Phạm Ngọc Hải (TCT Sản xuất thiết bị Viettel) đã đăng lúc 10:39 - 18.11.2023
Cách đây 78 năm về trước, ngày 21/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL điều chuyển Sở Vô tuyến điện Việt Nam về trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Bắt đầu từ đây, Xưởng Vô tuyến điện (thuộc Sở Vô tuyến điện) phát triển ngày một lớn mạnh hình thành lên Nhà máy Thông tin M1 (năm 1965).
Quang cảnh Nhà máy Thông tin M1 những ngày đầu thành lập.
Trước yêu cầu phát triển cơ sở sửa chữa khí tài thông tin theo hướng chuyên sâu, thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Nhà máy Thông tin M2 được thành lập ngày 1/11/1968 tại vùng rừng núi Khải Xuân (Phú Thọ) trên cơ sở toàn bộ thiết bị, cán bộ, công nhân ngành Máy nổ và phần lớn ngành Rèn của Nhà máy M1. Tiếp đó, năm 1970, Xưởng Thông tin M3 đã được thành lập trên cơ sở tiếp nhận cán bộ kỹ thuật, công nhân và cơ sở vật chất của ngành điện thoại, tổng đài, sửa chữa máy đo lường của Nhà máy M1. Đây là đơn vị tiền thân của Nhà máy Thông tin M3 hình thành tháng 12/1971.
Lễ khánh thành Nhà máy Thông tin M3, ngày 10/12/1976.
Trải qua quá trình phát triển, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tháng 12/1989, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định sáp nhập Nhà máy M2 vào Nhà máy Thông tin M1. Lịch sử đã ghi nhận các đơn vị M2, M3 đều có nguồn gốc xuất phát từ Nhà máy Thông tin M1, có thời gian tách ra rồi sáp nhập trở lại, để từ đó hình thành lên Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) ngày hôm nay.
Trụ sở VMC tại An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).
Hơn 1 năm hình thành (từ tháng 8/2022), bám sát định hướng chiến lược của Tập đoàn Viettel, VMC tiếp tục đi sâu hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất thiết bị quang điện tử, cáp quang và phụ kiện viễn thông. Mô hình tổ chức được kiện toàn, vị trí làm việc được ổn định ở cả 3 khu vực hoạt động, gồm trụ sở An Khánh (Hoài Đức), cơ sở sản xuất tại Xuân Khanh (Sơn Tây) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Năm 2023, VMC đã tiếp nhận thêm cơ sở sản xuất mới, đó là Xưởng X5 với diện tích 9.600m2 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần mở rộng không gian hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí phục vụ sản xuất khí tài công nghệ cao.
Vừa sản xuất, VMC vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực mới, tiến tới làm chủ nhiều công nghệ lõi như công nghệ sản xuất các sản phẩm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; công nghệ vật liệu; công nghệ tự động hóa, dẫn đường điều khiển trong các sản phẩm lưỡng dụng như xe tự hành, robot nhà xưởng, thiết bị bay không người lái (UAV), bước đầu đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Ắc quy Lithium do VMC làm chủ từ khâu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đã đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, vượt biển lớn, xuất khẩu sang thị trường Châu Phi; Hệ thống điện gió 1kW do Tổng Công ty làm chủ từ khâu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đã triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 trên mạng lưới Viettel… mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Với sứ mệnh được Tập đoàn, Quân đội và đất nước giao phó, CBCNV VMC hôm nay đã và đang không ngừng học hỏi, thay đổi tư duy, đổi mới và sáng tạo mỗi ngày, cộng hưởng sức mạnh, tiếp nối bề dày truyền thống 78 năm xây dựng và trưởng thành, để hiện thực hóa khát vọng trở thành doanh nghiệp sản xuất công nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới.