Thái Sơn (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 17:08 - 02.12.2023
EUGAP - Ericsson User Group Asia Pacific là Hội nghị của các nhà mạng sử dụng thiết bị của Ericsson tại Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức vào cuối tháng 11/2023. Đây là Hội nghị thường niên, được Ericsson chủ trì trong suốt 25 năm qua nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà mạng và Ericsson. Tham gia sự kiện có 16 nhà mạng đến từ 10 quốc gia trong khu vực.
Đến với EUGAP 2023, VTNet góp mặt những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vô tuyến hay mạng lõi. Đó là 3 đồng chí Đinh Văn Doanh, Nguyễn Hữu Anh Khoa, Nguyễn Khắc Thành của TT Kỹ thuật Toàn cầu. Ngoài ra, đoàn Viettel còn có đồng chí Nguyễn Ngọc Quang Vinh của Ban Kỹ thuật Tập đoàn.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Viettel đã chia sẻ 2 chủ đề đang được cộng đồng viễn thông thế giới quan tâm. Trưởng đoàn Đinh Văn Doanh giới thiệu giải pháp ZDT do chính các kỹ sư VTNet tự nghiên cứu, phát triển, ZDT giúp quản lý, tối ưu vùng phủ sóng vô tuyến chủ động, hướng khách hàng. Chủ đề quy hoạch hạ tầng mạng Cloud cho core 4G/5G do Đ/c Nguyễn Khắc Thành chia sẻ.
Đ/c Doanh tập trung giới thiệu về các tính năng tối ưu mạng lưới của giải pháp ZDT mà khó có thể tìm thấy ở các phần mềm khác trên thế giới và những hiệu quả thực tế đã mang lại cho mạng lưới Viettel tại Việt Nam và 9 thị trường nước ngoài. Anh nhấn mạnh giải pháp ZDT được coi là sản phẩm đột phá của ngành vô tuyến, giúp Viettel biết được chất lượng sóng của từng điểm trên bản đồ, mọi lúc, mọi nơi. ZDT thay đổi hoàn toàn cách làm trước đây khi phải đi đo kiểm hay khách hàng phán ánh mới biết được chất lượng mạng. Điều này đặc biệt hữu ích với mạng lưới tại các thị trường nước ngoài, giúp các kỹ sư tại Việt Nam nhìn thấy chất lượng mạng từng khu vực trên thế giới.
ZDT đã thu hút được sự chú và mong muốn tìm hiểu kỹ hơn của rất nhiều nhà mạng trên thế giới. Như nhà mạng hàng đầu thế giới Telstra (Úc) đặc biệt quan tâm đến tính năng Twinbeam antenna support. Chuyên gia Telstra cho biết cũng đang rất “đau đầu” khi có nhiều anten twinbeam hoạt động không hiệu quả, giải pháp của Viettel đã cung cấp ý tưởng để dự đoán hiệu quả trước khi ra quyết định lắp đặt thiết bị. Nhà mạng Telkomsel – Indonesia (150 triệu thuê bao) đã thử nghiệm giải pháp tương tự nhưng số mẫu ít, chưa có áp dụng nhiều vào thực tế. Telkomsel mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các hãng Samsung, Oppo, Xiaomi để mở tính năng trên các dòng đầu cuối nhằm tăng số mẫu, cũng như chia sẻ hạng mục cần triển khai.
Nhà mạng Digital Nasional Berhal (nhà mạng 5G duy nhất tại Malaysia, sở hữu tốc độ 5G cao thứ 3 thế giới) quan tâm đến tính năng tối ưu vùng phủ tự động. NBN (Úc) rất hứng thú với tính năng đo kiểm, nghiệm thu trạm mới thay vì đo kiểm thủ công tốn rất nhiều nguồn lực và thời gian. 2 nhà mạng đã đề xuất được gặp gỡ với VTNet để làm rõ hơn vào tháng 12/2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Đ/c Nguyễn Khắc Thành đã chia sẻ về quá trình thiết kế, triển khai, tối ưu, vận hành khai thác cloud cho mạng lõi di động tại Việt Nam và 10 trị trường nước ngoài Viettel đang đầu tư.
Mỗi đại biểu đều hiểu giá trị to lớn từ Cloud mang lại cho hệ thống viễn thông truyền thống. Vì thế, các nhà mạng rất quan tâm đến các bài học kinh nghiệm, thách thức Viettel đã gặp phải và giải pháp để xử lý các vấn đề như: rủi ro ảnh hưởng dịch vụ diện rộng khi triển khai cloud dung lượng lớn, chi phí đầu tư hạ tầng, quá trình triển khai phức tạp và mất nhiều thời gian, quá trình nâng cấp kéo dài và không hỗ trợ nâng cấp online, các tính năng tự động hóa cloud không hoạt động hiệu quả, quá trình vận hành khai thác phức tạp, yêu cầu kiến thức chuyên môn mới về IT đối với nhân sự mạng lõi,… Đặc biệt, tất cả các nhà mạng đều đánh giá việc chuyển dịch lên cloud-native là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục vấn đề về nâng cấp và tự động hóa.
Đồng chí Nguyễn Hữu Anh Khoa, VTNet phát biểu tại Hội nghị.
Trong buổi họp đầu tiên, các nhà mạng rất quan tâm đến vùng phủ 5G tại các khu vực nông thôn, toà nhà cao tầng trên các band tần 2600MHz và Band C. Do vậy, Đ/c Nguyễn Hữu Anh Khoa đã trình bày ý tưởng và đề nghị Ericsson phát triển tính năng SSB Beamforming. Tính năng này giúp cải thiện sóng vô tuyến đường, tăng cường vùng phủ cho tòa nhà cao tầng, khu vực nông thôn, tăng cường phủ sâu ở khu vực thành thị từ 7-9dB (tăng thêm 30% vùng phủ), từ đó giảm số trạm 5G cần triển khai.
Ý tưởng đã tạo nên làn sóng trao đổi sôi nổi giữa Viettel, chuyên gia Ericsson và các nhà mạng. Cuối cùng ý tưởng đã được Hội nghị lựa chọn để đề nghị Ericsson phát triển cho phiên bản phần mềm tiếp theo. Chuyên gia Ericsson thống nhất với Viettel sẽ dành 2 tuần đánh giá lại kỹ đề xuất của Viettel và cử chuyên gia sang Việt Nam trong tháng 12/2023 để thảo luận sâu hơn.
Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị đánh giá cao tri thức, chia sẻ mà Viettel đã đóng góp nên đề nghị Viettel tham gia điều hành thảo luận vào hôm thứ 3. Đ/c Nguyễn Ngọc Quang Vinh, Ban Kỹ thuật Tập đoàn đã đại diện Viettel, cùng với 3 chuyên gia của các nhà mạng lớn Telstra (chủ trì hội nghị), Telkomcell (150 triệu thuê bao), Indosat (70 triệu thuê bao) đã điều hành lựa chọn 4 chủ đề nóng mà các mạng đang gặp, trong đó 2/4 chủ đề do Viettel đưa ra và được các nhà mạng lựa chọn để thảo luận.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các kỹ sư Viettel đã làm việc với các nhà mạng Telstra, Telkomsel, XL Axiata, Digital Nasional Berhal … để học hỏi các giải pháp quy hoạch, thiết kế, tối ưu mạng vô tuyến, mạng lõi 4G/5G.
Chia sẻ về những điều thu lượm được khi tham gia EUGAP 2023, Đ/c Đinh Văn Doanh cho biết: “Tham gia Hội nghị là cơ hội vô cùng quý báu với mỗi kỹ sư của Viettel. Chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều công nghệ mới, tri thức mới, đặc biệt là rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia để áp dụng ngay vào mạng lưới của Viettel. Theo PGĐ Trung tâm Chiến lược Công nghệ và Đổi mới Sản phẩm Tiêu dùng của nhà mạng Telkomsel, giải pháp Massive MIMO 4G rất hiệu quả cho các sự kiện lễ hội, yêu cầu tải cao. Dự kiến, giải pháp này sẽ được Viettel áp dụng từ năm 2024”.