Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:06 - 14.04.2023
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia tổ chức 2 năm/lần do Hội Kiến trúc sư Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giải thưởng lần thứ 15 (2022 - 2023) vẫn nhận được số lượng lớn các tác phẩm gửi tham dự, với 226 tác phẩm. Đây là số lượng lớn nhất trong số các kỳ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia từ trước đến nay.
Vậy, trụ sở Viettel có điểm gì đặc biệt, được Hội đồng đánh giá cao và trao giải Vàng?
Tòa nhà Viettel là công trình kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của Tập đoàn, được "sinh ra" từ những giá trị cốt lõi của Viettel, quan trọng nhất, tòa nhà đề cao giá trị vì con người lên hàng đầu trong từng không gian, bộ phận. Tòa nhà mang nhiều thông điệp được gửi gắm trong thiết kế như “sáng tạo là sức sống”, “thích ứng nhanh”, “kết hợp Đông - Tây”.
Trụ sở Tập đoàn Viettel mới được thiết kế bởi công ty tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ, theo đánh giá của tổ chức uy tín World Architect, đây là một đơn vị tư vấn thiết kế số 1 thế giới . Tòa nhà lấy cảm hứng từ logo của Viettel - đại diện cho thương hiệu, triết lý kinh doanh và các giá trị cốt lõi của Tập đoàn.
Công trình được tạo hình khác biệt so với các tòa văn phòng cao tầng thông thường. Ban đầu, Viettel dự định xây trụ sở theo hướng tòa tháp văn phòng cao tầng nhưng sau đó đã quyết định phương án xây dựng độc đáo như hiện tại. Toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ dưới chân lên đỉnh mái. Vòng cung của công trình thể hiện sự kín đáo của người phương Đông, đồng thời mang hơi thở phóng khoáng, cởi mở của phương Tây khi các mặt tiếp xúc bên ngoài được tối đa hóa.
Mỗi tầng của công trình được thiết kế với chức năng riêng. Bao gồm tầng hầm là hội trường dùng để tổ chức hội nghị. Tầng 1 là các không gian tiếp khách, triển lãm, trưng bày và nhà ăn. Tầng 2 là khu vực tổ chức hội họp. Từ tầng 3 đến tầng 8 là khu vực văn phòng làm việc.
Đây được xem là tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Xây dựng xanh Hoa Kỳ. Công trình được thiết kế theo xu thế của thời đại hướng đến một công trình xây dựng bền vững bao gồm các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng, gần gũi và thân thiện với môi trường. Trụ sở Tập đoàn là một trong số ít tòa nhà ở Việt Nam đăng ký để nhận được chứng chỉ xanh (LEED), viết tắt của cụm từ “Leadership in Energy and Environmental Design” (tạm dịch là “Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường”).
Theo tiêu chuẩn LEED, trụ sở Tập đoàn Viettel đảm bảo ba tiêu chí vàng của công trình xanh: Gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và tái tạo năng lượng. 30% diện tích của công trình được dùng cho cây xanh và hồ nước, đảm bảo chất lượng không khí bên trong và bên ngoài tòa nhà. 70% vật liệu xây dựng cho công trình là vật liệu có khả năng tái chế, không chứa chất độc hại và không thải chất độc hại ra ngoài công trình.
Nhiều không gian văn phòng sử dụng ánh sáng và nguồn gió tự nhiên. Tất cả nội thất, thảm và sơn được lựa chọn theo tiêu chuẩn từ LEED nhằm đảm bảo không phát thải độc tố ra môi trường, đảm bảo sức khỏe cho CBNV và giữ lượng phát thải C02 ở mức thấp nhất. Nguyên liệu xây dựng cũng đạt tiêu chuẩn của LEED như kính hộp cách nhiệt Low-E được nhập từ Hoa Kỳ, đảm bảo ánh sáng truyền qua nhiều nhất nhưng nhiệt lượng truyền qua công trình là ít nhất. Hệ lam chắn nắng giúp giảm năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng và điều hòa từ đó giúp tiết kiệm điện.
95% nước mưa xuống công trình được thu gom toàn bộ và sử dụng vào việc làm mát cho hệ thống điều hòa, tưới cây, cấp nước cho hệ thống vệ sinh giúp tiết kiệm nước. Hệ thống xử lý nước thải được sử dụng để làm mát các hệ thống điều hòa, đồng thời lượng nước này cũng được lọc để phun tưới cây xanh.
Tòa nhà được trang bị hệ thống IBMS (Intelligent Building Management System). Đây là một hệ thống đồng bộ cho phép điều khiển và quản lý mọi hệ thống kỹ thuật trong toà nhà như hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điều hoà thông gió, cảnh báo môi trường, an ninh, báo cháy – chữa cháy…, đảm bảo cho việc vận hành các thiết bị trong tòa nhà được chính xác, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí vận hành.
Hội đồng Giám khảo đánh giá thiết kế của tòa nhà trụ sở Viettel:
“Điều làm nên sự thành công của công trình này là một “tư duy mới” về kiến trúc và thiết kế với các nguyên tắc: cởi mở, bền vững, nâng cao hiệu quả công việc.
Về quy hoạch đồ án: Chủ đầu tư đã hy sinh về lợi ích bất động sản (là công trình cao tầng) mà chỉ thực hiện công trình cao 9 tầng, đã làm nổi bật công trình hơn trong khu vực nhiều công trình cao tầng xung quanh. Công trình có tính biểu tượng thể hiện sự vượt trội của tập đoàn viễn thông, được thiết kế độc đáo, tinh tế, có hình bầu dục tích hợp liền mạch với công trình liền kề, với mái dốc phủ cỏ màu xanh để giảm bớt bức xạ nhiệt.
Về thiết kế Biophilic: không chỉ đưa cây xanh vào không gian mà còn tái hiện cảm giác thiên nhiên ngay trong nhà, tạo ra không gian mở cho làm việc, hội họp, mang tính kết nối, mang lại hiệu quả tăng sức khỏe và năng suất lao động. Đồ án đã thể hiện được một trình độ nghiên cứu toàn diện và có trách nhiệm. Hầu hết các vấn đề kỹ thuật và vật lý kiến trúc đều được nghiên cứu và tính toán kỹ càng, hướng tới các tiêu chí kiến trúc xanh và bền vững cho tòa nhà”.