Cẩm Thủy (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 15:53 - 21.10.2024
Ngày 15/10/2024, mạng di động Viettel tròn 20 tuổi, cũng trong ngày trọng đại này, 2 sự kiện được dư luận quan tâm đặc biệt và có thể coi là dấu mốc của mạng di động Viettel nói riêng và cả ngành viễn thông Việt Nam nói chung đã diễn ra đồng thời: Dừng cung cấp dịch vụ 2G Only và khai trương mạng 5G đầu tiên ở Việt Nam.
Tiên phong, quyết liệt “xóa” thuê bao 2G
Nhìn vào số lượng thuê bao 2G của Viettel ở thời điểm Bộ TT&TT công bố lộ trình “tắt” sóng 2G, không ai có thể nghĩ rằng nhà mạng lớn nhất Việt Nam về cả vùng phủ và thị phần có thể về đích đúng hẹn. Thế nhưng, với những quyết sách, hành động được triển khai từ sớm, đồng bộ và quyết liệt ở cả 63 tỉnh/thành phố, Viettel đã tạo nên một kỳ tích.
Ngay khi tiếp nhận chỉ đạo của Bộ TT&TT về chủ trương tắt sóng 2G, Viettel lập tức “ra quân” ngay trong năm 2023. Chỉ trong vòng 1 năm, Viettel đã bổ sung thêm 6.000 trạm phát sóng 4G mới, nâng băng thông và dung lượng của 53.000 trạm khác. Nhờ đó, hơn 4 triệu người dân tại các vùng sâu, vùng xa,… đã có sóng 4G, đảm bảo không bị “trắng sóng” nếu tắt 2G. Có thể nói, Viettel đã thực hiện khối lượng công việc năm 2024 bằng 3 năm trước cộng lại.
“Nếu như chuyển đổi máy 2G lên 4G mà không có sóng 4G thì khách hàng không thể sử dụng Internet hay các hạ tầng của 4G. Khi đó máy 4G không khác biệt so với máy 2G. Vì thế, đảm bảo chất lượng sóng 4G là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi khách hàng lên môi trường số”, đồng chí Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc TCT Viễn thông Viettel (VTT), nói.
Hạ tầng 4G đã sẵn sàng để “đón” thuê bao 2G. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Để chuyển đổi được hết số khách hàng vốn đang gặp quá nhiều rào cản cũng là lý do họ chưa muốn chia tay chiếc điện thoại “cục gạch”, còn rất nhiều việc phải làm. Đó là thói quen sử dụng mẫu điện thoại 2G phím bấm đơn giản, pin lâu, dễ sử dụng. Đó là nỗi lo phát sinh chi phí đối với người eo hẹp về kinh tế. Đó là việc ngại phải đi xa hoặc không biết phải tới đâu để được hỗ trợ chuyển đổi... Mỗi rào cản cần một giải pháp hoặc “cú hích” để những người khó thuyết phục nhất “chịu lên 4G”.
Để giải những nỗi lo của khách hàng, VTT đã tổ chức kênh chuyển đổi rộng khắp trên toàn quốc. Thời gian cao điểm nhất, VTT đã bố trí tới 12.000 điểm hỗ trợ chuyển đổi máy 4G tới tận thôn, xã để người dân không cần phải đi xa. Viettel cũng liên kết với các hãng điện thoại lớn, các chuỗi cửa hàng như Thế giới di động, Điện máy xanh, Viettel Store,… và các điểm kinh doanh điện thoại tại địa phương để cung cấp đa dạng mẫu điện thoại 4G, trợ giá sản phẩm kèm ưu đãi dịch vụ đồng thời hỗ trợ khách hàng chuyển đổi tiện lợi nhất.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Viettel chủ động tổ chức hoặc kết hợp với các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng người” để thuyết phục, hỗ trợ người dân chuyển đổi kết hợp phổ cập kĩ năng số cho người dân.
Giải pháp quyết liệt cho kết quả xứng đáng, đầu tháng 9/2024, Viettel chỉ còn khoảng gần 1 triệu khách hàng sử dụng điện thoại 2G, giảm rất nhiều so với con số 8 triệu từ đầu năm. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số khách hàng, nhưng những thuê bao 2G sau cùng lại là những trường hợp khó tiếp cận nhất. Trong khi nhu cầu kết nối của những khách hàng này lại rất chính đáng và cần thiết. Nỗ lực tiếp tục được đẩy lên ở giai đoạn nước rút để 100% khách hàng không ai bị bỏ lại phía sau.
Đầu tháng 9, Viettel dành 40 tỷ đồng để tặng 100.000 máy điện thoại phím bấm 4G (Feature Phone) cho người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 1700 xã khó khăn và đặc biệt thuộc miền núi, miền biển và dân tộc thiểu số không có điều kiện chuyển đổi lên 4G.
Đặc biệt, sau khi cơn bão số 3 - Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho miền Bắc nước ta - cũng là một trong những lý do khiến Bộ TT&TT lùi thời hạn dừng cung cấp dịch vụ cho máy 2G Only thêm 1 tháng, Viettel đã quyết định mở rộng phạm vi hỗ trợ, tặng 700.000 điện thoại 4G cho gần như toàn bộ khách hàng 2G còn lại để hoàn tất việc chuyển đổi lên 4G. Tổng kinh phí dành cho chương trình lên tới gần 300 tỷ đồng.
Nhờ triển khai đồng bộ và quyết liệt, giải quyết tận gốc vấn đề của từng nhóm khách hàng cụ thể, Viettel đã hoàn thành chương trình chuyển đổi 2G lên 4G với một kết quả “ngoài mong đợi”. Tính đến hết ngày 15/10/2024, thời điểm dừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only, toàn mạng Viettel chỉ còn chưa đến 100.000 thuê bao 2G. Đây chủ yếu là thuê bao bật máy nhưng không sử dụng.
“Khi không còn 2G nữa, có nghĩa các khách hàng đều trên hạ tầng 4G và 5G. Gần như 100% người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận với dịch vụ internet và tiếp cận kho tri thức của thế giới thông qua smartphone. Đấy là yếu tố quan trọng để Viettel xây dựng sản phẩm số, bám theo hạ tầng nền tảng 4G và 5G thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, TGĐ VTT Cao Anh Sơn khẳng định.
“Bật” mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam - Khởi đầu kỷ nguyên công nghệ mới
Đúng vào thời khắc mạng di động 2G hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử, Viettel chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam, phủ sóng 100% thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học - những nơi sẽ ứng dụng 5G nhiều nhất.
Như vậy, nếu như với 2G khát vọng của Viettel là “mỗi người dân sở hữu một di động”; 4G là “mỗi người dân sở hữu một smartphone” thì 5G sẽ hướng đến “mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối”, ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề lớn của xã hội, góp phần xây dựng xã hội số, kỉ nguyên thông minh tại Việt Nam. 5G Viettel sẽ thực sự mở ra một “Cuộc sống mới” bởi Viettel tin rằng 5G sẽ mở ra các dịch vụ mới phục vụ con người, kết nối con người, kết nối vạn vật đồng thời tạo ra các công cụ/nền tảng để xã hội cùng phát triển.
Không chỉ tiên phong áp dụng công nghệ mới vào trong nước, mạng 5G Viettel cũng được đánh giá là hiện đại nhất, hoàn chỉnh từ vô tuyến đến mạng lõi với các giải pháp đang được các nhà mạng hàng đầu thế giới sử dụng như AT&T và Verizon (Mỹ), SKT và LG (Hàn Quốc).
Viettel, từ chỗ đi sau, tiếp cận các công nghệ 2G, 3G, 4G vốn đã phổ biến trên thế giới từ 8 - 13 năm trước đó, đã giúp Việt Nam có thể song hành với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất và Viettel là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm dịch vụ 5G tại 63 tỉnh/thành phố.
"Một tương lai mới của di động sẽ bắt đầu từ hôm nay", Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng nhấn mạnh tại thời điểm Viettel "bật" 5G.