Viettel Family đã đăng lúc 17:00 - 22.05.2024
Quyết tâm đầu tư dù... hết vốn
Những năm 2003 - 2004, lưng vốn có 15 triệu USD từ lãi làm dịch vụ VoIP (viễn thông đường dài 178), Viettel mua và lắp được 150 trạm BTS thì hết tiền. Công việc buộc phải dừng lại. Ban lãnh đạo Viettel đau đầu để tìm lời giải cho bài toán... hết tiền. Các anh bàn bạc và phân công nhau đi nhiều nơi trong và ngoài nước. Đi để nhìn lại việc làm của mình, đi để nắm sâu hơn thị trường, đi để học, để xem thiên hạ người ta làm di động thế nào?
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng khi đó là PGĐ Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội, đã bay sang Bangkok, đến công ty viễn thông rất lớn tên là AIS (Advanced Info Service, một phần của Shin Corp - một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan) do ông Thaksin Shinawatra lãnh đạo. Ông Thaksin lên làm Thủ tướng, theo luật không được điều hành công ty nên giao cho cô em gái 33 tuổi là bà Yingluck Shinawatra điều hành.
Tham quan, tiếp xúc xong, trước khi về nước, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng hỏi "nữ tướng" của AIS:
- Bây giờ, Viettel chúng tôi mới bắt đầu làm di động. Xin bà cho tôi một lời khuyên!
Nữ giám đốc trẻ, xinh đẹp bảo:
- Thứ nhất, ông làm nhanh. Thứ hai, làm to để bán được cho nhiều người.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng đáp lại:
- Tôi cũng biết điều ấy. Chúng tôi cũng muốn làm nhanh và làm to, nhưng lại không có tiền.
Người đứng đầu AIS cười mỉm và hỏi lại:
- Ông có biết thế giới hiện nay có bao nhiêu công ty viễn thông?
- Khoảng năm, sáu trăm.
- Chính xác là 650 công ty. Ông có biết còn bao nhiêu công ty cần mua thiết bị không?
- Tôi không biết.
- Chỉ còn khoảng vài chục công ty như Viettel các ông cần mua thiết bị thôi. Vì 650 công ty này đầu tư hơn 10 năm, 20 năm trước rồi, thị trường bão hòa. Không mấy doanh nghiệp đầu tư nữa để đi mua thiết bị đâu. Bây giờ, chưa nói là mua rẻ, các ông xin họ cũng cho. Nếu ông không xin được thì trả chậm bốn, năm sau, họ cũng bán.
Quá bất ngờ! Một thông tin vô giá, cứ như kho báu ở trên trời rơi xuống tặng Viettel đang hồi chật vật, loay hoay. Quả thật, giai đoạn ấy ngành sản xuất thiết bị viễn thông quốc tế một năm sa thải đến ba, bốn trăm ngàn công nhân. Họ bán rẻ, bán chậm cho Viettel thì công nhân có việc làm, đống thiết bị đã sản xuất bị ế kia sẽ không bị thành sắt vụn, nhựa phế thải.
Cơ hội là vàng. Nhạy cảm của người đầy ắp tư duy kinh tế thị trường rung ngân. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tế nhị xin phép quý bà giám đốc nước Thái ra ngoài một chút, nhanh chóng gọi điện cho mấy nhà cung cấp thiết bị nước ngoài, bảo rằng: Ông hãy báo cáo với Tổng hành dinh của ông đi, Viettel chúng tôi muốn đầu tư mạng di động lớn nhất Việt Nam, chúng tôi mua thiết bị và bốn năm sau mới trả thì các ông có bán không?
Chỉ một tiếng đồng hồ sau, một nhà cung cấp thiết bị nước ngoài trả lời sớm nhất: Đồng ý!
Lại một bất ngờ nữa!
Chớp lấy thời cơ, Viettel quyết đầu tư lớn, ào ạt 2.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên phạm vi toàn quốc. Thực tế đầu tư lúc đấu thầu là 4.000 trạm, khi đó VNPT mới có khoảng 700 trạm BTS. Một quyết định đúng đắn, kịp thời, có “tính vạch thời đại” đưa Viettel lên tầm vóc mới, mang sinh khí mới… bắt đầu từ một cú điện thoại.
