'Cái Dũng Của Thánh Nhân' dưới góc nhìn của người Viettel

Hà Thành (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 19:14 - 13.10.2022

Một cuốn sách nhỏ, chỉ với hơn 100 trang nhưng "Cái Dũng của Thánh Nhân" chỉ cho chúng ta phương pháp tu dưỡng để có tinh thần điềm đạm, an nhiên trước mọi hoàn cảnh khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

Nói về cái dũng, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến sức mạnh, sự can đảm, là khả năng chiến thắng đối phương. Thu Giang Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20, bàn đến một ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo ông, Dũng là sự bình tĩnh tuyệt vời mà tác giả gọi là tính điểm đạm. Thời xưa, những người khác biệt, điềm đạm, đạt tới đỉnh cao của sự bình yên trong tâm hồn và dám đương đầu với thách thức thường được gọi là thánh nhân. Nhưng không phải bẩm sinh mà họ đạt được như vậy. Họ vẫn giống người thường, chỉ là họ có cách suy nghĩ và tư duy theo hướng bình thản.

“Cái Dũng Của Thánh Nhân” là cuốn sách với nội dung chính là những tính cách, phẩm chất mà con người cần có để có thể tĩnh tâm trước những giông bão của cuộc đời. Đây là sức mạnh tinh thần, giúp cho con người làm được những việc lớn lao hơn. Nếu có ý chí và quyết tâm thì ai cũng có thể rèn luyện được.

Điểm đạm tức là luôn thản nhiên, bình tĩnh, không để cho ngoại vật động đến tâm của mình. Người điềm đạm là người đã làm chủ được cả tình cảm, dục vọng và ý chí của mình.

Muốn được một tinh thần điềm đạm như các bậc thánh nhân, trước hết phải biết những nguyên nhân khiến lòng ta hay chao động, sợ sệt.

Nguyên nhân thứ nhất khiến cho ta có tính hay sợ là thiếu sức khỏe. Sức khỏe ở đây không phải là sức mạnh của cân cốt mà là khí lực. Nguyên nhân làm cho ta hao tán khí lực là sự náo động vô ích hay nói cách khác là hành động vô ý thức như nói nhiều mà vô nghĩa, gieo sự ngờ vực, sự tan rã, sự cừu thù giữa con người; tính hiếu danh hay sự nóng nảy.

Nguyên nhân thứ hai khiến cho ta thấy sợ hãi chính là bản ngã của mình. Ai cũng muốn được khen và sợ chê. Đó gần như là sinh mạng thứ hai của con người. Lắm kẻ, thà chết hơn sống mà bị dư luận chê bai. Nếu giải thoát được sự nô lệ ấy, là đã đi gần một nửa con đường giải thoát. Kẻ háo danh, trọng dư luận là kẻ rất sợ phê bình. Thay vì sợ dư luận bên ngoài, hãy sợ dư luận bên trong chính chúng ta. Người quân tử sợ mình hơn sợ người, sợ dư luận của mình hơn sợ dư luận của người. Nếu tự mình có điều đáng khinh thì thiên hạ dẫu có tôn sùng bấy nhiêu, cũng vẫn tự xem là xấu hổ. Tự mình biết có điều đáng khen mà thiên hạ có ruồng bỏ, khinh miệt thế nào cũng vẫn tự xem là quý trọng.

Muốn cho tinh thần được độc lập một cách vững vàng hơn, phải tập quyết định lấy những hành động của mình.

Thứ nhất, phải là một người lễ độ, không bao giờ vô lễ với ai, mặc dầu người ta hết sức khiếm nhã với mình. Trả thù là đứng ngang hàng với kẻ nghịch, tha lỗi là đứng lên trên kẻ ấy.

Thứ hai, cần có tinh thần trách nhiệm. Kẻ bao giờ cũng ỷ lại vảo kẻ khác để định đoạt cuộc đời cho mình, bất cứ hành động hay tư tưởng nào, cũng tùng phục, mô phỏng theo kẻ khác. Người như thế là người nô lệ, không thể điềm đạm được.

Thứ ba là nói thật. Người ta sở dĩ nói láo là vì sợ mà nói. Sợ oai quyền, sợ hình phạt, sợ thất lợi, sợ chê cười… Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Càng nói dối chừng nào thì cái dũng khí của mình càng suy nhược chừng ấy. Mỗi khi ta nói dối là mỗi khi ta nuôi dưỡng tính hèn nhát của ta. Không phải bảo kẻ điềm đạm luôn luôn phải nói sự thật. Nhưng nếu vì hoàn cảnh không nên nói, thì thà đừng nói gì cả. Còn thấy cần phải nói thì lời nói của mình phải cho ngay thật.

Thứ tư là nhìn thẳng vào sự thật, đừng để cho trí tưởng tượng viển vông của mình đánh lừa mình. Trí tưởng tượng phải luôn luôn để ở dưới quyền kiểm soát của trí thức. Nếu trí thức nhận xét không đúng thì tưởng tượng tiếp vào chỉ để làm cho hỗn loạn thêm. Trí tưởng tượng là một sức mạnh rất lớn. Khéo kiềm chế, nó làm cho ta có thể thành những bậc vĩ nhân dũng sĩ. Không khéo kiềm chế, nó trở lại là một sức phá hoại làm tinh thần khiếp nhược.

Thứ năm, phải biết xem sự vật ở đời bằng con mắt đại đồng: vinh nhục, thị phi, nên hư, tốt xấu … đều như nhau cả.

Thứ sáu, thành thật đối với mình. Nghĩa là mình đừng gạt mình. Đừng bênh vực sự yếu đuối, lầm lạc. Đừng nói một đàng, làm một ngả.

Tóm lại, phẩm cách con người không phải căn cứ vào tài sản, tước vị. Phẩm cách con người là ở tinh thần tự do của mình đối với ngoại vật.

Với lời văn nhẹ nhàng, thấm thía, “Cái Dũng Của Thánh Nhân” sẽ chỉ cho chúng ta từng bước để chiến thắng bản thân, chiến thắng sự nhỏ nhen ích kỷ để mong cầu một cái dũng thật sự mạnh mẽ xuất phát từ nội tâm, ái dũng siêu thoát khỏi những ràng buộc yếu hèn với thế giới vật chất, đạt được sự điềm đạm mà vẫn kiên cường giống như các thánh nhân.

Nội dung của nó không chỉ kể về những câu chuyện kể về sự dũng cảm của người xưa mà còn bàn phương pháp cụ thể để rèn luyện đến một tinh thần điềm đạm. Do đó, cuốn cẩm nang này cần được đem ứng dụng vào chính bản thân mỗi người và đời sống hàng ngày.

Điềm đạm cách ngôn:

  1. Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người.
  2. Yên vui, thư nhàn là thuốc độc, không nên quyến luyến đam mê.
  3. Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người gièm pha; nghe câu khen ngợi mà mừng là làm mồi cho người nịnh hót.
  4. Nhịn điều người ta không thể nhịn được, dung điều người ta không thể dung được, chỉ có người kiến thức và độ lượng hơn người mới được như thế.
  5. Có yên tĩnh mới nảy ra tinh thần, có tinh thần mới nảy ra trí lực.
  6. Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết; vật gì thịnh lắm thì suy.
  7. Phàm việc đã tốt mà muốn cho tốt quá, nhiều khi hay hỏng.
  8. Ai mà thân được nhàn rỗi thì chí thường hẹp hòi.
  9. Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp, thế mà lửa bao giờ cũng thua nước.
  10. Người ta ở đời, gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận?
  11. Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.
  12. Những điều không thể tránh khỏi, đừng để cho nó bận lòng mình.
  13. Giá trị thật của con người ở nơi nhân cách, không phải ở nơi của cải.
  14. Ít nói, không phải là nói ít mà là đừng nói những điều vô ích.
  15. Cái xấu của mình, có thể tránh được, lại không tránh; cái xấu của người không thể tránh được, lại cố tránh; thật cũng nực cười.

Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20.

Ông làm nghề viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học, Kinh Dịch, với các biệt hiệu: Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử, Linh Chi… Ông sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng…

Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức của ông.

Các tác phẩm:

  • Duy tâm và duy vật (1935)
  • Toàn chân (triết luận) (1936)
  • Thanh dạ Văn chung (1939)
  • Cổ nhân (1940)
  • Thuật tư tưởng (1940)
  • Cái dũng của Thánh nhân (1951)
  • Óc sáng suốt (1952)
  • Thuật tư tưởng (1953)
  • Thuật xử thế của người xưa (1954)
  • Trang Tử tinh hoa (1956)
  • Lão Tử tinh hoa (1963)
  • Văn minh Tây phương và Đông phương (1957)
  • Tôi tự học (1959)
  • Thuật Yêu đương (1961)
  • Lão Tử Đạo đức Kinh (1960) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu)
  • Một nghệ thuật sống (1960)
  • Cái cười của Thánh nhân (1970)
  • Tinh hoa Đạo học Đông phương (1972)
  • Phật học tinh hoa (1965)
  • Nhập môn Triết học Đông phương (1971)
  • Văn hóa Giáo dục miền Nam Việt Nam (1970)
  • Trang Tử Nam hoa kinh (1963) (dịch với lời bình và nguyên văn đối chiếu).
  • Dịch học tinh hoa (1973)
  • Để trở thành nhà văn (1968)
  • Chu Dịch huyền giải (1975)
  • Dịch Kinh tường giải (2014)
  • Tử vi bí kíp
  • Thiền đạo Tinh Hoa
  • Hà Đồ Lạc Thư và Dịch Tượng Luận
  • Thuật dưỡng sinh theo Đạo học Đông Phương
  • Đông Phương y học bí truyền  

Những nguyên tắc của 'đại bàng' Ray Dalio và tâm sự của Hiếu 'mây'

  • 2

TGĐ VHT Nguyễn Vũ Hà: 'Hạnh phúc cũng có phương trình'

  • 4

'Các siêu cường AI' qua giới thiệu của Giám đốc VTCC Nguyễn Mạnh Quý

  • 1

CEO Halotel: 'Người giỏi không phải là người làm tất cả'

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua