Khẩu hiệu chiến lược hiện nay
Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng
Năm 2004, khi chúng ta triển khai 2G, thị phần cả nước chỉ có 4%, vùng phủ thấp, dịch vụ viễn thông còn xa xỉ. Với hoàn cảnh đó, chúng ta đã đưa ra chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị để mang đến sự liên tục trong trải nghiệm sử dụng của khách hàng, từ thành thị đến nông thôn.
Đến khi triển khai 4G, chúng ta đã xây dựng 34.000 trạm BTS trong vòng hơn 6 tháng, qua đó chúng ta chiếm được gần 60% thị phần data. Đây là chiến lược vô cùng đúng đắn, giúp cho sự tăng trưởng liên tục của Viettel trong suốt từ năm 2017 đến nay, khi thoại đi xuống, data tăng bù lại.
Còn đối với 5G, đây không phải sự tiến hóa, đó là cuộc cách mạng. Người dùng sẽ không chỉ dừng lại ở viễn thông hay data. Công nghệ 5G được mong chờ để thực hiện những dịch vụ khác biệt. Ví dụ như lái xe tự động hay điều khiển tự động với độ trễ rất thấp. Những ứng dụng này ở Việt Nam chưa có nhiều. Vì vậy, bước đầu chúng ta triển khai 5G để mở rộng thêm tốc độ cho mobile internet là chính. Vì vậy, chúng ta có thể triển khai 5G trước ở thành thị, những nhà máy, công sở, những nơi có nhu cầu lớn.
Trong chiến lược của Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, có 4 mũi nhọn trọng tâm.
Đó là:
Với khối viễn thông tiếp tục đẩy mạnh theo xu hướng công nghệ của thế giới và triển khai thêm các dịch vụ đính kèm trên nền tảng đó. Đây vẫn là một trụ cột quan trọng, chiếm 80% doanh thu của Tập đoàn.
Với khối Công nghiệp Công nghệ cao, đối với các sản phẩm trong lĩnh vực quân sự của chúng ta được Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng rất tin tưởng và đánh giá rất cao. Đối với các sản phẩm dân sự, chúng ta làm chủ hoàn toàn công nghệ. Một bước tiến mới trong tương lai, chúng ta đang tập trung vào những sản phẩm năng lượng mới, nghiên cứu năng lượng gió, tích trữ năng lượng. Đó là một tiền đề tốt. Mang theo sứ mệnh, cùng xây dựng đưa Việt Nam trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại.
Với khối dịch vụ số, những dịch vụ của Viettel đặt mục tiêu phổ cập đến mọi người dân. Đối với kinh tế số, VTS đã triển khai nhiều nền tảng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cuối cùng là khối thương mại và logistics đặt mục tiêu có những đột phá, chuyển đổi số về mặt quản trị và phương thức kinh doanh.