Kiều Hải (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 10:56 - 10.12.2023
Hội nghị Tổng kết công tác An toàn vệ sinh lao động, Phòng chống bệnh nghề nghiệp (ATVSLĐ, PCBNN) năm 2023 được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2023, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng triển khai nghiệm vụ năm 2024, góp phần cùng cơ quan, đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong năm mới.
Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ - Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ, PCBNN đã chủ trì Hội nghị với sự tham gia của các đồng chí trong Hội đồng, đại diện của hơn 20 cơ quan, đơn vị tham dự trực tiếp và trực tuyến qua cầu truyền hình.
Theo báo cáo của đồng chí Lê Bá Tân - Trưởng Ban Kỹ thuật, đại diện cơ quan thường trực của Hội đồng trình bày tại Hội nghị, năm 2023, các đơn vị đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định về ATVSLĐ. Những thành tích nổi bật có thể kể tới như khám sức khỏe định kỳ cho gần 40.000 CBNV, khám bệnh nghề nghiệp cho gần 500 CBNV có nguy cơ cao, tổ chức huấn luyện, cấp chứng nhận/chứng chỉ ATVSLĐ cho hơn 25.000 người lao động, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân cho gần 14.000 CBNV. Toàn bộ máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn được theo dõi, lưu sổ kiểm định đạt an toàn theo đúng quy định.
Tập đoàn đã biểu dương các cơ quan, đơn vị tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ứng dụng công nghệ trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Điển hình là Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) thông qua các kênh truyền thông như website Chuyển động VTNet, màn hình chờ máy tính cá nhân, hệ thống phát thanh, đã truyền tải nội dung về an toàn lao động đến 100% nhân viên. Hay như Tổng công ty Bưu chính Viettel (VTPost) áp dụng camera AI giám sát hành trình thùng xe và lái xe, cảnh báo kịp thời khi lái xe ngủ gật, đi sai hành trình. TCT Công trình Viettel (VCC) đã thực hiện cấp thẻ an toàn lao động điện tử, tin nhắn cảnh báo mất an toàn các trạm hạ tầng cho thuê, trạm xã hội hóa cho chủ nhà, đối tác.
Tại phiên thảo luận, đại diện VCC, VTNet, VTPost, VCM đã tham mưu, đề xuất giải pháp về công tác an toàn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực của đơn vị mình phụ trách.
Ghi nhận công tác ATVSLĐ, PCBNN năm 2023 của Viettel đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp nâng cao hiệu quả SXKD, song Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: lực lượng làm công tác An toàn vệ sinh lao động còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm; đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo dưỡng trang thiết bị chưa tuân thủ quy định của cơ quan cảnh sát PCCC địa phương; công tác giám sát đối tác thi công còn chưa sâu sát, dẫn đến xảy ra những vụ việc đáng tiếc; các đơn vị còn để xảy ra tai nạn giao thông do không làm chủ tốc độ, uống rượu bia khi lái xe.
Phó TGĐ Tập đoàn nhấn mạnh quan điểm của Viettel là “Phát triển SXKD phải đi đôi với cải thiện điều kiện lao động và bảo vệ môi trường”.
Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ giao 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ, PCBNN của Tập đoàn năm 2024:
Thứ nhất, các đơn vị rà soát lập kế hoạch và tổ chức khắc phục dứt điểm các tồn tại trong năm 2023, tổ chức triển khai các nội dung về ATVSLĐ năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Trong đó, các đơn vị lưu ý nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát và tổ chức bộ phận ATVSLĐ chuyên trách/ bán chuyên trách theo quy mô đơn vị; Tăng cường quán triệt cho CBNV tuân thủ các quy định của Pháp luật khi tham gia giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn; Rà soát, khắc phục triệt để các tồn tại về công tác PCCC tại đơn vị; Trang bị phương tiện bảo hộ lao động đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu của từng vị trí công việc; Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị máy móc đúng quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất; Thường xuyên quan tâm chăm lo đến việc nâng cao sức khỏe cho CBNV từ việc duy trì khám sức khỏe định kỳ đến việc đảm bảo dinh dưỡng cho từng bữa ăn.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực ATVSLĐ, sử dụng phương tiện truyền thông như trang nội bộ để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ đến CBNV trong đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị đặc thù nhiều nhân sự, trải dải nhiều vùng miền như VTPost, VCC, VTNet, cần xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ qua hình thức online, đáp ứng nhu cầu của CBNV.
Thứ ba, các nhà máy, dây chuyền sản xuất như VMC, XMCP, VHT, cần tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp máy móc, thiết bị an toàn lao động, phòng chống cháy nổ để nâng cao năng suất, đảm bảo an toàn cho người lao động.
Thứ tư, với với các đơn vị có lực lượng lao động thường xuyên di chuyển, có nguy cơ mất an toàn giao thông cao như VTPost, VCC, VTT, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, tổ chức đào tạo cho người lao động các kỹ năng sơ cấp cứu tại chỗ.
Thứ năm, các đơn vị VCC, VTNet, VAM có lực lượng CBNV thường xuyên làm việc trên cao, tiếp xúc với nguồn điện dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn lao động, đặc biệt là an toàn điện tại các nhà trạm, tổng trạm, tòa nhà, kiểm tra chất lượng trang thiết bị bảo hộ an toàn lao động cá nhân như dây đai an toàn, bảo hộ an toàn điện.
Thứ sáu, với các đơn vị, bộ phận thường xuyên làm việc tại văn phòng, ngồi lâu tại một vị trí, dễ mắc các bệnh văn phòng, lãnh đạo đơn vị tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao tập thể, nâng cao sức khỏe như các giải chạy online, tập thể dục trong giờ Happy Time, duy trì lối sống lành mạnh và khoa học.