Thiết kế nhanh
Người ta vẫn nghĩ mạng điện thoại di động là công nghệ cao nên phải có thiết kế trạm BTS phát sóng. Hồi đầu, Viettel đi thuê công ty AIRCOM của Anh thiết kế, họ lấy 750.000 USD, sau đó mở rộng ra kinh phí lên gần 1 triệu USD cho 150 trạm BTS, tức là mất khoảng 6.000 USD cho 1 trạm (hơn 100 triệu đồng/1 trạm). Trong khi đó mua thiết bị chỉ hết 20.000 USD/1 trạm. Họ ngồi thiết kế cứ 2 tuần mới xong 1 trạm. Họ đưa hồ sơ một trạm dày cả đống giấy. Hồi đó, ban lãnh đạo Tập đoàn còn bận việc nọ việc kia không kiểm tra, lại chưa thạo cái món này, với lại thiết kế cho 150 trạm thì ít, chưa bức thiết lắm.
4.000 trạm là cả núi hồ sơ. Tốc độ thiết kế 2 tuần/1 trạm thì đến mấy chục năm mới xong? Sốt ruột lắm, mà chưa giải được bài toán này.
Sau đó, lãnh đạo Tập đoàn đi Indonesia, đến thăm công ty viễn thông Extrenco, gặp ông giám đốc kỹ thuật 62 tuổi, người Mỹ. Ngồi nói chuyện, phía Viettel kể lại điều băn khoăn về công việc thiết kế trạm BTS ở Viettel quá lâu và quá đắt. Ông giám đốc ấy cười và hỏi:
- Ông đã nhìn thấy tập hồ sơ ấy chưa?
- Nhìn rồi! Nó dày đến nửa mét.
- Các ông trả 6000 USD thì nó phải dầy như thế chứ.
Ông ấy lại hỏi:
- Ông đã đọc nó chưa?
- Chưa.
- Tôi khẳng định với ông: 99% là nó copy từ bản đầu tiên; chỉ có 1% nó thay đổi cái tên, cái vị trí trạm thôi.
Lúc ấy, người Viettel mới giật mình. Ông giám đốc người Mỹ thân thiện bày cách làm chia ô mỗi trạm cách nhau khoảng 500 - 800m. Vì bản chất của mỗi trạm là phát sóng phủ lên một vùng diện tích nhất định. Trạm nào cũng giống trạm nào. Khi nhiều người dùng thì đặt thêm trạm, cách nhau 400m. Nhiều người dùng nữa thì xuống 200m… là dừng lại.
Nghe ông người Mỹ phân tích, lãnh đạo Viettel mới nhận ra: Đơn giản quá! Có gì phải thiết kế đâu. Về nước, Ban lãnh đạo giao nhiệm vụ cho những chàng kỹ sư trẻ vừa mới ra trường, rằng các em cứ làm theo hướng đó… thiết kế đúng 2 tuần được 2.000 trạm mà chẳng mất đồng xu nào.
Sản xuất, kinh doanh là vậy. Cái được là bài học kinh nghiệm. Tìm trong thất bại để nuôi mầm thành công cũng là một triết lý bổ ích. Câu chuyện thiết kế nhanh, dù phải trả giá, cũng đã giải quyết xong.
Làm nhanh
Công trình Viettel hồi đó mỗi đội trong 1 tuần mới lắp được 1 trạm. Câu hỏi đặt ra là 4000 trạm lắp bao giờ mới xong? Phần mềm đã có sẵn, đổ từ trung tâm xuống. Làm nhà trạm thì bình thường (sau này có công-ten-nơ thay nhà trạm chỉ việc đặt). Khó là khó cái cột. Lắp cột là ưu thế thiện chiến của lính công trình rồi.
Thế rồi đồng chí TGĐ Hoàng Anh Xuân chỉ đạo: “Toàn dân” đi lắp đặt trạm. Ở Việt Nam lần đầu tiên có chuyện: các cô gái bán hàng Viettel đi lắp đặt cột phát sóng di động. Xây lắp trạm BTS có 95% công việc cơ học, đơn giản. Bưng bê thì ai cũng bê bưng được. Khiêng cột ai cũng khiêng được. Móng cột có thể thuê dân ở xã, ấp xây.
Nhưng, 5% còn lại là khó và rất khó, như: dựng cột, lắp cho chặt, chỉnh dây co cho thăng bằng, quay ăng ten, xử lý lập trình… thì phải có chuyên môn sâu. Viettel chỉ cần trực tiếp giải quyết 5% này, còn 95% đã được giảm tải - tức giảm tới 20 lần.
Vấn đề làm nhanh được giải quyết như vậy.
Tất cả đã góp phần dựng nên một mạng lưới Viettel lớn nhất Việt Nam chỉ sau vài năm gia nhập thị trường và phổ cập dịch vụ di động tới mọi người dân, xóa nhòa khoảng cách về kết nối giữa nông thôn và thành thị.