress cho mình”, đồng chí Kim Sơn (Phòng Kỹ thuật) - một trong những khán giả theo dõi chương trình cho biết.

KRS02092

KRS02100
PGS.TS Bác sĩ Trần Thanh Hương chia sẻ những kiến thức cơ bản nhất về stress cho CBNV.

Với thang đo mức độ căng thẳng, bác sĩ Trần Thanh Hương cũng cung cấp cho CBNV VTNet công cụ uy tín, dễ dàng nhất để đánh giá mức độ căng thẳng và lo lắng của bản thân trong 1 thời gian nhất định, qua đó CBNV có thể biết mức độ stress của mình và cách giải quyết, cân bằng cảm xúc hay gặp chuyên gia tâm lý. Để từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương tiếp tục có phần chia sẻ sâu hơn về các phương pháp khoa học để đối phó với stress cho CBNV.

Ngay trong chương trình, tất cả CBNV có mặt tại hội trường và các điểm cầu đã cùng nhau đứng dậy và thực hành các bài tập giảm stress ngay tại chỗ. Các chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn cho CBNV cách thở sâu cùng các động tác tập đơn giản có thể thực hiện hàng ngày để giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến khích CBNV tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe tâm lý.

KRS02191
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương trực tiếp hướng dẫn những phương pháp giúp CBNV quản lý căng thẳng.
KRS02167
Phó TGĐ VTNet Nguyễn Văn Quyết cũng nhiệt tình tham gia vào tập luyện các động tác xả stress.

Với hơn 50 câu hỏi được gửi về chương trình, đội ngũ chuyên gia cũng nhận thấy sự quan tâm lớn của CBNV VTNet với căn bệnh trầm cảm. Bởi vậy, Ths. BS Đỗ Tuyết Mai (Bệnh viện K Hà Nội) cũng có thời gian chia sẻ cùng CBNV về các dấu hiệu nhận biết trầm cảm, cách hỗ trợ nếu người thân của mình gặp phải tình trạng này và các phương pháp điều trị cơ bản nhất.

Mặc dù việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia, tuy nhiên, những người đã, đang và có khả năng đối diện với căn bệnh này nên nắm được những thông tin căn bản nhất để điều trị là: tự chăm sóc bản thân, có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động thư giãn lành mạnh và luyện tập những liệu pháp chánh niệm. Bác sĩ Mai cũng đưa ra cảnh báo về những trường hợp cần lập tức liên hệ với chuyên gia tâm lý khi gặp tình trạng mất ngủ kéo dài; mất hứng thú với mọi thứ xung quanh kéo dài; có cảm giác đơn độc, không thể chia sẻ với ai; có suy nghĩ tiêu cực, bi quan quá mức và nhất là khi có ý nghĩ tự sát hoặc hành động gây hại cho bản thân/người khác.

KRS02147

Sau phần chia sẻ của chuyên gia, CBNV VTNet đã tích cực dành sự quan tâm và đặt câu hỏi tới chương trình. Một ví dụ thú vị tới từ câu hỏi của Giám đốc TT Vận hành Khai thác Toàn cầu Ngô Quang Việt về những nguyên tắc để tránh gây stress cho đồng nghiệp khi trao đổi, giao tiếp về công việc, các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên rất cụ thể.

Theo bác sĩ, không chỉ với đồng nghiệp mà ngay với cả người thân của mình, chúng ta cần giữ những nguyên tắc sau: Thứ nhất, ý thức về bản thân mình. Trong khoảnh khắc đó nếu năng lượng của bản thân không tốt/độc hại (vừa bị mắng, cơ thể không khỏe, đang căng thẳng,…) thì khi giao tiếp với người khác rất có thể sẽ truyền những năng lượng đó sang người đối diện và vô tình tổn thương họ. Thứ hai là luôn biết tôn trọng người khác dù ta có đang ở vị thế cấp trên. Ta có thể sử dụng mệnh đề “tôi” trong trường hợp này. Ví dụ: Tôi thấy việc A này phù hợp với năng lực của bạn và bạn hoàn toàn có thể giải quyết được nó nhanh chóng và tiếp đó là lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của nhân viên. Điều đó sẽ cho người đối diện cảm thấy mình được tôn trọng.

Với những câu hỏi được CBNV gửi đến chương trình, do thời lượng có hạn, đội ngũ chuyên gia chưa thể trả lời hết cho các nội dung này. Tuy nhiên, toàn bộ câu hỏi đã được chuyển đến các bác sĩ và Ban TGĐ để có những phản hồi chi tiết nhất cho thắc mắc của CBNV. Dự kiến, các câu trả lời sẽ được gửi lại và truyền thông đến người VTNet thông qua email hoặc các buổi trao đổi/giao lưu với chuyên gia khác của TCT trong thời gian sớm nhất.

KRS02085

Kết thúc chương trình, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VTNet Nguyễn Anh Sơn đã cảm ơn các chuyên gia và nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức chương trình “Giải mã stress”. Theo đó, talkshow này không phải là hoạt động duy nhất mà là một phần trong những kế hoạch sắp tới của VTNet nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần cho CBNV. Điều này bao gồm việc xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện cho nhân viên phát triển toàn diện cả về mặt chuyên môn và sức khỏe tâm lý.

Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc mà còn góp phần tạo nên một tập thể đoàn kết và vững mạnh, nơi mỗi chúng ta đều có hành trang cần thiết, duy trì được trạng thái sức khỏe tâm lý tốt nhất, trở nên hạnh phúc hơn trong cuộc sống và công việc.

  • 1336
  • 4

VTNet nhận chứng chỉ cao nhất về thiết kế Data Center

  • 3616
  • 2

Kỹ sư VTNet nỗ lực đến cùng để chinh phục chứng chỉ khó nhất thế giới

  • 936

VTNet nhận chứng chỉ 'hiếm' cho phòng thí nghiệm

  • 1269
  • 3

Sức mạnh từ những tuyến cáp quốc tế mới của Viettel

  • 3722

VTNet khai trương Data Center mới với nhiều cái 'nhất'

  • 2879
  • 7

Bật mí mẹo giúp người Viettel đánh bại stress

  • 1271

Người Viettel an toàn: Phòng ngừa nguy cơ cháy tại nhà riêng

  • 86

[TRỰC TIẾP] Lễ tôn vinh và trao giải Innovative-me 2024

  • 2073
  • 118

Người Viettel an toàn: Phương tiện chữa cháy - Dùng sao cho đúng?

  • 780

Viettel hoàn thành phát sóng 4G trên nhà giàn DK1

  • 546
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua