Phương Việt (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 08:08 - 29.08.2024
Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTG đạt 16.594 tỷ đồng, tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2023, cao gấp hơn 5 lần so với mức tăng trưởng viễn thông thế giới (4,3%, theo Gartner). Lợi nhuận trước thuế của VTG ghi nhận con số ấn tượng, đạt tới 4.740 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.855 tỷ đồng.
Nhờ đó, VTG đã ghi nhận 10 quý tăng trưởng doanh thu liên tục so với cùng kỳ. Quý II/2024, VTG cũng đạt kỷ lục về doanh thu.
Trong 6 tháng đầu năm, cả 9 thị trường đều tăng trưởng cao. Tiêu biểu như Lumitel tại Burundi tăng 31%, Unitel tại Lào tăng 27%, Mytel tại Myanmar tăng 24%, Movitel tại Mozambique tăng 23%, Natcom tại Haiti tăng 18%.
Đặc biệt, các công ty ví điện tử ở nước ngoài đều tăng trưởng như: eMola (Mozambique) tăng 169%, U-money (Lào) tăng 62%, Halopesa (Tanzania) tăng 34%, Mosan (Đông Timor) tăng 34%. Hết tháng 6/2024, doanh thu dịch vụ ví điện tử đạt 2.089 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu, thuê bao ví điện tử đạt 18,5 triệu thuê bao, chiếm tỷ trọng 41% thuê bao di động.
Năm nay, VTG đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó, tăng trưởng viễn thông truyền thống trên 10%, dịch vụ ngoài viễn thông tăng trưởng từ 20 - 30%. Song song, VTG cũng xác định phải tăng tối thiểu 6 triệu thuê bao số.
Hiện, VTG thực hiện chiến lược khai mở không gian kinh doanh theo cả chiều sâu và chiều rộng.
Về chiều sâu, VTG đặt mục tiêu duy trì vị trí số 1 và tiếp tục mở rộng các dịch vụ mới tại thị trường như Data Center, Cloud, ví điện tử, các dịch vụ số tiện ích cho chính phủ và người dân… Còn theo chiều rộng, VTG sẽ tiếp tục khảo sát các thị trường mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.