Tại sao không có cơ chế đánh giá/đề xuất lại chức danh Chuyên viên?
Ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn
Kính gửi đồng chí,
Cảm ơn những đề xuất đóng góp của đồng chí liên quan đến các chính sách nhân sự của Tập đoàn. Về những ý kiến của đồng chí, Ban TCNL xin phản hồi như sau:
- Đánh giá kết quả hoàn thành công việc và xét nâng lương thường niên: Khi xét nâng lương thường niên, yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ lệ nâng lương là kết quả đánh giá hoàn thành công việc (Ki). Cá nhân có Ki D, thậm chí Ki C sẽ không được xét nâng lương (Tập đoàn ban hành guideline để từng đơn vị tự xây dựng chính sách phù hợp yêu cầu tình hình thực tế). Vì vậy, từng cá nhân đều phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mới được nâng lương, không phân biệt là nhân viên hay chuyên viên. Cá nhân ở vị trí nhân viên nhưng có Ki cao hoàn toàn có thể được mức tỷ lệ nâng lương cao hơn vị trí chuyên viên có Ki ở mức đạt yêu cầu. Theo quy chế, việc đánh giá này được thực hiện hàng quý dựa trên kết quả thực hiện các mục tiêu, KPIs, chỉ tiêu của cá nhân được giao đầu kỳ. CBNV có hiệu suất kém, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao có thể sẽ bị thay thế để đảm bảo mục tiêu phát triển chung của Tổ chức. Đối với các cá nhân có nỗ lực, cố gắng vượt bậc, trong ngắn hạn thì thành tích trong công việc sẽ được Tập đoàn ghi nhận thông qua kết quả đánh giá Ki hàng năm, từ đó tác động trực tiếp đến kết quả nâng lương thường niên và thu nhập cá nhân nhận về bằng lương SXKD 6 tháng/hàng năm. Trường hợp CBNV cho rằng kết quả đánh giá Ki không phản ánh đúng kết quả công việc, vui lòng trao đổi với CBQL trực tiếp và Bộ phận nhân sự để được giải đáp. Bên cạnh đó, năng lực và thành tích công việc cũng là các tiêu chí chính để xem xét bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chi trả lương, xét nâng lương, khen thưởng CBNV.
- Phân biệt Chức năng nhiệm vụ của từng cấp bậc chức danh: Các quy định, hướng dẫn của Tập đoàn đều phân biệt rõ ràng phạm vi trách nhiệm, mô tả công việc, yêu cầu…khác nhau với các level chức danh khác nhau, cụ thể:
+ Danh mục chức danh các ngành (ngành dọc ban hành)
+ Hướng dẫn xếp bậc (ban TCNL ban hành)
+ Danh mục chức danh của đơn vị (Chỉ huy đơn vị ban hành)
+ Mô tả công việc (chỉ huy đơn vị ban hành)
+ Phiếu giao nhiệm vụ (quản lý trực tiếp giao)
- Quy định tỷ lệ chuyên viên/nhân viên trong Tổ chức và phân biệt bậc chức danh: Tỷ lệ này cần được duy trì và kiểm soát để đảm bảo các công việc chính phụ trong quản lý vị trí công việc chuyên môn, duy trì các lứa lớp nhân sự phát triển bền vững, đảm bảo lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, kiểm soát ngân sách và duy trì cân bằng nội bộ giữa các đơn vị. Mỗi cấp bậc (level) chức danh sẽ ứng với phạm vi trách nhiệm, mô tả công việc và yêu cầu khác nhau trên nguyên tắc cấp bậc cao hơn phải đảm nhiệm trách nhiệm và yêu cầu công việc cao hơn. Do đó, việc sắp xếp cá nhân vào từng bậc phải đảm bảo phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao và năng lực, trình độ của cá nhân đó.
Trên đây là một số nội dung thông tin đến đồng chí. Rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp của đồng chí. Chúc đồng chí mạnh khỏe, công tác tốt.