Kiều Hải (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:02 - 19.01.2024
Đón tiếp đoàn công tác có Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ, Trưởng Ban Kỹ thuật Lê Bá Tân, Trưởng Ban CNCNC Nguyễn Mạnh Hải, đại diện Ban Pháp chế, Ban Đối ngoại cùng đại diện các đơn vị VHT, VTNet, VMC.
Trong phiên làm việc kéo dài 3 tiếng tại trụ sở Tập đoàn, đoàn công tác tập trung lắng nghe, giải đáp những góp ý, bổ sung của Viettel cho một số điều của “Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006”. Trưởng đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KHCN&MT Quốc hội) chủ trì hội nghị, cùng các ủy viên thường trực của Ủy ban và đại diện Vụ KHCN&MT.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT) được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật TC&QCKT đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế. Đồng thời, thực tiễn thi hành luật thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong FTA thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Do đó, Ủy ban KHCN&MT đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT.
Phát biểu mở đầu, Phó TGĐ Đào Xuân Vũ gửi lời cảm ơn tới Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã xây dựng những quy định, thể chế tạo thuận lợi cho Viettel trong hoạt động SXKD trong nước và các thị trường Viettel đang đầu tư.
“Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Luật TC&QCKT không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của Viettel tại nội địa, những quy chuẩn này còn ảnh hưởng trực tiếp tới 10 nước thị trường của Viettel. Nhiều tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ của Viettel được áp dụng tại thị trường quốc tế. Thậm chí, có những tiêu chuẩn được Chính phủ nước sở tại học hỏi, áp dụng”, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ chia sẻ.
Tiếp nối phiên thảo luận, đồng chí Lê Bá Tân, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn báo cáo đoàn công tác tình hình thực hiện Luật TC&QCKT của Viettel. Theo đó, việc sửa đổi Luật TC&QCKT là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong các hoạt động sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình triển khai, thực hiện Luật TC&QCKT, Viettel đã tuân thủ đầy đủ các quy định ban hành, cũng như đóng góp được hơn 400 bộ tiêu chuẩn cơ sở.
Đến nay, Viettel đã xây dựng 144 bộ tiêu chuẩn cơ sở trong lĩnh vực viễn thông, CNTT; 18 bộ tiêu chuẩn quốc gia và 252 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Trong hoạt động SXKD, Viettel áp dụng 90 bộ Quy chuẩn Việt Nam (QCVN), 34 bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong các lĩnh vực thiết kế, mua sắm, vận hành, quản lý chất lượng dịch vụ, xây dựng hạ tầng viễn thông.
Đối với các tiêu chuẩn quốc tế, Viettel đã triển khai áp dụng vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất thực tế của Tập đoàn 10 bộ tiêu chuẩn ISO, 8 bộ tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), 34 bộ tiêu chuẩn Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ESTI), 76 bộ tiêu chuẩn Lực lượng Chuyên trách về Kỹ thuật Liên mạng (IETF) và 15 bộ tiêu chuẩn Viện Điện tử và Công nghệ Thông tin (IPC).
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn cũng chỉ ra những khó khăn còn tồn đọng trong công tác triển khai Luật TC&QCKT như: Đầu tư phòng thử nghiệm để đánh giá QCVN chưa đồng bộ với việc xây dựng; Một số trường hợp ban hành TCVN/QCVN liên ngành về hạ tầng viễn thông trong các công trình giao thông, xây dựng còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời; Việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cần có quy định để doanh nghiệp được phép chi hợp lý từ các nguồn kinh phí khác nhau.
Đồng chí Lê Bá Tân đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần có phương án thúc đẩy nhanh quá trình ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn liên ngành để tháo gỡ khó khăn. Đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đẩy nhanh quá trình trao đổi thông tin, nắm bắt ý kiến từ các đơn vị liên quan hiệu quả hơn nữa.
Buổi thảo luận diễn ra cởi mở với nhiều đóng góp từ lãnh đạo Ban CNCNC, Ban Pháp chế, cùng đại diện các đơn vị như VHT, VMC, VTNet. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban CNCNC đề xuất Viettel được chủ động tuân theo bộ tiêu chuẩn cơ sở của riêng mình trong một số hoạt động mua, dự trữ vật tư cho quá trình sản xuất thiết bị, thay vì thông qua tiêu chuẩn của Bộ Tài chính như trước kia.
Đồng chí Phạm Đồng Khởi, Phó TGĐ VMC đại diện đơn vị nêu thực trạng nhiều sản phẩm tuân theo tiêu chuẩn của quốc tế nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn khi về Việt Nam, hay một số mặt hàng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu nhưng chưa được cấp tiêu chuẩn quốc tế. Hệ quả, quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp bị chậm trễ, kéo dài. Đại diện VMC đề xuất đơn vị cấp quy chuẩn cần nâng cao năng lực đánh giá, đảm bảo cơ sở vật chất cho quá trình thử nghiệm, bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội gửi lời cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn và các cơ quan, đơn vị của Viettel đã tiếp đón, tổ chức và đánh giá cao những đóng góp của Viettel trong công tác sửa đổi, bổ sung “Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam”.
“Đoàn công tác tiếp sẽ thu những ý kiến, đóng góp của Viettel trong buổi thảo luận hôm nay và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, áp dụng vào nội dung sửa đổi sao cho hiệu quả, khả thi nhất khi áp dụng vào thực tế”, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn phát biểu.