Phương Nhung (Chi nhánh Công trình Viettel Bình Định) đã đăng lúc 14:34 - 07.11.2024
Đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ với 2 nhân sự trong đội là anh Nguyễn Quang Ẩn (34 tuổi), nhân viên kỹ thuật nhà trạm và anh Nguyễn Thế Dũng (35 tuổi), nhân viên kỹ thuật dây máy ở cụm Tây Sơn - Vĩnh Thạnh.
16h ngày 6/11/2024, khi đang triển khai lắp đặt giải pháp tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), 2 anh nhận được lệnh di chuyển hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn từ anh Nguyễn Ngọc Nhơn, Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm huyện Tây Sơn. Ngay lập tức, cả 2 xuất phát lên đường làm nhiệm vụ, tới vị trí trạm phát sóng ở xã Vĩnh An để thực hiện xoay hướng ăng-ten thu phát về hướng núi để hỗ trợ vùng phủ tìm kiếm.
Khoảng 17h30, khi nhận được thông tin vị trí của phi công gặp nạn từ phía lực lượng kỹ thuật của VTNet, 2 anh tiếp tục tiến vào rừng sâu, chia làm 2 hướng tìm kiếm. Anh Ẩn thuộc nhóm tìm kiếm đầu tiên và anh Dũng thuộc nhóm tìm kiếm thứ 2.
Theo lời anh Ẩn kể, mặc dù đã nhận được vị trí tọa độ của 2 phi công, nhưng do di chuyển trong rừng sâu, trời lại tối, tín hiệu lúc được lúc không nên anh cùng đoàn cứu hộ phải vừa đi vừa hú gọi và cuối cùng cũng nhận được đáp lại của anh Quân vào khoảng 20h.
“Lúc ấy, cả nhóm đã mệt lả, dự định quay về, song khi tôi mở máy thấy tọa độ của anh Sơn cách đó khoảng hơn 600 mét đường rừng”, anh Ẩn nhớ lại. Sợ anh Sơn trong rừng qua đêm mưa ướt lạnh sẽ rất nguy hiểm, đoàn thống nhất để các thành viên đuối sức hỗ trợ đưa phi công Quân xuống núi trước. Vài người còn lại tiếp tục dò dẫm từng bước một, mất gần 3 giờ nữa mới nghe thấy tiếng gọi của phi công Sơn.
Anh Ẩn cho biết “Chúng tôi tiếp tục tìm thấy anh Sơn ở vị trí cách anh Quân khoảng 1km. Lúc đó, cả đoàn gần như kiệt sức, tất cả đều bị căng cơ và đói, khát do phải di chuyển lâu trong rừng sâu, sông suối chảy rất xiết và trời thì lại mưa tầm tã”.
“Còn một chai nước không ai dám uống và 2 gói mỳ, chúng tôi để dành cho phi công. Khi đi qua suối, khát quá cả đoàn đành uống tạm nước suối để tiếp tục hành trình. Mệt, vất vả như vậy nhưng khi tìm được 2 anh, cả đoàn đều vui mừng và thở phào nhẹ nhõm”, anh Ẩn chia sẻ.
Trong điều kiện tìm kiếm đặc biệt khó khăn, nhưng lo lắng cho 2 phi công ở đâu đó trong rừng đang phải đối mặt với nguy hiểm, anh Ẩn, anh Dũng cùng tất cả lực lượng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn đã vượt qua mọi trở ngại bằng chính nghị lực, bản lĩnh, cùng sự hợp sức của toàn lực lượng.
Cuối cùng, đoàn đã giải cứu thành công 2 phi công sau hơn 10 tiếng máy bay rơi.
Trước đó, máy bay Yak-130 (số hiệu 210 D) Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức ban bay huấn luyện tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định).
Máy bay cất cánh lúc 9h55 ngày 6/11. Lúc 10h38 khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp nhưng vẫn không được.
Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10h51 tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn (Bình Định).
Ngay khi nhận được thông tin từ Chủ tịch tỉnh Bình Định, lực lượng kỹ thuật VTNet, VCC, Viettel Bình Định đã ngay lập tức triển khai các giải pháp kỹ thuật để tìm kiếm 2 phi công gặp nạn.
Cụ thể, Viettel đã tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của 2 phi công và phát hiện ra khu vực nghi ngờ phi công nhảy dù. Tuy nhiên, địa hình vùng đồi núi gây khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ.
Từ khu vực nghi ngờ, Viettel tiến hành khoanh vùng những trạm phát sóng mà phi công có thể đáp xuống, song song thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: Xoay chỉnh hướng và góc ngẩng anten, tăng công suất phát tối đa của các trạm phục vụ. Đồng thời, Viettel tận dụng các giải pháp phát sóng băng tần thấp để ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng vào khu vực vùng đồi núi và vị trí nghi ngờ phi công đáp trước đó.
Với việc tăng công suất phát sóng lên 4 lần, đồng thời hiệu chỉnh góc ngẩng của anten, vùng phủ của mạng Viettel mở rộng lên 5 - 7 lần so với trước, đồng thời phủ sóng 4G lên những khu vực đồi núi cao xung quanh.
Sau các nỗ lực này, cùng với việc di chuyển của phi công, đến 16h30, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, 1 trong 2 phi công đã bắt được sóng và thực hiện cuộc gọi đầu tiên, đồng thời Viettel cũng xác định tọa độ và tổ chức tìm kiếm. Đến 20h, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Thượng tá Quân và đến khoảng 22h20 đã tìm thấy Đại tá Sơn. Cả 2 phi công đều an toàn.