Tuấn Kiệt - Kiều Hải (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 10:21 - 26.04.2024
Tháng 4 vừa qua, Viettel khai trương trung tâm dữ liệu mới với công suất 30MW với hơn 2400 tủ rack, diện tích sàn hơn 20 nghìn mét vuông. Đây là 1 trong 14 trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của Viettel trên khắp cả nước, là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam xét theo tổng quy mô đầu tư.
Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng bày tỏ quyết tâm bùng nổ điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu, góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế số của đất nước như cách Viettel đã làm trong cuộc cách mạng di động, internet băng rộng.
Chia sẻ với Viettel Family, đồng chí Lê Hoài Nam, PGĐ Viettel IDC lý giải để một trung tâm dữ liệu được công nhận là “chuẩn xanh” cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố từ thiết kế, vận hành đến nhân lực, vật lực.
- Thưa anh, tại sao chúng ta lại chọn hướng xây dựng DC xanh và những yếu tố nào giúp DC của chúng ta là “chuẩn xanh”?
Nguồn vốn để xây dựng DC Hòa Lạc là nguồn vốn xanh, có nhiều ưu đãi, vay từ ngân hàng HSBC. Mà để sử dụng được nguồn này, chúng tôi cần chứng minh cho họ thấy các hoạt động của DC phải “chuẩn xanh”.
Một DC, không phải mình cứ tuyên bố xanh là nó sẽ “xanh”. Xanh không có nghĩa trồng nhiều cây là đâu (cười). Tỷ lệ không khí, môi trường xung quanh,… cũng chỉ là 1 chỉ số, còn rất nhiều chỉ số khác.
Để một trung tâm dữ liệu trở thành “chuẩn xanh” cần hội tụ rất nhiều yếu tố từ thiết kế, công nghệ, đến các vấn đề liên quan đến hiệu năng, công suất sử dụng và thậm chí là bộ máy nhân sự vận hành trung tâm đó. Tức là từ lúc lên “idea” thiết kế DC, chúng tôi đã cần tính toán đầy đủ các yếu tố nêu trên.
- Anh có thể phân tích kỹ hơn những yếu tố này?
Tiêu chí đầu tiên để trở thành một DC chuẩn xanh là “xanh” trong tiêu thụ năng lượng. Để hoạt động, một DC cần tiêu thụ nguồn năng lượng lớn. Do đó, việc tiêu thụ năng lượng cần được trình bày, thiết kế một cách rất chính xác và tối ưu thiêu thụ.
Bản chất mình tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng công nghệ hiệu năng cao hơn nhưng công suất tiêu thụ không đổi. Tôi lấy ví dụ: Thay vì mua máy tính có chip xử lý 1 tỷ phép tính trên giây, mình sẽ mua một chiếc có chip làm 3 tỷ phép tính trên giây nhưng cũng tiêu thụ ngần đấy điện năng.
Hay với hệ thống giải nhiệt. Để đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì bắt buộc phải dùng hệ thống chiller giải nhiệt nước. DC muốn xanh thì hệ thống làm mát cũng phải sử dụng công nghệ mới nhất. Và Viettel IDC chọn phương án giải nhiệt nước. Giải nhiệt nước sẽ tối ưu hơn giải nhiệt gió. Với hệ thống chiller, Viettel cũng chọn thiết bị mới nhất bây giờ như là công nghệ điện từ, chân không, giảm thiểu cái mức điện năng của thiết bị chiller.
Thứ hai là xanh trong kiến trúc. DC của Viettel được thiết kế với kiến trúc hình tổ ong giúp giảm nhiệt lượng và tạo đối lưu không khí cho tòa nhà. Lý do bởi khu vực Hòa Lạc - nơi đặt DC, là một vùng nóng hơn trung tâm Hà Nội rất nhiều. Thậm chí nhà vệ sinh trong trung tâm cũng cần tối ưu để giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon.
Thứ ba, DC của Viettel xanh về cả con người. Nhân sự vận hành sẽ được tối ưu cho phù hợp nhất. Tối ưu con người thì bằng cách tăng khả năng, trình độ của nhân sự mình lên. Làm sao để một người giải quyết nhiều việc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao nhất.
Hiện chỉ số PUE của DC Hòa Lạc là rất tốt. PUE là thước đo năng lượng cần thiết để vận hành và làm mát một trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu thông thường sẽ có chỉ số PUE dao động ở mức 1.55, 1.6, trong khi của chúng tôi chỉ là 1.4.
Thứ tư, như tôi đã nói, DC mới khánh thành còn xanh từ nguồn vốn khi đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Việt Nam nhận được tài trợ tín dụng xanh của ngân hàng HSBC.
- Lợi thế của một DC xanh trong kinh doanh so với những nhà cung cấp DC khác là gì?
Hạ tầng trung tâm dữ liệu cũng là nơi các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát rất kỹ. Để quyết định đầu tư vào trung tâm dữ liệu, họ sẽ xem xét hạ tầng của mình có đủ tiêu chuẩn không, có đáp ứng được các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong tương lai không và có thực sự phát triển bền vững hay không.
Giả sử giữa 2 nhà cung cấp DC, bên nào có chứng chỉ bền vững, có những cam kết về bảo vệ môi trường, dù chi phí cao hơn một chút, khách hàng họ vẫn ưu tiên hơn. Đây là hướng đi của Viettel cũng như Viettel IDC trong thời gian tới.
Hơn nữa, một DC có tiêu chuẩn cao, tác động môi trường càng thấp thì tính bền vững càng cao, đây cũng là điều kiện thu hút các doanh nghiệp tin tưởng đầu tư.
- Theo anh, tiềm năng phát triển DC xanh trong tương lai ra sao và chiến lược của Viettel thế nào?
Viettel đề ra lộ trình đầu tư dài hạn đến năm 2035 và chúng tôi vẫn xác định là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt, đảm bảo an ninh về dữ liệu cho quốc gia. Tiềm năng phát triển trong tương lai đầy hứa hẹn khi mạng 5G phát triển, nhu cầu về dữ liệu ngày càng tăng và sẽ trở thành điều kiện bắt buộc.
Toàn Tập đoàn cũng cam kết phát triển xanh và riêng Viettel IDC năm vừa rồi đã làm báo cáo phát triển bền vững. Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để sử dụng nguồn vốn xanh, tham gia các hiệp hội, tổ chức cam kết phát thải bằng 0 trên thế giới. Bản thân Viettel IDC sẽ tham gia các dự án về giảm phát thải carbon của Chính phủ, xây dựng môi trường phát triển kinh tế, đầu tư minh bạch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bên ngoài.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.